생일날에 왜 미역국을 먹나요? – Tại sao người Hàn lại ăn canh rong biển vào ngày sinh nhật?

Ở mỗi quốc gia, vào dịp sinh nhật, người ta lại có một món ăn đặc trưng riêng.

Ví dụ như ở Trung Quốc, người ta thường ăn “Mì trường thọ” (장수면 – 長壽麵), với mong muốn cầu chúc cho sống thật lâu.
Ở Việt Nam, chúng ta không có món ăn đặc trưng cụ thể cho ngày sinh nhật, mà thường mua bánh sinh nhật hay còn gọi là bánh gato, sau khi món bánh gateaux (bánh kem, bánh ngọt) du nhập vào nước ta từ phương Tây.

Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, có một món ăn đặc trưng rất riêng, mà người Hàn thường hay ăn trong ngày sinh nhật, đó chính là món “Canh rong biển” (미역국).
Vậy tại sao người Hàn lại ăn “Canh rong biển” mà không phải là canh đậu tương, canh kim chi hay bất kì món canh nào khác?

Việc này bắt nguồn từ việc sản phụ sau khi sinh thường ăn canh rong biển, bởi đó là một món ăn rất tốt cho người mẹ. Trong 성호사설 (Tạm dịch: Xã luận Seongho) của nhà Thực học thời Chosun Lee Ik (Phòng trào Thực học diễn ra từ nửa cuối thế kỷ 17 đến cuối thời kỳ Chosun, với mục đích mong muốn nâng cao đời sống thực tế và cải cách chế độ xã hội), có nói rằng, canh rong biển được ví như mà vị thuốc tiên, là một món ăn rất tốt cho phụ nữ sau sinh. Thời đó, canh rong biển được cho là có tác dụng thanh lọc máu. Còn với khoa học hiện đại ngày nay, món canh này còn chứa nhiều chất như sắt, canxi, iod…rất tốt cho sản phụ.

Món canh này bổ dưỡng như vậy nhưng dường như chỉ ở Hàn Quốc, người mẹ sau khi sinh em bé xong mới ăn canh rong biển (trong khi các nước láng giềng như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam lại không có phong tục đó). Lý do chính xác tại sao lại như vậy thì hiện tại chưa ai biết nhưng có một sự thật chắc chắn là từ thời xa xưa rong biển bổ dưỡng đã xuất hiện tại xứ sở Kim Chi. Trong고려도경(高麗圖經) (Tạm dịch: Cao Ly đồ kinh) do Sứ giả nhà Tống viết vào thế kỷ 12, có ghi chép rằng người dân Cao Ly tất cả mọi người đều ăn rong biển, không phân biệt thân phận cao, thấp. Trong당서(唐書) (Tạm dịch: Đường thư) ghi chép lại lịch sử nhà Đường, cũng có miêu tả “rong biển hình thành tại vùng biển trước Hamheung của Bột Hải, nổi tiếng với vị rất ngon”.
Tuy nhiên, ngày xưa, sau khi sinh em bé xong, người mẹ không ăn ngay canh rong biển. Mà phải sau khi bày biện bàn cúng tam thần (삼신상) gồm 1 bát cơm trắng, 1 bát canh rong biển, 1 bát nước sạch (정화수, tục cúng Tĩnh Hoa Thủy (nước tinh khiết) mình cũng đã đề cập qua tại 1 bài viết trước đó rồi), rồi mới ăn canh rong biển. Và người Hàn gọi đây là “첫 국밥” (món cơm canh đầu tiên). Lúc này, người mẹ ăn canh rong biển với ý nghĩa cảm ơn vì bà Tam thần đã cho mình sinh hạ mẹ tròn con vuông, đồng thời cũng cầu mong cho mẹ và con cùng khỏe mạnh.

Sau đó, 3 ngày sau khi sinh, người ta lại nấu canh rong biển và cơm, cúng Bà Tam thần, và vào ngày thứ 21 sau khi sinh, người Hàn lại chuẩn bị bàn cúng tam thần, cầu mong cho đứa bé trường thọ, khỏe mạnh không bệnh tật. Ngày xưa khi tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong còn cao, nếu qua được giai đoạn khó khăn ban đầu này, mà đứa trẻ vẫn khỏe mạnh, thì người Hàn sẽ nấu canh rong biển, thành kính dâng lên để cảm tạ Tam thần. Và ở Hàn xưa còn có phong tục làm túi tam thần (삼신주머니 – 三神囊) bằng vải gai, bỏ gạo vào trong đó, treo lên tường cho đến tận khi đứa trẻ được 10 tuổi. Vì họ tin rằng nếu làm như vậy, Tam thần không chỉ ban cho họ con cái mà còn bảo vệ đứa trẻ đó.

Khi nói đến Bà Tam thần, chúng ta thường liên tưởng đến thầy cúng, tuy nhiên trong tín ngưỡng cổ xưa, Tam thần là những nữ thần cai quản sự sống và cái chết. Vì thế, nhà Thực Học Jeong Yak Yong đã nói rằng, việc sản phụ sau khi sinh xong, cúng Tam thần với cơm trắng và canh rong biển là truyền thống của dân tộc Hàn.

Do đó, canh rong biển vào ngày sinh nhật, là món ăn để dâng lên cảm tạ các vị thần tiên đã ban cho sự sống và cầu chúc sức khỏe, sống lâu, không bệnh tật cho đứa trẻ.
한국어원본출처: http://news.bizwatch.co.kr/article/opinion/2014/05/29/0005

________________

Mời các bạn tham khảo ngay Khóa học cho người mới bắt đầu:

________________
Mọi chi tiết vui lòng liên hệ TƯ VẤN
FACEBOOK: https://www.facebook.com/kanataviethan/
Cơ sở: 
  • Trụ sở chính: 384/19 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 8, Quận 3. 028.3932 0868/ 3932 0869, 0931 145 823
  • Cơ sở 1: 72 Trương Công Định, P.14, Quận Tân Bình , 028.3949 1403 / 0931145 823
  • Cơ sở 2: Số 18 Nội khu Mỹ Toàn 2, khu phố Mỹ Toàn 2, H4-1, Phường Tân Phong, Quận 7, 028.6685 5980
  • Cơ sở 3: 856/5 Quang Trung, F8, Gò Vấp (Ngay cổng sau Trường THPT Nguyễn Công Trứ, hẻm đối diện công ty Mercedes) 028.3895 9102
0 0 bình chọn
Xếp hạng bài viết
Đăng ký
Thông báo của
guest
Nhập họ tên (bắt buộc)
Email của bạn (bắt buộc)

0 Bình luận
Phản hồi trong dòng
Xem tất cả bình luận
0
Click vào đây để bình luận hoặc gửi yêu cầu bạn nhé!x