Hồi ký CỰU TỔNG THỐNG HÀN QUỐC LEE MYUNG-BAK KHÔNG CÓ GÌ LÀ HUYỀN THOẠI 신화는 없다.

PHẦN 7. HÃY SUY NGHĨ NHƯ GIÁM ĐỐC, VÀ LÀM VIỆC NHƯ TRƯỞNG PHÒNG

Có nhiều người khi còn là nhân viên bình thường thì được đánh giá là có năng lực, nhưng khi lên cấp trưởng phòng lại không hòa nhập được. Đó là vì họ không tuân thủ những kỹ năng cơ bản mà chỉ tập trung vào những kỹ xảo làm việc. Trước tiên, phải triệt để thấm nhuần kỹ năng cơ bản dựa trên nguyên tắc quy định, có như vậy thì mới có thể phát huy tính linh động tuyệt vời của mình một cách thoải mái.

Phần 1. Tôi khuyên anh với tư cách là một người đi trước

Thời tôi còn làm ở nhà máy công nghiệp nặng, có một ông giám đốc tên Lim hay thường lui tới văn phòng. Ông ta là giám đốc của công ty chuyên sản suất phụ tùng máy nghiền đá, loại máy nghiền từ đá lớn thành đá nhỏ. Ông cũng đã có tuổi và có mối quan hệ khá lâu dài với công ty xây dựng Huyndai.

Sản xuất đá dăm, máy móc chạy suốt ngày đêm nên có thể hư bất kì lúc nào. Mỗi lúc như thế, chúng tôi đều điện thoại đến nhà ông Lim. Cho dù là 1h sáng đi chăng nữa ông cũng bắt máy mà không chút phàn nàn. Bất cứ lúc nào cần, kể cả ban đêm, ông đều giao hàng theo đúng yêu cầu của chúng tôi.

Ông ta là người rất khiêm tốn. Dù là giám đốc một công ty qui mô cũng khá nhưng khi vào nhà máy chúng tôi, ông luôn cúi gập người chào bảo vệ, đối xử với lao động của nhà máy chúng tôi y như với đồng nghiệp của mình. Tất nhiên ai cũng làm thế vì công việc của mình cả, nhưng không phải giám đốc nào cũng như thế.

Ông có một cách làm rất đặc biệt. Khi đi qua phòng bảo vệ, bao giờ ông cũng chuẩn bị sẵn tiền mua bao thuốc lá cho phòng bảo vệ. Đến văn phòng bao giờ ông cũng mang một thứ gì đó làm quà. Vì vậy, mỗi lần ông đến, tất cả lao động trong nhà máy chúng tôi đều chào đón rất nhiệt tình.

Phòng bảo vệ là sự tồn tại đáng sợ đối với xe vào ra nhà máy chúng tôi. Khi máy móc đáng giá ra hoặc vào nhà máy thì việc kiểm tra lại càng nghiêm ngặt hơn. Nhưng xe của ông Lim thì lại rất bình thường.

Một đợt, nhân dịp lễ Trung Thu, ông Lim tặng mỗi người trong công ty một cái áo sơ mi. Tôi chỉ thị cho phòng tổng vụ thu hồi tất cả áo lại và trả lại. Ông Lim nhận áo xong, điện thoại ngay cho tôi.

“Tôi muốn gặp phó phòng Lee ở bên ngoài. Không phải vì chuyện công việc, mà tôi muốn nói với phó phòng Lee về cách ứng xử”.

Tối hôm đó, chúng tôi gặp nhau tại quán ăn dưới tầng hầm của một siêu thị trong thành phố.

“Tôi nói anh nghe không phải với tư cách là công ty bán hàng cho anh, mà là với tư cách một đàn anh tuổi đời lớn hơn mà thôi”.

Sau khi nói rằng yêu cầu của buổi nói chuyện này là người đi trước nói với người đi sau, sau khi kết thúc câu chuyện sẽ quay về tư cách là khách hàng, ông nói tiếp.

“Tôi đã làm việc cả ngày cả đêm cho công ty xây dựng Huyndai, và cũng nhờ vào công ty Huyndea nên tôi đã có một nhà máy và tài sản như ngày hôm nay. Trong suốt quá trình làm ăn của mình, tôi luôn thể hiện tấm lòng của mình với những người giúp đỡ tôi nhưng chưa bao giờ tôi đi quá giới hạn cả. Khi đi qua phòng bảo vệ, tôi có cho tiền thuốc lá. Nhưng tôi hoàn toàn không ta đây hay coi như đó là bố thí cho họ. Tôi chỉ làm thế là vì tôi nghĩ rằng làm theo cách của mình sẽ tốt hơn là mất thời gian vì bảo vệ. Nhưng từ khi Phó phòng Lee đến, phòng bảo vệ làm việc rất cứng nhắc, áo sơ mi cũng trả lại cho tôi. Như vậy gây cho tôi không ít phiền não”.

Ban đầu, tôi hơi nghi ngờ có lẽ ông xưa nay giao hàng thuận lợi, nay thấy tôi làm chặt quá mới bày chuyện dạy đời và đe dọa người khác. Nhưng thái độ của ông lại như chẳng có một chút gì là riêng tư cả, tôi cảm nhận tình cảm ấm áp của ông đang lo lắng thực lòng cho tôi.

“Phó phòng Lee lạnh lùng quá. Theo tôi, cậu cũng sắp lên trưởng phòng. Nhưng tôi thấy cái gì cũng cứng nhắc như vậy thì khó thành lãnh đạo được. Làm việc chính trực và cầu toàn thì rất tốt, nhưng nếu không có tình cảm ấm áp và chữ Đức thì không thành lãnh đạo được. Con người làm việc mà không có tính linh động thì chẳng khác gì cái máy cả”.

Nghe lời dặn của ông, tôi chợt nhớ đến việc mình từ chối lời đề nghị của bà vợ ông Jung, nhớ lời khuyên của anh ba tôi ngày trước. Anh tôi cũng nhấn mạnh hai chữ linh động giống ông vậy. Khi đó, tôi đã trả lời rằng sau này khi lên đến vị trí nhất định, khi cần thiết, tôi sẽ thực hiện điều đó. Tất cả đều là những lời khuyên cần thiết và quí báu với tôi. Thực tế, trong quá trình thăng tiến lên trưởng phòng, phó giám đốc và phó giám đốc thường trực, khiến cho mọi người ngạc nhiên ấy, cũng có nhiều trường hợp không thể giải quyết bằng nguyên tắc và qui định được. Và cứ mỗi lần như thế, những lời khuyên ấy lại giúp tôi giải quyết được công việc một cách hài hòa.

