Hồi ký CỰU TỔNG THỐNG HÀN QUỐC LEE MYUNG-BAK KHÔNG CÓ GÌ LÀ HUYỀN THOẠI 신화는 없다.

Hồi ký CỰU TỔNG THỐNG HÀN QUỐC LEE MYUNG-BAK

KHÔNG CÓ GÌ LÀ HUYỀN THOẠI 신화는 없다.

Phần 1. TẠI SAO TÔI RỜI BỎ HUYNDAI

Tôi đã làm việc mà không còn gì hối hận nữa ở công ty có tên là Huyndai ấy, tôi đã làm việc và chỉ làm việc.

Từ khi nó là một công ty nhỏ không tên không tuổi, thành một công ty lớn và trở thành một công ty toàn cầu,

Từ khi thu nhập quốc dân chưa đến 100 USD cho đến khi đạt đến 8000 USD,

Tôi cảm ơn vô hạn vì đã đóng góp phần bé nhỏ của mình trong cái trung tâm của sự thay đổi đó.

  1. Quyết định ở Seogwipo

Ngày 31 tháng 12 năm 1991, Tôi và gia đình lên đường đi du lịch ở Seogwipo, Đây là chuyến đi du lịch đầu tiên với vợ và 4 đứa con kể từ khi tôi có đầy đủ thành viên trong gia đình, tất cả mọi người trong gia đình đều rất vui, tuy nhiên tôi lại không thể nào hòa mình vào sự ấm áp của gia đình lâu ngày mới tụ họp ấy.

Chỉ còn một ngày nữa là năm mới, tôi phải đưa ra một quyết định cực kỳ quan trọng.

Phải chăng đã đến lúc rời bỏ Huyndai?

Đây là bước rẽ lớn nhất của cuộc đời mình, ngày cuối cùng của cái tuổi 50, tôi nhìn xa xăm vào bãi biển trước vùng Seogwipo, bãi biển mùa đông phương nam vô cùng rộng lớn, đường chân trời không nằm trong tầm mắt của con người. Cái cảm nhận sự rộng lớn bao la khi đứng trước biển của tôi phù hợp với tương lai hơn là quá khứ.

Tuy nhiên ở tuổi 50, ở cái tuổi tri thiên mệnh ấy, thì nó lại phụ thuộc rất nhiều vào những điều trong quá khứ. Nếu chúng ta không xem lại những ngày mà chúng ta đã trải qua thì tuyệt đối không bao giờ có thể hiểu rằng chữ mện trời ấy có nghĩa là gì, và tôi đã hướng đến tương lai bằng cái nhìn lại 50 năm vừa qua của cuộc đời mình, và suy nghĩ kỹ càng nhiều hơn về mệnh vận mà trời đất đã trao cho tôi.

Đây đúng là bãi biển mà đã quá lâu rồi tôi mới lại đứng một mình trước nó. Tôi và biển có một mối nhân duyên dai dẳng.

Tôi sinh ra ở Nhật Bản, trên đường tìm về đất nước đã được giải phóng, con thuyền chở Cha mẹ và sáu anh em tôi bị sóng đánh chìm trước hòn đảo Susima, những đồng tiền ít ỏi kiếm được ở Nhật Bản cũng đã cuốn trôi theo sóng nước, đón gia đình chúng tôi về quê với hai bàn tay trắng sau sống sót trên bãi biển chỉ là sự nghèo đói khốn cùng.

Chiến tranh kết thúc nhưng nghèo đói thì chưa, anh chị tôi lên Seoul, rồi đến Cha mẹ tôi, để lại tôi và em gái, chạy từng bữa ăn sống qua ngày, còn biển Pohang thì vẫn xanh, màu xanh đến vô tình.

Lên Seoul, vào đại học, phong trào học sinh, cuộc sống ngục tù, sự ra đi của mẹ, vào làm việc tại Huyndai, thời trưởng thành của tôi gắn liền với nghèo đói.

Và rồi làm việc tại Huyndai 27 năm, 20 tuổi làm phó giám đốc, 30 tuổi làm giám đốc, 40 tuổi làm tổng giám đốc, người ta vẫn gọi tôi là “nhân vật chính của huyền thoại”.

Tuy nhiên, cái gọi là huyền thoại ấy nó chỉ là huyền thoại với những người đặt tên cho nó hoặc với những người đứng ở bên ngoài để nhìn vào. Còn với người trong câu chuyện đó thì nó chỉ là hiện thực lạnh lùng chứa đầy sự thử thách, cả bên trong lẫn bên ngoài , cả những nguy cơ chặn lối ngay trước mặt. Tôi đã đối diện trực tiếp, nhìn thẳng vào những nguy cơ và thử thách đến với mình chứ không đi vòng để tránh nó. Có lẽ như mọi người đang muốn gọi sự đột phá đó là huyền thoại thì phải.

Buổi sáng ngày 1 tháng 1 năm 1992, khi tôi tròn 50 tuổi, bước những bước chân một mình trên bãi biển trước Seogwipo, tôi đã có 23 năm để trưởng thành, 27 năm để thử thách và sẽ có 25 năm trước mặt sau khi rời khỏi Huyndai, con đường đi như đã định sẵn.

Tôi đã làm việc mà không còn gì hối hận nữa ở công ty có tên là Huyndai ấy, tôi đã làm việc và chỉ biết làm việc.

Tôi đã bước chân đến mọi nơi trên thế giới, từ sa mạc nóng cháy người, rừng rậm của vùng rừng nhiệt đới xích đạo cho đến vùng đất cực động Siberia. Tôi đứng ở trung tâm của quá trình phát triển của công ty ấy từ khi nó còn là công ty vừa và nhỏ không có tên tuổi trở thành cho đến khi trở thành một công ty lớn hơn, cho đến khi trở thành một công ty toàn cầu. Và trong quá trình thu nhập quốc dân đầu người tăng trưởng từ 100 lên đến 8000 USD, tôi cũng đứng mình trong đó. Tôi vô cùng tự hào vì trong quá trình đất nước tôi và Huyndai phát triển nhanh chóng với một tốc độ chưa từng có tiền lệ ấy, tôi đã làm tất cả những gì mình có thể.

