Hồi ký CỰU TỔNG THỐNG HÀN QUỐC LEE MYUNG-BAK KHÔNG CÓ GÌ LÀ HUYỀN THOẠI 신화는 없다.

Hồi ký CỰU TỔNG THỐNG HÀN QUỐC LEE MYUNG-BAK KHÔNG CÓ GÌ LÀ HUYỀN THOẠI 신화는 없다.

Phần 8. Từ xóm nhỏ Pohang, đến phố chợ Itaewon

Thời còn học bổ túc ban đêm, có một người bạn mà tôi không bao giờ quên ơn được, cậu ấy tên là Yang Jeawon. Tôi thường đi học với cậu ấy. Ban ngày, cậu đi làm ở một công ty nhỏ, lúc tan ca thì về nhà chuẩn bị bài vở rồi đến chỗ tôi.

Nhà Yang Jeawon có hai con gà mái và một con gà trống, hai con gà mái thì mỗi ngày đẻ hai quả trứng, Jeawon ăn trộm một quả trong đó, mang đến trường cho tôi ăn. Cậu ấy thấy tôi ngày nào cũng ăn cháo cả, ốm đau liểng xiểng thế này nên lo lắng một ngày nào đó tôi sẽ suy nhược dinh dưỡng và sẽ ngã xuống lúc nào không chừng.

Quả trứng gà là nguồn bổ sung dinh dưỡng duy nhất mà tôi có được ở tuổi dậy thì. Thời ấy, dân thường gom trứng gà bán lấy được tiền ngay nên rất quí. Nhiều đứa bé đến trường mà không hề có cạp lồng cơm, thế mà tôi lại còn được ăn trứng gà, món ăn chỉ con nhà giàu mới có.

Hai con gà mái, mà chỉ đẻ được 1 quả trứng, Cha mẹ nhà cậu ấy sinh nghi nhưng đến khi cái đuôi bị phát giác, thì tôi đã được ăn trứng ròng rã trong mấy tháng trời.

Ra trường, mỗi người một ngả, thậm chí còn không hỏi thăm nhau được, tôi cũng chưa trả được cái ơn ngày ấy, nhưng cả cuộc đời tôi không bao giờ quên cái ân huệ đó.

Cậu ấy cũng khó khăn lắm mới vào được đại học, bây giờ thì đã ổn định và sống cuộc sống dư dả, tôi sống và luôn mang trong lòng sự biết ơn với cậu.

Khi tôi học đến năm thứ 3 trung học thì mẹ tôi công bố một quyết định quan trọng. Đó là việc dời nhà lên Seoul để giúp cho việc học của anh trai thứ 2 tôi đang ở Seoul. Nhưng tôi và em gái thì phải ở lại Pohang cho đến khi tốt nghiệp. Cha mẹ tôi đã bán hết tất cả dụng cụ buôn bán và cả căn nhà nửa gian để lấy tiền lên Seoul có chỗ đặt chân. Cha mẹ thuê cho hai anh em tôi một căn nhà nhỏ, nói rằng lên đến Seoul Cha mẹ sẽ gửi tiền gạo xuống cho, vì vậy đừng lo lắng gì cả và ông bà rời Pohang.

Đây cũng là lúc cuộc sống của tôi và em ở Pohang gái bắt đầu trở nên bi thảm. Cha mẹ tôi hứa gửi tiền gạo, đúng là có gửi hằng tháng thật, nhưng số tiền đó là không đủ. Gọi là cơm, nhưng nếu không nấu như cháo thì chẳng đủ dùng cho một tháng, suốt ngày vật lộn với cơn đói. Em gái tôi chịu đựng không nổi liền nói được 10 ngày cũng được, lấy gạo ra ăn cho thỏa thích, còn lại nhịn đói. Nhưng tôi nói nói nó là làm thế thì ta sẽ chết.

Chúng tôi tìm những tờ giấy đã bỏ, làm thành 30 cái bao thư, chia đều 30 phần và mỗi ngày đưa cho em tôi một cái để nấu cháo. Bây giờ em gái tôi gặp tôi vẫn thường cười cay đắng “Anh đúng là khiếp thật, em khi đó định bỏ nhà ra đi cho rồi”. Câu chuyện tôi kể là sự thật, chứ không phải chỉ nói cho vui.

Bác tôi làm nông, nhà cũng ở không xa đó, nhưng tôi không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào. Tôi lên núi chặt củi về bán, thỉnh thoảng cũng tìm cách bán buôn, nhưng không thể nào đẩy lùi được nghèo khó.

Tháng 12 năm 1959, tôi và em gái lên tàu hỏa đi Seoul trước lễ tốt nghiệp cấp 3, vốn dĩ tôi sẽ được nhận thưởng vì tôi là thủ khoa tốt nghiệp năm đó tôi không đủ điều kiện để có thể chờ đến khi đó. Còn chuyện không có tiền tàu xuống ngược lại Pohang thì hiển nhiên, tôi nhờ bạn là Kim Chang Dea nhận bằng tốt nghiệp và giải thưởng hộ.