Ở những trận đấu bóng chuyền cấp 3 giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, bao giờ Hàn Quốc cũng thắng. Nhưng ở những trận đấu bóng chuyền giành cho người lớn thì Hàn Quốc là đội thua. Lý do rất rõ ràng, vận động viên cấp 3 của Hàn Quốc hay Nhật Bản thì trình độ kỹ thuật chỉ ngang nhau. Nhưng Nhật Bản, người ta chỉ dạy kỹ thuật cơ bản cho vận động viên cấp 3. Vì vậy việc đội tuyển cấp 3 Nhật bản thua một đội được dạy kỹ thuật độ khó cao của của người lớn như Hàn Quốc là điều đương nhiên thôi.

Vấn đề chính là ở đó. Những vận động viên Nhật Bản sau khi được trau dồi kỹ năng cơ bản một cách triệt để sẽ trau dồi kỹ thuật tấn công nhanh kiểu quick A hoặc B. Trong khi vận động viên Hàn Quốc lại quá tập trung vào kỹ thuật độ khó cao nên họ quên mất kỹ thuật cơ bản. Học kỹ thuật mà không có nền tảng cơ bản thì ngay lập tức co thấy giới hạn. Vì thế mà đội tuyển người lớn bóng chuyền nước ta thường thua Nhật bản là vì thế.  

Đối với một nhân viên vào công ty làm việc cũng vậy. Không thể làm việc như kiểu vận động viên bóng chuyền cấp 3 Hàn Quốc. Trước tiên, phải như vận động viên của Nhật Bản, họ phải triệt để trau dồi kỹ năng cơ bản dựa theo nguyên tắc và qui định. Vừa vào công ty chưa được bao lâu nhưng thể hiện kỹ thuật là điều sai. Trong quá trình thăng tiến từ nhân viên, phó phòng, trưởng phòng, nếu thấy ai đó phát huy tính linh động khiến ta cảm tưởng người đó có năng lực. Nhưng ngay lập tức hạn chế kiểu ‘kỹ thuật bóng chuyền cấp 3” sẽ xuất hiện.

 Có nhiều người khi còn là nhân viên bình thường thì được đánh giá là có năng lực, nhưng khi lên cấp trưởng phòng lại không hòa nhập được. Tất cả là bì họ không tuân thủ những kỹ năng cơ bản mà chỉ tập trung vào những kỹ xảo làm việc.  

Trước tiên, phải thuần thục kĩ năng cơ bản một cách triệt để. Phải như thế thì mới có thể phát huy tính năng động tài giỏi một cách thoải mái.

Phần 2. Những người được nhận lương đầu tiên

Đầu năm 1970, Huyndai bắt đầu xây dựng nhà máy đóng tàu Ulsan. Vốn dĩ đây là dự án rất lớn nên áp lực về vốn là khủng khiếp. Dùng đến cả tiền vay chợ đen mà vẫn không đủ. Nguy cơ nợ tiền lương lên đến 4-5 tháng đang đến gần.

Ở cuộc họp lãnh đạo của công ty, tôi đề nghị khẩn cấp.

“Tiền vốn chúng ta đã cạn. Ngoài việc tạm ngưng chi trả lương, chúng ta không còn cách nào khác. Chúng ta có thể trả lương như mọi khi cho công nhân và Giám đốc Jung, còn các cấp lãnh đạo khác thì chỉ có thể nợ lương ít thì 3 tháng, nhiều thì 6 tháng. Đây là lúc khó khăn, mong tất cả mọi người đồng lòng cùng nhau vượt qua khó khăn”.

Việc trả lương đúng lúc cho công nhân tại công trường thì chẳng có ai có ý kiến gì, nhưng lại có ý kiến “sao lại làm thế với giám đốc”. Có vẻ như trong số lãnh đạo, có người còn nói bừa “ Thằng cha đó chắc làm thế để lấy lòng giám đốc ấy mà”. Tiếp theo là sự phản đối mạnh mẽ từ vợ các lãnh đạo trong công ty. Họ cho rằng tôi không phải Giám đốc, chỉ là Phó giám đốc thôi nên không có quyền quyết định về chuyện lương bổng. Tôi trình bày lý do với họ:

“Giám đốc Jung cũng đang vùi mình vào công việc tại công trình Ulsan không kể ngày đêm. Vì chúng ta muốn rút ngắn thời gian thi công 3 năm còn 1 năm rưỡi. Vì thế nên chúng ta mới gặp khó khăn về tiền vốn. Nhưng nếu không trả lương cho Giám đốc thì ông ấy sẽ nghĩ như thế nào? Ông ấy có còn hy sinh làm việc hay không? Ông ấy sẽ vì “ Thế là gặp vấn đề về vốn” mà trở nên lo lắng. Bây giờ, nếu ông ấy biết rằng công ty có vấn đề về vốn thì cũng khó khăn của chúng ta cũng không thể giải quyết ngay được.Càng những lúc như thế này, lẽ ra chúng ta càng phải thúc đẩy tinh thần của Giám đốc mới phải. Có như vậy thì dự án này mới nhanh kết thúc, tình hình công ty chúng ta mới tốt lên”.

Tôi giải thích như vậy nên chẳng ai phản đối nữa. Dự án nhà máy đóng tàu vẫn tiếp tục tiến hành một cách khó khăn.

Năm 1972, Chính phủ áp dụng chính sách 8.3 và cấm nguồn vay chợ đen. Với quyết định này tất cả các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực công nghiệp nặng theo kế hoạch 5 năm lần 2 đều thoát khỏi khó khăn về vốn. Ngay sau khi có lệnh cấm vay chợ đen, chúng tôi cũng thoát khỏi khó khăn về vốn và hoàn công công trình đóng tàu Ulsan. Nhà máy này hiện nay là công ty công nghiệp nặng Huyndai.