Không biết bắt đầu từ khi nào, vợ tôi đi sau tôi mấy bước chân. Có lẽ vợ tôi cũng hiểu những gì tôi đang suy nghĩ.

Tôi chợt nhớ đến năm 1977, khi có lệnh điều động làm giám đốc ở tuổi 35, tôi cũng đã từng phải suy nghĩ rất nhiều rằng không biết rằng mình có nên tiếp nhận chức vụ ấy, và mình có làm được vai trò của một giám đốc hay không. Những phóng viên thì xộc thẳng vào nhà tôi. Và đó là lần đầu tiên tôi cùng vợ đặt chân lên mảnh đất quê hương sau khi ra đi. Và khi đứng trước biển của vịnh Yongil, tôi cũng đã suy nghĩ lại mình “Không cần phải chống đỡ lại số phận, không nên làm giám đốc theo kiểu được chăng hay chớ”.

Và rồi 15 năm trôi qua, tôi phải nói cho vợ biết “lời chào năm mới tuổi 50” vốn dĩ rất khó xử của mình. Tôi phải kết thúc mối quan hệ với Huyndai. Và với giọng nhỏ nhẹ, vợ tôi đã trả lời cho tôi về quyết định trước khi phải rời khỏi Seogwipo này “Anh hãy làm những gì anh muốn, nếu anh đã quyết định theo niềm tin của mình thì anh hãy tiến lên, giống như chính bản thân anh đã làm, em và con sẽ tin rằng đó chính là quyết định đúng đắn nhất và sẽ đi theo.”

Tôi rời bãi biển buổi sáng Seogwipo.

Và dù không có tôi, thì Huyndai sẽ vẫn tiếp tục đi lên một cách đáng trân trọng.

  1. Thông điệp cuối cùng của Chủ tịch danh dự

Sáng ngày 3 tháng 1 năm 1992, một ngày sau khi tôi trở về từ Seogwipo, tôi đến văn phòng của mình là trụ sở tập đoàn Huyndai ở Kyedong. Ngày cuối cùng của tôi ở đây, thật tình cờ lại là ngày đón chào năm mới, ngày đầu tiên bắt đầu công việc của một năm. Tất cả mọi thành viên lãnh đạo của tập đoàn đều tham dự đầy đủ ở phòng họp để chúc mừng năm mới.

Cũng như bao nhiêu lần khác, Chủ tịch tập đoàn Jung Se Yong ngồi ở giữa bàn đầu, phía bên trái là tôi và ông Lee The Huyn, bên phải là ông Lee Chung Lim và Jung Mong Gu, các giám đốc công ty chi nhánh sẽ lần lượt ngồi theo thứ tự hai hàng đối diện nhau, mọi người chúc mừng năm mới vui vẻ khiến cho bầu không khí trong phòng họp rất sôi nổi.

Bỗng nhiên Chủ tịch danh dự Jung Chu Yong bước vào phòng họp, một hình ảnh chưa bao giờ thấy, ông đi dày thể thao, mặc áo khoác ngoài, thông thường thì ông vẫn mang giày thể thao và áo khoác như vậy khi đi từ nhà đến công ty vào buổi sáng, nhưng sẽ thay quần áo khác sau khi đã đến nơi. Nhưng hôm nay là ngày chúc mừng năm mới mà ông lại xuất hiện đột ngột với bộ dạng này, một sự phá cách hoàn toàn chưa có tiền lệ trước đó.

Ông Jung Chu Yong ngồi vào cái ghế mà ông Jung Se Yong vội vã chuẩn bị, nét mặt ông đanh lại.

“Từ ngày hôm nay, tôi và Chủ tịch Lee Myung Bak, phó giám đốc Lee Ne Hung sẽ tham gia chính trị, vì vậy từ hôm nay những người này sẽ từ nhiệm ở công ty.”

Nói xong ông đi ra, cũng đường đột như là lúc nãy đi vào.

Phòng họp trở nên tĩnh lặng, trong phòng 5 phút chẳng ai nói với ai điều gì. Phải một lúc sau, Chủ tịch Jung Se Yong mới phá vỡ bầu không khí ngượng ngạo ấy và bắt đầu chúc mừng năm mới.

Rồi toàn bộ thành viên ban Giám đốc xuất phát đến trung tâm đào tạo ở Mabukri, đây là chương trình cố định hằng năm khi mà làm lễ xong sẽ về đây tiến hành tổ chức hội thảo. Tôi không lên chiếc xe buýt đi Mabukri mà vào phòng ông Jung, ông đang ngồi một mình trong phòng.

“Xin lỗi vì tôi không giúp cho Chủ tịch được, tôi xin lui ra”.

Cũng như ông Jung, chỉ với một câu đã thông báo đầy đủ ý của mình, tôi cũng truyền đạt ý mình bằng một câu ngắn gọn, nhưng như vậy là đã đầy đủ. Cây nói ấy đã nói rõ quyết định của tôi về thông điệp mà ông Jung đã công bố vào cuối năm ngoái. Thông báo ngày hôm đó của ông Jung, người đã vội vã lập một kế hoạch thành lập một chính đảng mới vào đầu năm 1992, theo phán đoán của tôi thì đó là hành động tách tôi hoàn toàn ra khỏi Huyndai bất chấp việc tôi có tham gia vào chính đảng mà ông ta thành lập hay không, và đó cũng là quyết định thực hiện quyền một cách đơn phương mà chủ công ty có thể làm. 

Đó là cách xử sự áp đặt chẳng khác nào dồn tôi vào góc tường. Còn tôi thì lại chưa bao giờ khuất phục bất cứ sức mạnh đè nén nào.