Trên chuyến tàu lên Seoul ấy, tôi cảm thấy mông lung, suốt 19 năm gồng mình chống chịu cái đói ở Pohang, với tôi, lên đến Seoul thì cũng chẳng có gì thay đổi. Cha mẹ thì hình như vẫn chưa ổn định. Tuy nhiên tôi vẫn có một niềm tin rằng Seoul khác với Pohang vì có điều gì đó đang chờ tôi ở Seoul, mặc dù hy vọng thì không phải là chắc chắn.

Cha mẹ tôi thuê một căn phòng nhỏ và bán rau ở chợ Itaewon, không khác gì mấy với lúc đang ở Pohang cả.

Tôi lại có thời gian của riêng mình. Tôi không thể buôn bán một mình như hồi còn ở Pohang, nói gì thì nói, tôi không có vốn. Tôi lên xe điện, đi hết ga này lại đến ga nọ, có lúc còn đi bộ từ Yongdongpo đến Miari, đường phố Seoul tôi đi hết.

Nhưng chẳng hiểu tại sao bước chân tôi lại hướng về phường Anam và Sinshon, là khu vực đại học. Nhìn sinh viên mặc đồng phục, tôi cảm thấy trái tim mình trống vắng. Nhưng rồi tôi giật mình quay bước chân lại khi chợt nghĩ “mình cơm còn không đủ ăn thì đến đây làm gì chứ”?

Có một bức thiệp anh trai tôi gửi hồi tôi còn học lớp 11.

“Myung-Bak à, đừng bao giờ bỏ ý định đi học đại học, dù có khó khăn thế nào, dù có học bổ túc vào ban đêm thì em vẫn có thể vào đại học, tất cả tùy thuộc vào sự nỗ lực của em”.

Nhưng với tôi, khi sự sinh tồn là ưu tiên hàng đầu và là nó cũng là việc làm duy nhất thì cái gọi là nỗ lực ấy, tôi chẳng biết phải làm thế nào và khi nào sẽ làm.

Một ngày nọ, trên đường từ Samkakji về Itaewon, tôi chợt nảy ra một suy nghĩ khá kỳ lạ trong đầu.

“Cô giáo mình có dặn là cái bằng tốt nghiệp cấp 3 tốt hơn nhiều so với cái bằng tốt nghiệp cấp 2, vậy thì bỏ học đại học giữa chừng cũng tốt hơn cái bằng cấp 3 chứ. Vậy mình thi thử một lần xem sao, chỉ cần thi đậu, không đi học là mình trở thành người bỏ học đại học giữa chừng được rồi”.

Nói thật, nghĩ thế chẳng khác gì Đônkihote cả. Xuân đến, người bạn ở Pohang của tôi là Kim Shang Dea cũng lên Seoul. Cậu ấy lên đây tìm phòng trọ để có thể tự ôn thi, tôi lập tức rời nhà, đến ở cùng với cậu để ôn thi đại học. Nhưng tôi chẳng biết ôn sách gì cả, Kim thì mới lên Seoul, cũng chẳng giúp ích gì được nhiều.

Tôi tìm đến anh bạn học chung hồi cấp 2 ở Pohang, anh ta học trường cấp 3 Gyongki, vừa thi đậu vào Trường Luật của đại học Quốc gia Seoul. Tôi vừa kể câu chuyện của mình thì người bạn lên tiếng.

“Cậu mà học đại học hả? Đại học, không phải ai muốn học thì học đâu, cậu học cái trường cấp 3 ấy ra đừng có nghĩ đến cái chuyện học đại học, chỉ lãng phí thời gian thôi, tìm hướng khác có khi lại có ích đấy”.

Tôi xin mấy quyển sách mà cậu ấy đã dùng, cậu ấy chỉ trả lời chuyện khác, tôi về nhà bằng hai bàn tay trắng. Tôi cũng chẳng có gì phải buồn cả. Vì đó là lời khuyên thực tế và hợp với khả năng của tôi vì anh ta là người hiểu tôi rất rõ. Nhưng mục đích của tôi không phải là đi học đại học, mà là thi đậu đại học.

5 1 bình chọn
Xếp hạng bài viết
Đăng ký
Thông báo của
guest
Nhập họ tên (bắt buộc)
Email của bạn (bắt buộc)

1 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Bình chọn nhiều
Phản hồi trong dòng
Xem tất cả bình luận
Phạm Vi
Phạm Vi
2 năm cách đây

Cuốn hồi ký này nghe nói hay lắm, phải tìm mua 1 cuốn đọc mới được

1
0
Click vào đây để bình luận hoặc gửi yêu cầu bạn nhé!x