Phần 3. Đối tượng cạnh tranh chính là chủ công ty

Mỗi lần nhận câu hỏi về bí quyết “thăng chức cao tốc” khi 20 tuổi làm phó giám đốc, 30 tuổi làm giám đốc, 40 tuổi lại trở thành Chủ tịch tôi cảm thấy. thực sự rất khó trả lời. Tôi chưa bao giờ suy nghĩ về bí quyết ấy cả. Chức vụ chẳng qua chỉ là cái danh để cho tôi tiện bề làm việc. Hơn nữa, tất cả chỉ là sự phán đoán của chủ doanh nghiệp mà thôi.

12 năm sau khi vào công ty, tôi trở thành giám đốc công ty. Nhưng 12 năm ấy của tôi khác hoàn toàn so với 12 năm của những người bình thường. Mỗi ngày tôi làm việc 18 tiếng và không có thời gian nghỉ kể cả ngày lễ. Nó có nghĩa là tôi làm việc gấp đôi người thường. Tương đương 24 năm, tôi mới trở thành giám đốc. Như vậy, chẳng có gì nhanh cả.

Khi được giám đốc hoặc cấp trên giao một việc gì đó, thông thường, đại bộ phận mọi người sẽ liệt kê về những khó khăn sẽ gặp phải ngay trước mắt, sau đó sẽ giải thích về tình hình nhân lực, thiếu hụt tiền vốn, kỹ thuật hay thông tin. Họ chẳng qua muốn tìm cho mình một cái lỗ để thoát ra khi thất bại mà thôi. Họ muốn đưa ra hai con đường song song rằng nếu thành công thì họ lên mặt, còn khi thất bại họ sẽ nói “Thấy chưa, tôi nói ngay từ đầu rồi mà”.

Nhưng tôi thì luôn đặt ra mục tiêu cao hơn cả mục tiêu của chủ doanh nghiệp đặt ra  và cố gắng hết sức để thực hiện điều đó. Tất cả những phương pháp, mục tiêu, cách giải quyết vấn đề, phương hướng công việc mà tôi trình bày với ông Jung đều luôn luôn đi trước sự chờ đợi của ông cả 1-2 bước. Nếu ông Jung nói “Quản lý thế nào đừng để cho lỗ nữa” thì tôi muốn kết quả đạt được không phải lỗ mà phải lãi, và tôi phải đạt được mục tiêu đó vô điều kiện. Khi đó, tất cả lợi nhuận thu được đều là phần của chủ công ty, cái dành cho tôi chính là cảm giác trưởng thành khi thực hiện được điều mình mong muốn. Tôi đã làm việc chăm chỉ trong suốt thời gian qua là vì cảm giác đó.

Người làm chủ nếu định ra một mục tiêu thấp chỉ để chứng tỏ thì chẳng khác gì tự từ bỏ bản thân mình. Người làm chủ không thích những con số của mục tiêu, họ chỉ quan tâm đến việc làm thế nào tối đa hoá lợi nhuận. Họ cũng chẳng chú ý đến người khác, họ chỉ chiến đấu kịch liệt với chính công việc mà thôi.

Đừng lấy đồng nghiệp, hãy lấy chính chủ công ty của mình làm đối tượng cạnh tranh. Hãy suy nghĩ như chủ công ty, hãy biết tự tìm công việc và nắm bắt lấy nó. Đồng thời hãy đặt ra mục tiêu cao hơn chủ công ty. Lý do Chủ tịch Jung mỗi lần gặp khó khăn đều đến thảo luận với tôi vì trong đầu ông luôn nghĩ “Lee Myung Bak luôn nghĩ công ty là của mình” như ông, à không, còn hơn cả ông.

Phần 4. Chức vụ và quyền uy

“Công ty Hàn Quốc thật là lạ, một lãnh đạo đi đâu thì thể nào tài xế, đầu bếp, đánh máy đều lũ lượt đi theo, thật là không hiểu nổi”.

Vào những năm 70, các công ty Hàn Quốc tham gia vào thị trường xây dựng nước ngoài rất nhiều. Một dịp, tôi gặp một cán bộ của một công ty nước ngoài và anh ta đã nói như vậy. Lãnh đạo các công ty nước ngoài trực tiếp lái xe, đánh máy là chuyện bình thường. Việc sức cạnh tranh của các công ty Hàn quốc kém hơn so với các công ty khác vì những chi phí không hợp lý và không cần thiết như đánh máy, tài xế cũng là điều đương nhiên. Tôi đã nhận biết điều này một cách đau đớn.

Sau khi lên giám đốc, tôi bắt buộc lãnh đạo công ty phải trực tiếp lái xe. Giám đốc cũng đích thân lái xe đi làm. Còn ban ngày, khi có việc thì sẽ vận hành tài xế đầy đủ. Phản đối và phản ứng là khủng khiếp. Thời ấy chẳng có lãnh đạo của bất cứ công ty lớn nào ở Hàn Quốc phải trực tiếp lái xe cả. Tuy nhiên, cái chủ nghĩa quyền uy này không hợp với tính cách của tôi chút nào.

Mong muốn này của tôi mất 10 năm để trở thành hiện thực. Vào giữa năm 1980, trong cộng đồng công chức, cấp cục trưởng cũng không còn tài xế riêng nữa.

Tôi cũng thay đổi phương án phê duyệt. Tôi cho rằng sự chậm chạp của phương án trình duyệt từ dưới lên theo thứ tự là yếu tố trở ngại cho sức cạnh tranh. Tôi chọn phương án kết nối trực tiếp từ người làm việc đó và người có quyền quyết định. Việc ký duyệt đi từ phó phòng, trưởng phòng, lên phó giám đốc, phó giám đốc thường trực, giám đốc rồi lên đến Chủ tịch thì thủ tục rắc rối đã đành, mà công việc vốn lập kế hoạch ngay từ đầu cũng bị thay đổi giữa chừng. Cũng giống như 10 người đứng xếp hàng, người đầu tiên nói một câu, truyền đạt lại cho người sau thì đến người cuối cùng chắc chắn câu nói đó đã bị thay đổi nhiều.