Tôi đã nói xong ý định rằng mình sẽ rời Huyndai, định ra đi thì ông Jung đứng dậy:

“Vài ngày sau chúng ta gặp nhau vậy”.

“Tôi sẽ suy nghĩ xem sao ”.

Câu nói tôi sẽ suy nghĩ chính là thể hiện sự từ chối cứng rắn của tôi. Khi nói chuyện với chủ công ty về chuyện liên quan đến công ty, tôi chưa bao giờ trả lời kiểu “Tôi sẽ suy nghĩ” mơ hồ như vậy, vâng, tuyệt đối không bao giờ có câu trả lời như vậy. Giây phút đóng cửa phòng Chủ tịch, tôi cảm giác như mình đã tháo xong chiếc dây cột chặt giữa tôi và Huyndai trong suốt 27 năm qua.

Tôi xuống phòng của mình. Ngày cuối cùng ở Huyndai, tôi ngồi với căn phòng ấy. Đoàn lãnh đạo gồm nhiều cấp từ phó giám đốc trở lên đều đã xuống trung tâm đào tạo, vì vậy cũng coi như chỉ còn mình tôi ở tòa nhà trụ sở của Huyndai. Cảm giác tĩnh lặng và cô đơn trùm kín căn phòng. Có lẽ không có bất cứ một nhà lãnh đạo nào chia tay với chủ công ty theo phương thức của tôi. Thông thường, họ tuân theo lệnh của chủ công ty. Nhưng với tôi, tôi phải rời Huyndai, và tôi chưa bao giờ cảm thấy hối hận về quyết định mình sẽ không bao giờ tham gia cùng đảng Quốc dân. Tôi tin rằng thời gian trôi đi sẽ chứng minh cho phán đoán của mình là chính xác và hợp lý.

Khi đó, hàng loạt nhà báo đang theo dõi từng hành động của tôi ùa vào.

“Có người nói ngài rời công ty là để làm chính trị, có đúng vậy không?

“Nếu Chủ tịch Jung thành lập đảng mới, ngài có có tham gia hay không?”

Tất cả nhà báo đều cho rằng việc tôi rời Huyndai đồng nghĩa với việc tôi sẽ tham gia vào chính trị.

“Việc tôi có tham gia vào một đảng mới hay không không phải là việc quyết định ở thời điểm này. Không phải việc làm chính trị là đúng hay không đúng mà cần phải xem xét từ vấn đề căn bản”.

Các nhà báo đều ra về.

30 năm trước, khi tất cả những đồng chí của tôi, những người từng tham gia hoạt động phong trào sinh viên đều đã tham gia chính trị thì tôi lại chọn con đường công ty. Khi đó tôi đã từng nghĩ rằng xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc cho đất nước này rồi tham gia chính trị cũng chẳng có gì là muộn. Tôi nghĩ việc tìm việc làm cho hàng đống người lang thang vì không có công ăn việc làm ở đất nước lạc hậu, nơi mà thu nhập quốc dân đầu người chỉ 80 USD là điều cấp bách hơn cả. Có lẽ cũng chẳng có mấy người phủ nhận rằng nguồn động lực để đất nước này đi đến ngày hôm nay trong suốt 30 năm vừa qua không phải là chính trị mà là kinh tế.

Để khai phá thị trường phương Bắc, nhiều lần tôi đi qua Trung Quốc và Siberia và tôi đã nhìn thấy tương lai mới của bán đảo Triều tiên. Trong cái lạnh cắt da và đêm đen của Siberia, tôi đã cảm nhận sâu xa rằng bây giờ phương Bắc không chỉ là tương lai của công ty Hàn Quốc mà nó còn mối quan hệ không thể tách rời với tương lai của cả dân tộc Hàn Quốc.

Từ giờ trở đi, tôi cho rằng tương lai của Hàn Quốc sẽ phụ thuộc vào chính trị. Nền chính trị vốn dĩ bị kinh tế đầy lùi ra phía sau và vẫn chưa thoát được vỏ bọc cũ, nếu chính trị không lột xác và không bước lên một giai đoạn mới thì tương lai của Hàn Quốc sẽ chỉ mang một màu ảm đạm. Dù sức tôi không nhiều nhưng tôi tin trong đó có vai trò của tôi. Giống như dung dịch thuốc tiêm vào huyết quản chảy dài để chữa bệnh cho cơ thể, tôi quyết tâm mình sẽ trở thành cây tiêm cho dòng huyết quản chính trị đó. Đây là lúc những kinh nghiệm mà tôi đã tích lũy từ công ty sẽ được phát huy trong chính trị.

Ở thời đại mà xu thế địa phương hóa, toàn cầu hóa nhanh chóng như ngày hôm nay. Nền chính trị 30 năm không thay đổi ấy không thể làm đầu tàu cho một hiện thực đang thay đổi với tốc độ chóng mặt được.

  1. Có phá sản thì cũng tôi phá sản

Vào khoảng mùa hè năm 1991, khi tin đồn về việc Chủ tịch Jung sẽ tham gia vào chính giới bắt đầu xuất hiện. Ông Jung cho biết sẽ thành lập một đoàn thể có tính dân sự gọi là “Chương trình vận động tinh thần quốc dân”. Đoàn thể này dự định sẽ được tổ chức bằng những nhân sự từ mối quan hệ với ông Jung. Ở thời điểm ông Jung nói với tôi về việc sẽ đưa tên tôi vào danh sách những người khởi xướng thì tôi đồng ý vui vẻ, thậm chí tôi còn không hiểu ý định của ông nên còn đề nghị đưa thêm các ông hồng y Kim Soo Hwan, mục sư Hang Kyong Chik làm cố vấn.   

Ông Jung đồng ý kiến nghị của tôi, thậm chí ông Jung còn nói với tôi là ông ấy đã gặp 3 người và họ đã đồng ý. Nhưng ngày hôm sau thì ông lại nói khác: “Không ổn, đã làm việc vì đất nước thì phải làm trực tiếp, chứ vận động tinh thần quốc dân thì chẳng ăn thua”.

Cuối cùng thì Ủy ban vận động tinh thần quốc dân không thành lập.

Tôi không hiểu được cái ý sâu sắc của từ “làm trực tiếp”. Và kể cả phòng thư ký cũng như những người thuộc ủy ban vận động tinh thần quốc dân cũng đều không biết ý nghĩa của nó. Một hành động hoàn toàn kỳ lạ của ông Jung. Mọi người rất quan tâm và biết rõ rằng việc ông làm có liên quan đến chính trị chứ không phải liên quan đến công ty nhưng ở thời điểm ấy thì chẳng ai biết được là ông hỗ trợ chính trị, chuẩn bị thành lập chính đảng hay trực tiếp tham gia vào chính quyền.

Vào tháng 12, có vẻ việc ông đang nghiên cứu đến vấn đề xây dựng một chính đảng đã hiện rõ. Thậm chí chúng tôi có nghe nói Chính phủ và Bộ an ninh tiếp nhận vấn đề này với thái độ rất nghiêm trọng. Đúng lúc đó ông Jung gọi cho tôi.

“Tôi thông báo với Chính phủ rồi”.

Vậy là ông quyết định thành lập một đảng mới. Tình hình thế là đã đến mức không thể quay lại trạng thái ban đầu.

Ông Jung bắt tôi phải quyết định ngay. Và cái tin đồn tôi tham gia vào lần bầu cử quốc hội khóa 14 cũng lan truyền nhanh chóng không thua gì cái tin ông Jung tham gia vào chính trị. Cũng như mọi khi, ông Jung, người vốn cảm thấy khó chịu trong lòng đang tỏ thái độ đang lặng lẽ theo dõi về việc tham gia bầu cử của tôi. Tôi cũng đoán được rằng thái độ thay đổi của ông không thể không liên quan đến hoạt động chính trị của tôi nhưng nó lại trùng lặp với con đường mà tôi đã lựa chọn khiến tôi không thể không hoảng hốt.

“Chủ tịch Lee quyết định nhanh đi, hoặc tham gia bầu cử tự do, hoặc tham gia cùng với tôi”.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ Chủ tịch lại tham gia chính trị theo con đường như vậy, vì nếu làm thế này thì tình hình sẽ rất phức tạp. Tôi không muốn làm chính trị, cũng chẳng có lý do gì để tham gia vào chính trị. Nhưng nếu Chủ tịch thành lập đảng đối lập, tôi cũng tham gia vào đó, rồi các giám đốc, phó giám đốc công ty chúng ta đều tham gia nữa thì công ty chúng ta sẽ trở thành cái gì trong cái tình hình chính trị và xã hội đất nước này. Trong tập đoàn chúng ta có nhiều công ty lấy nhân dân là khách hàng, hơn nữa công ty xây dựng Huyndai là công ty mẹ của tập đoàn chúng ta chủ yếu thi công dựa các dự án thầu của Chính phủ trong nước và nước ngoài , nhảy vào chính trị không chừng lại sụp đổ thì sao”.

Theo lý lẽ, một khi ông Jung đã quyết định thành lập đảng thì mọi người phải theo và đó là điều thuận lý lẽ, nhưng không biết có phải vì có người phê phán ý định của ông khiến ông buồn lòng hay không mà ông nhổ toẹt:

“Chủ tịch Lee hà cớ gì phải lo lắng gì cái chuyện vớ vẩn ấy, công ty này có phá sản thì cũng của tôi, tôi nói là không sao thì nó không sao, tại sao Chủ tịch Lee lại phải lo lắng chứ?’

“Thưa Chủ tịch, cái công ty này, về mặt pháp luật có thể Chủ tịch là chủ nhân của nó, nhưng tất cả mọi thành viên công ty chúng ta, và cả tôi đều luôn nghĩ chúng tôi là chủ nhân tinh thần của nó. Từ khi tôi vào công ty cho đến ngày hôm nay tôi chưa bao giờ nghĩ rằng nó là công ty của người khác, tôi mang hy vọng cả cuộc đời và làm việc đến ngày hôm nay. Tôi nói là trên tinh thần như thế.”

Nói xong trong lòng tôi nhẹ bẫng. Và một lần nữa tôi lại cảm nhận được cái giới hạn của một người giám đốc làm thuê, cái giới hạn không thể vượt qua giữa chủ nhân thực sự của nó và một giám đốc trên danh nghĩa.

  1. Ba lần ngăn cản

Tôi quyết tâm phải ngăn cản ông Jung tham gia vào chính trị. Quan hệ giữa ông Jung và người phụ trách chính trị của chính quyền Tổng thống Roh Tea Woo trở nên cực xấu. Tôi thầm nghĩ không biết có phải vì vậy mà ông cũng có ác cảm với Tổng thống Roh và không chừng quyết tâm làm chính trị cũng bắt nguồn từ tâm lý phản đối đó.

Cuối nhiệm kỳ Tổng thống Roh, chính quyền gây áp lực cho công ty chúng tôi bằng cách truy thu 160 tỷ won tiền thuế, việc làm đó chẳng khác nào lấy sơn đen bôi vào lòng tự trọng của ông Jung. Tôi nghĩ chính việc bị truy thu oan ức những 160 tỷ won là nguyên nhân khiến ông Jung quyết định thà lấy số tiền đó làm chính trị còn tốt hơn và hiệu quả hơn, và cũng từ đó mà ông nảy ra ý định giúp đỡ một chính đảng nào đó hoặc chính trị gia nào đó. Nhưng “ làm trực tiếp” có nghĩa là đứng ra làm thì tôi phát hoảng.

“Trong số các ứng cử viên Tổng thống hiện nay, chẳng phải lúc nào Chủ tịch cũng nói ông Kim Yong Sam tốt là gì, nếu ông ấy làm Tổng thống thì hoàn toàn sẽ khác với nền cộng hòa thứ 6, ông ấy sẽ làm nên một chính phủ thực sự vì dân, và vì là người chính trực nên ông ấy sẽ không can thiệp một cách thô bạo vào công ty như chính quyền quân sự. Nếu Chủ tịch ủng hộ ông Kim thì Chủ tịch sẽ đạt được ý nguyện của mình”.