Người phụ trách vốn có ý tưởng và lập kế hoạch về công việc tất nhiên là người hiểu rõ việc đó nhất. Ý tưởng ban đầu là rất quan trọng. Việc bàn bạc với người phụ trách là phương án hiệu quả nhất và nhanh nhất. Nó cũng có lợi trong việc tiết kiệm thời gian. Việc thay đổi nội dung ban đầu chỉ vì ký duyệt trung gian nếu trở thành thói quen thì ý tưởng của người phụ trách sẽ không còn nguyên vẹn. Một khi nhận thức “có trình lên kiểu gì cũng thay đổi cho xem”, “trình lên không biết bao giờ mới ký duyệt” trở nên phổ biến thì tổ chức đó chắc chắn có vấn đề.

Bình thường, lãnh đạo cao nhất của công ty có khuynh hướng không muốn gặp cấp dưới của mình. Họ cho rằng nếu gặp cấp dưới nhiều quá thì mọi việc có thể khác với ý đồ ban đầu và cũng có thể gây tác dụng phụ, đồng thời cũng làm cho các lãnh đạo trung gian phiền toái. Nhưng tôi thì gặp thường xuyên. Vì đã là nhà kinh doanh, không còn gì tốt đẹp hơn việc xử lý công việc nhanh chóng và hiệu quả.

Phần 5. Giám đốc chúng ta không ngủ đêm

Với tôi, nếu là điện thoại từ nước ngoài về tôi sẽ trực tiếp bắt bất chấp đó là cuộc gọi thế nào. Một giờ, hai giờ sáng hay quá nửa đêm cũng được. Chắc không có giám đốc công ty nào nào luôn nghe điện thoại từ các chi nhánh ở nước ngoài vào sáng sớm như tôi.

Tôi có đầy đủ lý do để nhận điện thoại quốc tế với thái độ như thế. Nếu gọi vào đúng giờ làm việc trong nước thì các chi nhánh nước ngoài phải gọi vào ban đêm hoặc sáng sớm. Điều đó cũng có nghĩa là thời gian xử lý công việc ở nước ngoài sẽ chậm đi. Nếu công ty mẹ cũng không nghe điện thoại chỉ vì hết thời gian làm việc thì cả công ty mẹ và chi nhánh gộp lại sẽ muộn mất 2 ngày. Thời buổi hiện nay chỉ cần vài phút tình hình đã thay đổi, vì thế 2 ngày sẽ là khoảng thời gian dài và chán ngắt.

Tôi cũng rất chú tâm đến việc nhận điện thoại. Khi gọi từ nước ngoài về cho giám đốc trong nước, chắc chắn họ cũng biết là Hàn quốc đang là mấy giờ, nhưng nếu chỉ vì đang là 2h sáng và tôi nghe điện thoại với vẻ bực mình, vừa ngáp vừa trả lời thì lần sau các chi nhánh ấy có muốn gọi điện cho tôi nữa không? Họ sẽ nói “Ông ta miệng thì nói là có thể điện thoại bất cứ lúc nào nhưng lại nghe thái độ như thế. Thà đừng có nói còn hơn”.

Nhờ vào sự luyện tập nhiều lần và thái độ nghiêm túc, tôi có nghe điện thoại quốc tế nữa đêm cũng như lúc thức như nhau. Tôi nhận điện thoại mà giọng rành rọt như điện thoại ở văn phòng ban ngày, còn nhất định phải ghi chép lại.

Tôi có nghe nhân viên đi thăm chi nhánh nước ngoài về nói rằng “Giám đốc chúng ta ban đêm không ngủ”, thật ra, dù đang ngủ say có chuông reo thì tôi cũng bắt máy với tinh thần tỉnh táo, nói xong rồi lại ngủ say.

Cũng có thể nhờ vào những buổi cầu nguyện vào buổi sáng của mẹ, nhưng từ khi học cấp ba đến nay, chưa bao giờ tôi ngủ trên 5 tiếng một ngày. Thời gian tôi dậy luôn cố định là 5h sáng. Và thời gian dậy buổi sáng của tôi không phải là chỉ thời gian Hàn Quốc. Dù ở đâu trên thế giới, tôi cũng thức dậy vào đúng 5 h bản địa.

Những việc như thế này đều là do tập mà thành. Trên máy bay, tôi không ngủ. Vì ngủ sẽ rất khó thích ứng với thời gian địa phương tôi đến. Tôi thường đọc sách. Xuống sân bay, tôi thường đến thẳng sân tennis. Công trường làm việc ở Trung Đông có sân tennis nên tôi thường đi thẳng đến sân. Sau khi đẫm mồ hôi vì chơi tenins, tôi sẽ ngủ và sẽ lại thức dậy vào lúc 5h sáng giờ bản địa.

Những người bạn mà tôi gặp ở nước ngoài cũng rất ngạc nhiên “nhìn ông ta kìa” khi thấy tôi dậy vào lúc 5 giờ sáng dù đêm qua ngủ vào lúc nào. Thậm chí có khi tôi còn buồn vì những người bạn uống rượu đêm qua với tôi còn nói “ hôm qua ông ta rủ uống rượu nhưng mình ông ta không uống giọt nào”.

Tôi ra nước ngoài không phải để đi chơi mà để giúp đỡ công nhân của tôi, những người đang vất vả tại hiện trường. Làm sao tôi có thể dậy muộn được chứ?

Mọi người cứ nghĩ tôi dậy sớm như thế là nhờ năng lực bẩm sinh. Nhưng không phải, ngoài nỗ lực và nỗ lực không ngừng nghỉ, tôi chẳng còn bí quyết nào khác cả.

Phần 6. Hãy biến mình cho phù hợp với công việc

Tôi thường nói với những nhân viên tốt nghiệp đại học mới vào công ty mình như thế này.

“ Tuy các bạn xuất thân từ thế hệ biểu tình nhưng bây giờ các bạn không còn ở vị trí của người phê phán nữa, các bạn đã trở thành thế hệ sẽ bị thế hệ tiếp theo phê phán. Chỉ khác biệt nhau 1 năm thôi, nhưng các bạn đã thành thế hệ trưởng thành. Với thế giới quan của thời sinh viên, không những các bạn không thể chiến thắng trong xã hội này, mà còn rất khó để thích ứng môi trường mới nữa. Nhưng nếu chúng ta có tư duy tích cực thì chúng ta có thể phát huy được rất nhiều năng lực.”

Khi chúng ta làm việc gì, sực khác biệt giữa hai suy nghĩ làm được và không làm được là rất lớn. Người suy nghĩ không thể thì trong đầu họ sẽ chỉ có chuyện không thể và không thể không thất bại. Nhưng người mang suy nghĩ làm được thì chỉ là 1% họ cũng sẽ bám lấy nó và khả năng đó tăng dần.  

Dù là việc không có khả năng đến 1%, hay thất bại 100% thì người làm việc vẫn có cho mình kinh nghiệm, người từ bỏ ngay từ ban đầu và không làm thì chẳng có gì cả. Tôi cho rằng sự khác biệt này là 50:50. Thực sự là một sự khác biệt lớn. Lý do mà chúng ta phải có thái độ thử thách tích cực với công việc là ở đây.

Tôi cũng thường nói với nhân viên mới của mình như thế này.

“Các bạn hãy thay đổi bản thân mình, đừng cho rằng việc này phù hợp hay không phù hợp với mình, mà hãy thay đổi mình để phù hợp với công việc”.

Cũng có thể có người phê phán tôi rằng làm thế là thể hiện uy quyền và chẳng khác nào “gọt người cho vừa giường” kiểu phi khoa học. Nhưng tôi nghĩ cách làm của tôi rất hiện thực. Chẳng có ai không phù hợp với cái ngành xây dựng này hơn tôi. Tuổi dậy thì, tôi là cậu bé phải vật lộn với cái nghèo khủng khiếp, tính cách của tôi hướng nội và hay xấu hổ. Nhưng tôi đã cố gắng để thay đổi tính cách của mình. Tôi tham gia bầu cử Chủ tịch hội sinh viên chạy đi chạy lại để vận động, rồi sau đó lại bước vào làm xây dựng và tính cách tôi đã dần đổi thành hướng ngoại và mạnh mẽ. Tính cách không phải là cái không thể sửa.

Thế gian này không bao giờ mang đến công việc phù hợp cho từng cá nhân. Trong công ty lại càng thế. Với một một nhân viên trẻ tuổi mới bước ra xã hội thì việc gặp được việc làm phù hợp với mình lại càng khó.

Nếu chỉ đi tìm những việc phù hợp với bản thân mình thì chẳng bao giờ tìm được. Thay vì phải nỗ lực một cách khổ đau để lấp đầy khoảng trống giữa việc mình có thể làm và mình muốn làm, hãy thay đổi đặc tính bản thân mình sao cho phù hợp với công việc trước mặt là điều hiệu quả hơn rất nhiều. Và đó là hiện thực.

Vì thế gian này chẳng có nơi nào treo tấm biển ghi dòng chữ “Ở đây công việc hoàn toàn phù hợp cho bạn, xin mời vào” cả.

Phần 7. Tôi rất mệt mỏi vì cấp trên của mình

Thường những nhân viên mới vừa thoát khỏi cái hình hài nhỏ bé và bắt đầu quen với công việc thì cũng là lúc mâu thuẫn với cấp trên bắt đầu xuất hiện. Nếu gặp được cấp trên phối hợp tốt với mình thì anh ta quả là nhân viên hạnh phúc nhất trên thế gian này. Nhưng tìm được cấp trên phối hợp tốt với mình như vậy còn khó hơn cả việc tìm công việc thích hợp.

Stress trong công việc thường bắt đầu từ những va chạm trong mối quan hệ của công việc hơn là vì chính công việc. Nếu phó phòng gặp một trưởng phòng không phù hợp với mình thì năng lực của phó phòng đó chẳng bao giờ được công nhận. Ở thế giới đàn ông, không có việc gì bất hạnh hơn việc gặp phải một cấp trên chẳng ra gì.

Nhưng nếu không vượt qua được cấp trên trực tiếp của mình thì chúng ta không thể trở thành người chiến thắng cuối cùng. Việc mong muốn làm cùng cấp trên được thừa nhận và dìu dắt mình là điều phi hiện thực. Thậm chí là ngu dốt nữa. Trên thế gian này cấp trên phù hợp với mình thì ít mà không hợp với mình thì vô kể. Không có gì bảo đảm rằng chúng ta sẽ lại không gặp tiếp một cấp trên “bẩn thỉu và tiểu nhân” ở công ty mới sau khi đã nộp đơn nghỉ việc ở công ty cũ vì một cấp trên “bẩn thỉu và tiểu nhân” khác cả.

Câu nói nếu không phù hợp với bản thân mình thì bản thân mình phải thay đổi có thể áp dụng vào bất cứ hoàn cảnh nào. Nếu chúng ta gặp một cấp trên không phù hợp với bản thân mình thì bản thân mình phải thay đổi. Chúng ta không thể làm việc với những cấp trên giống nhau. Nếu có năng lực thay đổi bản thân, dù cấp trên nào đi nữa chúng ta cũng đều có thể làm việc được.

Nếu cấp trên bất tài, hãy cứ coi như anh ta có năng lực. Việc chờ đối phương thay đổi hoặc thuyết phục đối phương là điều không có hiệu quả. Hãy cứ phải coi đối phương là cố định. Khi đó thứ có thể chuyển động chỉ là chính mình. Và kết quả là mình phải làm cho mình trở thành người làm chủ.

Nếu ta có năng lực thay đổi đặc tính của bản thân mình thì dù gặp việc gì, gặp ai hay khó khăn nào chúng ta cũng đều khắc phục được. Nếu chúng ta trốn tránh, chúng ta sẽ trốn tránh mãi mà thôi.

Phần 8. Biết nắm bắt thời gian và công việc

Tôi chưa bao giờ hối hận về công việc của mình.

Nếu được sinh ra và làm lại công việc mình đã làm lần nữa, tôi tự hỏi là không biết mình có thể làm nhiệt tình hơn được hay không. Đại bộ phận mọi người thường nói nếu có cơ hội làm lại thì họ sẽ làm tốt hơn, nhiệt tình hơn. Nhưng tôi thì không thế. Nếu có làm lại, chắc tôi cũng không thể làm tốt hơn bây giờ. Vì vậy, tôi chẳng hối hận điều gì cả.

Nhưng tại sao lại phải làm việc thật tốt? Tôi tìm câu trả lời này ở chính đất nước Hàn Quốc, nơi tôi sinh ra.