Trước đây, hễ cứ nghe nhắc đến ông Kim Yong Sam là ông Jung luôn thể hiện tình cảm tốt đẹp rằng “ông ấy là người chính trực”. Nhưng ngày hôm đó thì ông Jung chẳng hề phản ứng gì với lý thuyết ủng hộ ông Jung của tôi. Tôi lại tiếp tục thuyết phục.

“Nếu Chủ tịch tham gia vào chính trị chỉ vì muốn phản đối ông Roh thì ủng hộ ông Kim Yong Sam chẳng phải phương pháp tối ưu hơn sao? Nếu ông Kim trúng cử thì Chủ tịch sẽ thành một nguyên lão của giới tài phiệt và Chủ tịch có thể kiến nghị cho ông ấy những điều Chủ tịch muốn làm. Xã hội chúng ta hiện nay thiếu những bậc nguyên lão khiến uy thế không còn. Chủ tịch là người đại diện cho công ty lại có ảnh hưởng lớn nhất đến nền kinh tế đất nước thì phải đóng góp cho đất nước với tư cách của một nguyên lão chứ”.

Ông Jung thẳng thừng bác bỏ ý kiến của tôi.

“Mấy cái đó không cần thiết, đừng nói nữa, tôi sẽ phải trực tiếp làm chính trị”.

Từ ngày đó trở đi, ông Jung nhanh chóng xúc tiến việc thành lập đảng, mấy ngày sau, tôi lại gặp và ngăn ông, đây là lần thứ 2.

“Doanh nhân vận hành công ty làm thế này thì từ nay về sau Huyndai sẽ gặp nhiều khó khăn. Tỷ trọng mà Huyndai chiếm giữ trong nền kinh tế là rất lớn, điều đó cũng có nghĩa là sức ảnh hưởng của Huyndai lên nền kinh tế là không nhỏ chút nào. Đánh giá của nhân dân sau này về Chủ tịch có liên quan chặt chẽ đến việc điều đó nó ảnh hưởng tiêu cực thế nào đến nền kinh tế đất nước chúng ta. Nếu nhất thiết phải thành lập chính đảng thì hãy ủng hộ người không theo đảng phái nào, nếu họ trúng cử hãy qui hợp họ lại, tập hợp thêm những người không thích đảng cầm quyền và sau khi kết thúc bầu cử thì lập chính đảng cũng không muộn”.

Tôi luôn suy nghĩ sau khi bầu cử Tổng thống thì cơ hội sẽ đến với ông Jung, nhưng với tính cách nóng vội không thể chờ đợi điều gì của ông ấy thì đề nghị của tôi chẳng khác gì dùng tay không dập đám lửa đang hừng hực cháy, cuối cùng thì nó không đem lại kết quả gì. Ý kiến của tôi lại bị từ chối.

“Đó là phương pháp tiêu cực, tôi đã quyết định chọn phương pháp tích cực hơn”.

Ngày hôm sau, tôi đề nghị phương án thứ 3.

“Chủ tịch đã nhất quyết thành lập đảng thì tôi có một đề nghị như thế này. Chủ tịch hãy tìm những thanh niên chưa tham gia vào chính trị, chưa vấy bụi chút nào và tập hợp họ lại, nếu vậy thì tôi cũng sẽ tích cực giúp đỡ. Dù lần này kết quả không được như mình mong muốn thì lần sau cũng sẽ được người dân ủng hộ. Việc này đáng làm. Đồng thời nếu dùng tiền công ty kiếm được nuôi dưỡng những chính trị gia chân chính thì sẽ áp đảo được thế lực chính trị hiện tại, từ đó sẽ tạo dựng được sự khác biệt một cách tự nhiên với những chính đảng còn lại. Cho dù hiện tại đường lối, phương châm của chính đảng chưa rõ ràng nhưng nếu có cái gì đó mới mẻ thì sẽ đáp ứng được chờ đợi của những người dân chúng ta vì vốn dĩ họ đã chán ngấy nền chính trị hiện nay.”

Ông Jung nói đơn giản thế này:

“Làm vậy không được, ta nên chờ sau khi các đảng khác giới thiệu ứng viên, trong số những ứng viên không được giới thiệu ấy mình qui hợp những ứng cử viên có khả năng trúng cử lại, như vậy sẽ có nhiều người trúng cử.”

Khoảng thời gian này, tôi và ông Jung chỉ đối thoại với nhau được kiểu như vậy. Kiểu mà tôi có giải thích bao nhiêu thì ông Jung cũng chỉ nói vài câu cụt lủn, và trong những câu trả lời ngắn và rõ ràng ấy của ông Jung luôn mang đầy sự bất mãn rằng “Cậu nên theo tôi làm chính trị luôn đi, cứ theo tôi mà làm chứ làm gì mà phải suy nghĩ nhiều thế?”. Tình hình đã xoay theo một chiều hướng không thể nào quay lại được và hoàn toàn không theo mong muốn của tôi chút nào.

  1. Lý thuyết tình huống về đạo lý.

Sau nhiều lần can thiệp không có hiệu quả, đã đến lúc tôi phải đưa ra quyết định.

Đây là thời điểm Huyndai đang bị Tổng cục thuế trưng thu một cách không chính đáng. Để giải quyết vấn đề này, tôi đã chạy khắp mọi nơi để tìm cách tháo gỡ. Đúng lúc đó ông Jung gửi thông điệp cuối cùng cho tôi là phải quyết định trước cuối tháng 12, trong thông điệp đó bao hàm ý rằng dù thế nào đi nữa tôi cũng phải cùng ông rời khỏi công ty.

Giờ là lúc tôi phải đưa ra quyết định.