Lớn lên trên mảnh đất này, có vẻ như chúng ta đã mang số mệnh rằng chúng ta không thể không nỗ lực. Cũng giống như sự khác biệt giữa những đứa bé sinh ra trong gia đình nghèo và gia đình giàu có vậy. Nếu chúng ta sinh ra ở những nước tiên tiến, thì chúng ta không cần làm việc cần cù, người ta cũng cho ăn cho mặc, có bệnh thì chữa trị. Còn nơi mà chúng ta sinh ra lại không phải là đất nước tiên tiến. Gọi là giang sơn gấm vóc nhưng tài nguyên thì không có gì, đất đai cũng chẳng phải là rộng lớn, lại còn thêm chia cắt hai miền Nam – Bắc. Lý do mà chúng ta ngủ ít, làm nhiều là vì vậy.

Chẳng có ai bất hạnh hơn sống mà cứ oán trách cha mẹ mình nghèo. Tôi chẳng bao giờ trách Cha mẹ mình nghèo cả, cũng chẳng bao giờ trách đất nước nghèo khó của mình. Tôi chỉ nghĩ rằng sinh ra trên đất nước này chính là động lực khiến tôi làm việc thật chăm chỉ. Nếu thời gian chúng ta ngủ và làm việc bằng những người đi trước chúng ta thì chẳng bao giờ chúng ta theo kịp họ. Chúng ta phải làm việc nhiều hơn họ thì chúng ta mới có cuộc sống bằng họ.

Nhưng nếu không làm hoặc làm không được những việc quan trọng khác chỉ vì lý do công việc thì đó là bệnh nghiện việc. Ví dụ như nếu chúng ta bận mà chúng ta quên mất những việc quan trọng như chăm sóc cha mẹ, trách nhiệm chăm sóc gia đình, giao lưu với bạn bè thì chúng ta làm việc chăm chỉ cũng chẳng có giá trị gì.

Nắm bắt công việc chính là chủ động được thời gian. Một công việc mà người khác chỉ làm có 5 tiếng đồng hồ, chúng ta lại làm 10 tiếng thì cho dù chúng ta có hoàn thành công việc nhưng về mặt thời gian chúng ta đã không chủ động được, đồng nghĩa với việc chúng ta đã thua. Tôi đã thấy rất nhiều người học theo tôi, dậy rất sớm đến công ty, về nhà cũng rất muộn nhưng kết quả lại sinh bệnh. Cũng có trường hợp khi còn là nhân viên thì làm việc rất tốt, nhưng khi thăng tiến lên thì lại làm không được, tất cả là vì chúng ta không chủ động được thời gian.

“Chủ tịch thường bận bịu chẳng có thời gian mà chơi thể thao. Vậy Chủ tịch quản lý sức khoẻ mình bằng cách nào?”.

Đây cũng là những câu hỏi mà tôi thường gặp. Tôi không hiểu câu hỏi này. Tôi bận nên tôi có thể làm tất cả mọi việc. Vì tôi biết sắp xếp công việc và thời gian nên dù có bận mấy tôi cũng chơi tennis 2 buổi 1 tuần. Tôi vẫn giành thời gian để thưởng thức nhạc cổ điển, dù đi công tác bận bịu ở nước ngoài nhưng tôi luôn dành thời gian điện thoại về nhà nói chuyện với các con. Người bận bịu có thể làm được tất cả.

Và vì thế tôi cũng ít bị stress. Khi ai đó sai việc chúng ta, khi chúng ta làm việc môt cách thụ động thì stress sẽ xuất hiện. Tôi thường dùng việc để đẩy lùi stress.

Phần 9. Ngày thứ bảy cũng phải mặc đồng phục

Thứ bảy, tất cả nhân viên đều mặc đồ thể thao, bởi sau khi làm việc xong, họ sẽ đi chơi. Cả lãnh đạo công ty cũng vậy.

Tôi cho rằng đây là một sự hiểu lầm. Mặc quần áo đi chơi để đi làm thì cả buổi sáng đầu óc chỉ nghỉ đến việc đi chơi vào buổi chiều, làm sao có thể tập trung làm việc tốt được. Vì vậy, tôi đưa ra qui định triệt để “Càng là thứ bảy càng phải ăn mặc đồng phục”.

Nếu ai đó muốn đi chơi vào buổi chiều, đề nghị chuẩn bị quần áo đi chơi, làm việc xong hãy thay ra rồi đi. Nếu không áp dụng được điều đó thì thứ bảy đừng đi làm còn hơn.

Một ví dụ thú vị có thể so sánh với việc này. Đó là so sánh xe hơi của Mỹ và của Nhật Bản. Ở Mỹ, sản phẩm sản xuất vào ngày thứ sáu thường hư rất nhiều. Vì trong đầu công nhân họ luôn nghĩ đến ngày cuối tuần. Nhưng ở Nhật, thì chất lượng hàng từ thứ hai đến thứ bảy đều giống hệt nhau. Ở Nhật, người ta rất nghiêm khắc, tách bạch trong việc chơi và làm.

Tôi đã đến một công ty máy móc của Đức. Ở văn phòng, chẳng có bất cứ một cái ghế nào cả. Tất cả mọi người đều phải đứng để làm việc trước bản thiết kế. Ngoài thời gian nghỉ 30 phút sáng và chiều, còn cả ngày họ sẽ phải đứng để làm việc. Chỉ những người làm việc như vậy mới biết thời gian nghỉ ngơi là vàng bạc. Cũng giống như sau một hồi mệt nhọc leo lên đỉnh núi, chúng ta sẽ cảm nhận được sự sảng khoái và thoải mái tận hưởng cơn gió nơi đỉnh núi ấy vậy.

Những người làm việc không chăm chỉ, họ không biết được sự quí báu của ngày nghỉ, giờ nghỉ và việc nghỉ ngơi.

Cũng giống tầm quan trọng của việc phân biệt công và tư. Chúng ta cũng cần phải phân biệt công việc và nghỉ ngơi. Phải tập trung vào công việc đến mức không để cho những suy nghĩ khác hoặc các ý nghĩ lung tung len lỏi trong đầu. Phải như thế thì thời gian nghỉ ngơi mà chúng ta sắp cảm nhận mới ngọt ngào và quí giá hơn.