Trước khi ông Jung quyết định làm chính trị, thực sự tôi cũng đã có suy nghĩ cần một sự bắt đầu mới. Bắt đầu từ nhiều năm trước, Huyndai đã chuẩn bị cho “ thể chế quản lý thuộc thế hệ thứ 2”, đã có rất nhiều người làm kinh doanh thuần túy đang làm việc tại công ty ổn định. Tôi nghĩ đây là lúc tôi cần phải ra đi, và tôi có thể ra đi mà không mang bất cứ gánh nặng hay nỗi lo nào cả.

Khi chúng tôi phát triển ra thị trường phương Bắc, tôi đã thấu hiểu được tầm quan trọng của chính trị, và tôi cũng nghĩ “mình có thể làm được”.

Nhưng cái bắt đầu mới của tôi lại trùng với thời điểm ông Jung tham gia vào chính trị, vì vậy nó khiến cho tôi rất khó xử.

Điều khiến cho tôi phải trăn trở nhiều nhất đó chính là kiểu suy nghĩ mang tính phong kiến về mối quan hệ giữa người kinh doanh đơn thuần và chủ công ty xưa nay. Tôi không thể đồng ý với quan điểm dựa trên một nhận thức đạo đức ăn sâu bấy lâu ở nước ta đó là dù chủ công ty có quyết định thế nào thì người làm công cũng phải đi theo một cách mù quáng.

Một nhà kinh doanh thuần túy thì phải sống ra dáng chủ nhân hơn chủ của nó rất nhiều. Chủ nhân thì phải làm “chủ nhân cuộc sống của chính mình” “chủ nhân của lương tâm”, phải như vậy thì mới có thể trở thành chủ nhân của tất cả mọi thứ.

Nếu chủ công ty kêu gọi “Chúng ta xây dựng đập Samhiep nhé” hoặc “Chúng ta xây dựng đường hầm vượt biển Hàn- Nhật bằng vốn dân sự nhé” thì với tư cách là nhà kinh doanh thuần túy, tôi sẽ đi theo vô điều kiện.

Những chỉ thị như vậy dù có phi hiện thực đến mấy nhưng chỉ cần chủ công ty không lung lay thì mọi người sẽ đồng ý và dồn hết tâm huyết để thành công. Đó chính là tư thế của một doanh nhân. Tôi đã sống như thế cho đến ngày hôm nay, và Huyndai chính là minh chứng cho những thành quả trong và ngoài nước với lẽ sống đó.

Vào kỳ bầu cử quốc hội thứ 13 trước đây, có rất nhiều bàn luận về việc tôi có tham gia hay không, tôi cũng đã suy nghĩ về việc này bằng một tâm thế tích cực. Tuy nhiên, khi đó Huyndai đang xoáy mình trong vòng xoáy của đình công liên miên.

Bỗng một buổi sáng, Chủ tịch Jung nói với tôi “Chủ tịch Lee, đây là lời đề nghị cuối cùng của tôi, cậu xuống Ulsan cố gắng giải quyết tranh chấp với công đoàn hộ tôi với”. Và ngay lập tức, tôi nhận quyết định trở thành Tổng giám đốc của công ty Huyndai Enginering, công ty này là trung tâm của tranh chấp lao động tại Ulsan.

Khi công ty lâm vào cảnh khó khăn, tôi phải lùi kế hoạch của mình sang một bên, nhường chỗ cho cuộc vật lộn 2 tháng trời với cán bộ công đoàn ở Ulsan.

Nhưng chính trị và công ty thì khác nhau.

Đây không phải là vấn đề có thể làm được hay không, vấn đề ở đây chính là cần phải sở hữu chung giá trị quan điểm, làm chính trị cần phải có triết lý, phải có tầm nhìn với lịch sử, phải có mục tiêu tổng thể cho phát triển đất nước, phải có điểm hướng đến phù hợp với mục đích.

Nếu không có triết lý và tầm nhìn mà chỉ tham gia chính trị đơn thuần vì tình nghĩa đạo đức thì cả tôi hay ông Jung, hay bất cứ ai đi nữa cũng chẳng giúp ích gì cho xã hội chúng ta đang sống.

Nếu ông Jung không phải là Chủ tịch của một tập đoàn tài phiệt mà chỉ đơn thuần là một người tuyên bố tham gia chính trị thì phản ứng của tôi sẽ thế nào nhỉ? Tôi rất thích một Jung Chu Yong hồi còn trẻ với khả năng xúc tiến sự việc, sức phán đoán, tinh thần khai phá, giản dị và khiêm tốn.. và rất nhiều ưu điểm khác.

Tôi còn nhớ cuộc “đối đầu cực quyết liệt” giữa tòa nhật báo Jungyang của tập đoàn Samsung và Huyndai. Sức ảnh hưởng của cơ quan ngôn luận của một tập đoàn lên một công ty khác là vô cùng khủng khiếp. Và chúng ta cũng không khó để tưởng tượng đến viễn cảnh nếu một tài phiệt có tên là Huyndai tham gia chính trị và nắm lấy quyền lực thì ảnh hưởng tiêu cực của nó đến xã hội sẽ như thế nào. Đó chính là một trong những lý do lớn nhất ngăn tôi không thể đồng hành.

Cùng với sự trăn trở của tôi, năm 1991 cũng kết thúc. Và lâu lắm, tôi mới đi du lịch đảo Jeju cùng gia đình.

Sau này, khi tôi bắt đầu đi theo con đường khác với con đường mà ông Jung muốn tôi đồng hành, đã có rất nhiều người trách móc rằng sao không đi cùng con đường với người đã nuôi dưỡng mình. Nhưng ở chiều ngược lại, cũng có những bức thư và những cú điện thoại của những người không quen biết từ địa phương gửi lên động viên và cho rằng tôi đã phán đoán đúng, rằng đó là việc làm có dũng khí khi không tham gia cùng với ông ấy làm chính trị.