Phần 10. Cuộc chiến với bệnh viêm gan mãn tính

Thời còn nhỏ, do không được ăn uống đầy đủ nên mọi người vẫn gọi tôi là “cậu bé tay dày”. Dù vậy, từ khi bước ra xã hội, tôi vẫn chưa đau ốm bao giờ cả. Nhưng đến một lần, tôi ốm thực sự.

Đó là cuối tháng 11 năm 1977, năm tôi trở thành giám đốc. Những cơn mệt mỏi thường xuyên kéo dài. Chưa bao giờ có tiền lệ như vậy nên tôi đến bệnh viện Shunchonhyang. Kết quả chẩn đoán tôi bị viêm gan và bác sĩ yêu cầu tôi nhập viện gấp. Họ nói rằng ngoài việc nghỉ ngơi thoải mái và hấp thụ dinh dưỡng đầy đủ, chẳng có cách điều trị nào khác.

Việc quá bất ngờ nhưng tôi cũng chẳng còn cách nào khác ngoài việc tuân theo chỉ thị của bác sĩ. Làm thủ tục nhập viện xong tôi mới sực nhớ ra. Công việc hiện tại không cho phép tôi nằm viện.

Khi đó, công ty xây dựng Huyndai chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm thị trường mới để bù đắp cho thị trường Ả Rập Xê-út. Tình hình liên quan đến sự sống chết của cả công ty.

Tuy đã quyết định nhập viện, nhưng cứ 5 giờ sáng tôi lại từ bệnh viên đi đến công ty đều đặn. Hằng ngày, tại trụ sở công ty vào lúc 7 giờ sáng sẽ có cuộc họp liên quan đến tình hình Trung Đông. Mà 7 giờ họp thì tối thiểu phải đến công ty trước 6 giờ, xem điện báo từ nước ngoài gửi về và nắm sẵn tình hình. Cứ như vậy, một ngày bắt đầu với họp, ra quyết định, chỉ thị công việc, ăn cơm với đối tác nước ngoài, đàm phán, v.v.. mãi đến tận đêm nên chẳng bao giờ có thời gian rỗi. Kết thúc xong công việc cũng phải 12 giờ, khi đó, tôi mới về bệnh viện.

Nhập viện thế này được 1 tuần, bệnh viện cho tôi ra viện. Bù lại thì cử một y tá cứ 12h đêm đến nhà và tiếp nước biển cho tôi.

Nhưng những cơn mệt mỏi vẫn kéo dài. Cả gia đình và đương nhiên là công ty, không ai biết tôi bị viêm gan cả. Gia đình thì cứ nghĩ là mệt, còn công ty thì chẳng biết gì. Nhưng tình hình căn bệnh thì ngày càng trầm trọng.

Ngày 24 tháng 2 năm sau, tôi đến bệnh viện Seoul. Và bác sĩ giỏi nhất về gan lúc bấy giờ là Kim Jung Rong khám bệnh cho tôi. Các kết quả kiểm tra GPT, GOT đều trên 900, như vậy là tôi đã thành bệnh nhân viêm gan mãn tính nặng. Tất cả các chỉ số dưới 300 mới là bình thường. Bác sĩ nói với chỉ số như thế này thì con người sẽ không chịu đựng nổi những cơn mệt mỏi bằng ý chí của con người và thường người ta sẽ không thể làm việc bình thường.

Bác sĩ Kim cũng nói thế này.

“Tình trạng rất không tốt. Hoặc anh nghỉ việc công ty, hoặc xin nghỉ dài hạn, trước tiên phải nghỉ ngơi đã”.

“Không thể như thế được”.

“Giám đốc Lee, tối thiểu ông cũng phải sống được hơn 10 năm nữa. Hồi phục sức khoẻ rồi thì ông có thể tha hồ làm việc, mất sức khoẻ thì ông mất tất cả cơ hội đấy. Mạng sống quan trọng hay công việc quan trọng, chuyện đó ông tự phán đoán. Hôm nay nhập viện ngay và bắt đầu xin nghỉ từ ngày mai.”

Tôi lắc đầu.

“Xung quanh tôi, tôi thấy rất nhiều người bị bệnh viêm gan mãn tính, họ nghỉ việc mà nghỉ ngơi nhưng cuối cùng thành ung thư gan hoặc thành xơ gan mà chết. Tôi cứ làm và một ngày nào đó chết còn hơn là chết mà mắc bệnh trong lúc không làm gì cả. Mong ông giữ kín đừng cho gia đình tôi biết”.

“Nếu thế thì ông không thành bệnh nhân của tôi được đâu. Tôi sẽ không điều trị cho ông nữa”.

“Vậy thì đành chịu vậy”.

Tôi cầm cái tờ chẩn đoán chẳng khác gì bản án tử hình đi ra khỏi bệnh viện. Và suốt hai tháng trời tiếp theo, tôi vẫn chưa đến bệnh viện kiểm tra lại, cũng chẳng có thời gian đâu mà đến.

Hai tháng sau, tôi tìm đến bác sĩ Kim, người đã không nhận tôi làm bệnh nhân. Bác sĩ Kim vẫn đồng ý khám lại cho bệnh nhân cố chấp chết thì chết chứ không chịu rời công việc như tôi.

“Không tệ hơn trước đây. Nhưng chẳng có gì là tốt hơn cả, trong thời gian vừa qua ông nghỉ ngơi rồi chứ”.

Nói gì nghỉ ngơi, tôi chẳng có thời gian mà nghĩ đến nó. Nhưng tôi vẫn nói một cách khiêm tốn.

“Tôi sẽ nghe theo lời bác sĩ dặn và sẽ cẩn thận. Nhưng tôi sẽ tuyệt đối không tuân thủ lời dặn đừng làm việc của ông”.

“Thật không biết nói thế nào với ông nữa. Không còn cách nào khác, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức điều trị xem sao. Ông nói ông không nghỉ việc được đúng không? Được, nhưng bù lại đừng uống một giọt rượu nào nữa”.