Tôi không muốn biện minh hay giải thích trước bất cứ lời nói nào. Vì tôi tin rằng thời gian trôi đi mọi người sẽ hiểu đúng nhất về sự việc, và suy nghĩ của tôi thì không lung lay theo sự biến chuyển của thời gian.

  1. Nhiệm vụ sau cùng tại công ty.

Sơ tuần tháng 1 năm 1992, tôi công bố từ nhiệm của mình trong lễ tham dự của gần 500 lãnh đạo của công ty.

“Thưa các quí vị, tôi đã gắn bó với công ty 27 năm và bây giờ tôi sẽ ra đi. Có nhiều lý do để ra đi, nhưng đây không phải là lúc thích hợp để tôi nói về điều này. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì dù ra đi tôi cũng không gây ảnh hưởng gì cho công ty, và đội ngũ những nhà kinh doanh thuần túy tài năng ở công ty chúng ta đang rất nhiều. Các quí vị, những người đang làm việc tại công ty chính là chủ nhân của công ty này. Tôi và các quí vị, và cả những người lao động trẻ tuổi sắp vào công ty đã làm ra công ty này với tinh thần chủ nhân và sẽ còn tiếp tục thực hiện điều đó. Chúng ta không phân biệt chủ tinh thần hay chủ sở hữu nên dù chúng ta có rời công ty đi nữa thì chúng ta cũng không thể làm những điều trái với quyền lợi của công ty. Và tôi cũng sẽ tiếp tục làm như vậy”.

Tôi nhấn mạnh công ty là mối ưu tiên lớn hơn bất cứ thứ gì khác. Tôi đã thể hiện suy nghĩ của mình một cách gián tiếp rằng không thể lấy công ty làm công cụ hy sinh hoặc vật thế chấp. Và đó cũng chính là công việc cuối cùng của tôi, một “người lao động theo luật lao động”, một người kinh doanh thuần túy yêu công ty hơn cả chủ nhân thực sự của nó, không có quan hệ máu mủ với chủ công ty và đã leo lên vị trí thứ 2 của tập đoàn.

Vài ngày sau khi tôi ra đi, Chủ tịch Jung tổ chức họp báo và tuyên bố thành lập đảng tại nhà riêng ở phường Jungun. Và ông công khai “chi tiết cung cấp tài chính cho nền chính trị cộng hòa lần 6” và trực tiếp triển khai “chính trị kiểu Jung Chu Yong”. Hiệu chứng Jung Chu Yong lan tỏa khắp cả nước.

  1. Tôi không nhận bất cứ cái gì cả

Mọi người đều nghĩ khi tôi rời Huyndai thì sẽ được nhận một số tiền rất lớn. Thậm chí có một tờ báo còn viết rằng tôi ra khỏi công ty và yêu cầu đưa cho mình nhà máy thép Incheon. Thậm chí có người còn đồn đoán rằng tôi sẽ đầu quân cho Deawoo hay Samsung.

Ngày 3 tháng 1 năm 1992, tôi rời khỏi công ty với hình ảnh của 27 năm trước đây, cái ngày đầu tiên tôi cống hiến tuổi trẻ mình cho công ty này. Cũng như khi thi đậu rồi vào công ty làm việc, tôi rời khỏi công ty và nhận tiền thôi việc theo luật lao động bình thường. Tôi cũng là một người lao động. Tôi luôn cảm thấy tự hào vì nghỉ hưu tại công ty mà không nhận bất cứ một đồng tiền bồi dưỡng nào. Suy nghĩ không nhận bồi dưỡng, không dựa vào bồi dưỡng đã được thừa hưởng từ mẹ tôi ngay từ nhỏ. Mẹ tôi đã dạy cho tôi dù có nghèo hèn đến cực độ cũng phải đường hoàng, chính đáng.

Tất cả các Chủ tịch tập đoàn tài phiệt đều dùng người dựa theo phép tính cực kỳ triệt để. Khi nghe mọi người nói tôi và ông Jung giống hai cha con, tôi bật cười. Những người chẳng hiểu gì về cơ chế sinh lý của công ty nên mới nghĩ vậy.

Không có ai trở thành Chủ tịch tài phiệt nhờ dùng người dựa vào mối quan hệ tình cảm riêng tư kiểu cùng trường hay đồng hương. Không ngoại lệ, Huyndai cũng vậy, từ một công ty nhỏ trở thành một công ty lớn, công ty cũng đã dùng người một cách rất khoa học. Thậm chí bên ngoài nhìn vào đôi chút nhẫn tâm nhưng đúng là tình cảm riêng tư tuyệt đối không được xen lẫn ở đây. Phương pháp dùng người dựa vào phép tính triệt để ngay từ ngày đầu của ông Jung quả thật là rất hiệu quả.

Lý do tôi có thể làm việc ở công ty này suốt 27 năm rất đơn giản. Đó là vì tôi làm được việc mà người khác không làm được. Ông chủ của công ty này đã mang sẵn trong đầu một nhận thức rằng dù việc khó đến mấy thì Lee Myung-Bak đều có thể làm được. Và thông qua việc tôi làm, tất cả mọi người đều hiểu tôi là người cần thiết cho công ty hơn bất cứ ai.

Tôi cũng chưa bao có suy nghĩ rằng mình làm việc vì ông Jung Chu Yong, cả quá khứ và bây giờ cũng vậy, chỉ có công việc và nơi đó là công việc, nếu không có công việc thì tôi cũng đã không ở đó.

Và đó cũng là lý do mà tôi có thể rời bỏ được công ty. Quan điểm như giữa cha và con nó xuất phát từ thói quen muốn qui nạp tất cả các mối quan hệ xã hội trở thành mối quan hệ kiểu hại anh lợi tôi mà bắt đầu từ quan hệ đồng hương, bạn học. Cái suy nghĩ đó mà chế ngự xã hội này thì xã hội sẽ thành bệnh tật.

Người ta khi rời công ty thường có thói quen phê phán rằng công ty đó ứng xử thiếu tính nhân văn. Nhưng đó là kết quả của việc cứ bám vào khái niệm tình cảm con người. Còn tôi thì luôn nhận thức một cách rất lạnh lùng về công ty và chủ công ty.

Đó cũng là lý do tôi chẳng có gì phải oán trách ông Jung hay oán trách công ty.

  1. Chúng ta hãy cùng làm việc với nhau

“Rời công ty, sao anh lại tham gia vào đảng cầm quyền?”

Kể cả cho đến bây giờ, tôi vẫn nhận được những câu hỏi như vậy. Câu hỏi này hàm chứa rất nhiều nội dung nên trả lời ngắn gọn thật đơn giản thật không dễ dàng chút nào.

Tháng 1 năm 1992, khi tôi quyết định rời công ty, tôi đã tính đến chuyện ra nước ngoài học 1-2 năm gì đó. Bắt đầu từ năm 1970, khi đi ra nước ngoài tôi đã cảm nhận được sự thay đổi. Đó chính là nền chính trị thế giới đang chuyển dần từ khái niệm thống trị thành khái niệm kinh doanh. Không phải quản lý đất nước mà là vận hành kinh doanh đất nước. Đặc biệt là Singapore và Malaysia, tất cả những nhà chính trị đều là những nhà kinh doanh. Kể cả nước Mỹ, nơi có chế độ tự trị địa phương tiên tiến hay cả Nhật bản, tất cả đều làm vậy. Một thế giới với áp dụng hình thức “kinh doanh địa phương” theo nhận thức phân quyền cho địa phương đã bắt đầu đi vào hiện thực từ 20 năm trước.

            Thống trị và kinh doanh trong thực tế khác nhau rất nhiều. Với khái niệm thống trị thì người có quyền lực sẽ cho mình là chủ nhân của đất nước. Khái niệm công bộc chỉ là lý luận mà thôi. Dưới sự quản lý đất nước theo kiểu thống trị thì viên chức cai trị trên người dân. Nhưng nền chính trị nếu áp dụng khái niệm kinh doanh thì không phải vậy. Đó là phải nhận thức kiếm nhiều tiền hơn cho khu vực mình sinh sống và đất nước, và phải hoàn trả lại số tiền này cho người khách hàng có tên là người dân.

Với khát khao học được những điều mới từ những nền chính trị nước ngoài tiên tiến nơi đã từng nhìn thấy, tôi đã chuẩn bị lên đường đi du học, nhưng rồi một nhân sĩ của đảng cầm quyền liên lạc với tôi, ông ta đề nghị tôi tham gia bầu cử quốc hội với tư cách là nghị sĩ địa phương của Đảng tự do dân chủ.

Tôi nói với ông ta thế này.

“Tôi hoàn toàn không có suy nghĩ tham gia vào chính trị tại thời điểm này, nếu tôi tham gia bầu cử nghị sĩ quốc hội khu vực thì cuối cùng lại va chạm với đảng mà ông Jung đã lập ra. Nếu hình ảnh tôi đối đầu với ông Jung xuất hiện trên ngôn luận và người dân nhìn thấy thì chẳng có gì hay ho cả, đây không phải là hình ảnh của những người lớn”.

Tưởng rằng mọi chuyện đã tĩnh lặng, nhưng chỉ mấy ngày sau, Chủ tịch đảng gọi điện đến và hẹn tôi 6 giờ sáng ở một nơi, tôi đến đó.

“Chủ tịch Lee, nếu tham gia bầu cử với tư cách nghị sĩ địa phương gây khó xử cho đảng Quốc dân thì ông tham gia với tư cách nghị sĩ toàn quốc vậy. Ông đã từng là người làm việc và nếu tiếp tục làm việc thì phải làm ở đảng của chúng tôi. Ở đảng chúng tôi chưa có bất cứ một nhà kinh doanh nào cả, chúng tôi cần ông”.

Đầu tháng 2 năm 1992, tôi tự hỏi có nên dành thời gian này cho riêng mình để nghỉ ngơi hay tôi nên vận dụng những kinh nghiệm mà tôi có được tại công ty để giúp ích cho xã hội? Và dù có làm gì đi nữa thì tôi nhất định sẽ không thay đổi bản chất của mình. Rồi tôi nghĩ đảng cầm quyền chính là nơi tôi có thể vừa giữ được lòng tự trọng, vừa thực hiện được ý chí của mình. Phải làm việc để cống hiến cho xã hội, và để làm như vậy thì nên tham gia vào đảng cầm quyền hơn là đảng đối lập.

Ở xã hội chúng ta, thành phần tiếp cận nhanh nhất với quá trình toàn cầu hóa chính là công ty. Ở nền chính trị mà mọi người vẫn tin vào hình thức thống trị hiện nay, nếu cho rằng rằng liệu tôi sẽ làm được gì trong đó vẫn còn quá sớm.

Công ty chúng ta đã trưởng thành và đã có thể sánh vai với các công ty hàng đầu trên thế giới, nhưng nền chính trị thì chỉ dừng lại ở mức ếch ngồi đáy giếng vì họ chỉ với suy nghĩ bằng mọi cách nắm cho được quyền lực vào tay mình. Sứ mệnh phải lấp đầy khoảng cách này theo cái nhìn của một nhà công ty đã đưa tôi đi đến quyết định thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi.

Tháng 3 năm 1992, tôi trúng cử nghị sĩ quốc hội toàn quốc của đảng cầm quyền, đảng tự do dân chủ, và tôi bắt đầu dấn thân vào cuộc hành trình trên biển để đi tìm miền đất mới.

0 0 bình chọn
Xếp hạng bài viết
Đăng ký
Thông báo của
guest
Nhập họ tên (bắt buộc)
Email của bạn (bắt buộc)

0 Bình luận
Phản hồi trong dòng
Xem tất cả bình luận
0
Click vào đây để bình luận hoặc gửi yêu cầu bạn nhé!x