Tôi đã tính đến chuyện “chiến tranh với rượu”. Quả thực đi làm việc ở công ty thì việc không uống rượu là điều rất khó. Tiệc rượu là thứ giúp kết nối tiếp theo của công việc, một mình mình không uống rượu thì làm sao có thể hòa chung với bầu không khí được. Nghe nói thế hệ trẻ dạo này người ta không mời nhau nữa, nhưng thế hệ chúng tôi thì không những mời mà còn ép uống. Tránh việc đó còn khó hơn là bỏ rượu.

Tuy nhiên, tôi đã quyết tâm giữ lời hứa của mình một cách triệt để, nếu lỡ nhấp một ngụm bia tôi cũng dùng nước lạnh để súc miệng. Và cũng cố gắng không để lộ cho đối phương biết mình không uống. Đến lúc này tôi mới thông báo cho gia đình. Tôi sợ họ bị lây nhiễm.

Nhưng không phải là không uống rượu thì chữa được bệnh. Dần dần khả năng tiêu hoá của tôi cũng có vấn đề, bụng cứng lên. Và cái khó chịu đựng nhất chính là những cơn mệt mỏi. Buổi sáng thì còn đỡ, chứ buổi chiều là mí mắt tôi nặng như hai cục chì. Cứ họp được 10 phút là tôi lại đứng dậy đi vệ sinh.

“Sao dạo này mình cứ đi tiểu mãi thế nhỉ?”

Tình trạng ấy kéo dài, tôi cứ vào phòng vệ sinh, lấy nước lạnh rửa mặt và lại tiếp tục vào họp.

Thực ra hành động của tôi là hành động liều lĩnh. Mọi người đều phê phán tôi coi thường mạng sống thứ chỉ có một. Dù không biết nguyên nhân của căn bệnh là gì, nhưng tôi nghĩ chủ thể của việc điều trị thì ý chí chiến thắng bệnh tật còn quan trọng hơn cả kỹ thuật điều trị.

Tôi nhớ câu chuyện về một người sống sót một cách kỳ diệu sau khi bi tai nạn giao thông. Anh ta bị chiếc xe lật đè ngang người. Nhưng trong lúc nhận thức mơ hồ, người ấy đã giữ hy vọng và cầu nguyện.

“Thưa thượng đế, tôi không thể chết bây giờ được, tôi còn nhiều việc để làm lắm”.

Mong muốn sống vô điều kiện và sống phải sống vì còn những việc phải làm là hoàn toàn khác nhau. Trong thời gian chiến đấu với bệnh viêm gan, tôi luôn ghi nhớ câu chuyện của người bị tai nạn giao thông đó. Tôi là người phải sống lâu để còn làm nhiều việc.

Tôi vẫn làm việc nhưng không bao giờ bỏ khám bệnh định kỳ. Tôi cũng uống thuốc theo đúng chỉ thị của bác sĩ. Mọi người thấy tôi cứ mỗi lần ăn cơm xong đều uống rất nhiều thuốc nên hỏi tôi thuốc gì.

“Vitamin ấy mà, dạo này tôi hơi mệt”.

Chắc cũng có không ít người nghĩ thầm rằng vị giám đốc trẻ tôi đây lo lắng cho sức khoẻ mình thái quá.

Mỗi lần tôi kiểm tra định kỳ, tôi đều tranh cãi với Bác sĩ Kim và đồng nghiệp.

“Bệnh tật cũng giống như cái cây đưa vào phòng kín để nghỉ ngơi thì chữa được bệnh nhưng đến khi ra ngoài bệnh lại tái phát vậy. Như tôi đây vừa sống bình thường vừa điều trị, thì chắc không thể tái phát được, đúng không?”.

Mỗi lần tôi như thế, bác sĩ họ lại cười.

“Nếu trị bệnh như ông thì người ta vào bệnh viện để làm gì? Vả lại ông nói là sống bình thường nhưng cuộc sống của ông như vậy mà bình thường ư?”

Vậy mà chẳng hiểu sao, bệnh tình tôi ngày càng thuyên giảm. Bác sĩ vừa lắc đầu vừa nói tôi là người có thể chất đặc biệt.

Các chỉ số bệnh viêm gan cũng không có dấu hiệu tăng thêm. Vào năm 1985, bệnh có nặng thêm một lần nữa, nhưng sau đó thì các chỉ số đều đi xuống. Và năm 1988, 10 năm sau khi tôi bị bệnh, gan của tôi hoàn toàn phục hồi bình thường. Nhưng những triệu chứng bệnh mất đi không có nghĩa là hoàn toàn điều trị khỏi bệnh. Virut viêm gan B có khả năng gây ra xơ gan hoặc ung thư gan, và nếu sức khoẻ không tốt thì bất cứ lúc nào bệnh cũng có thể tái phát. Bác sĩ Kim lại nói.

“Chưa có thuốc diệt virut viêm gan đâu. Ông phải cẩn thận vì nếu tái phát thì sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Trong tương lai không xa sẽ có thuốc điều trị, ông phải sống cho đến lúc đó đấy”.

Năm 1990, tôi có đến bệnh viện một lần nữa. Bác sĩ đã kiểm tra cho tôi quá ngạc nhiên.

“Lạ thật, virut viêm gan B hoàn toàn biến mất, sao có thể… để kiểm tra lại lần nữa xem sao”.

Kết quả kiểm tra lại ngày hôm sau vẫn thế. Kháng thể cũng xuất hiện. Đây là trường hợp hết sức lạ thường.

“Vài chục ngàn trường hợp cũng có trường hợp tự điều trị tự nhiên, chắc chủ tịch Lee thuộc trường hợp đó”

Ai hỏi tôi bí quyết giữ gìn sức khỏe là gì tôi kể cho họ nghe câu chuyện viêm gan. Về mặt y học, người ta sẽ giải thích đơn giản nhờ vào thể chất đặc biệt nên bệnh viêm gan đã hết. Nhưng tôi không nghĩ như vậy. Không biết có phải tôi khỏi bệnh chính nhờ suốt ngày vùi đầu vào công việc hay không. Tôi sống vì công việc, nhưng chính công việc đã cứu mạng cho tôi.

 

0 0 bình chọn
Xếp hạng bài viết
Đăng ký
Thông báo của
guest
Nhập họ tên (bắt buộc)
Email của bạn (bắt buộc)

0 Bình luận
Phản hồi trong dòng
Xem tất cả bình luận
0
Click vào đây để bình luận hoặc gửi yêu cầu bạn nhé!x