VĂN HÓA CÔNG SỞ CỦA NGƯỜI HÀN QUỐC

Đối với bất cứ một nhóm cộng đồng nào cũng sẽ có những quy tắc bất di bất dịch mà mỗi cá nhân ở trong đó phải tuân theo để có thể hòa nhập và phát triển. Và một trong số những điều không chỉ mình mà các bạn – những người đã đang theo học tiếng Hàn cũng như quan tâm đến văn hóa và con người nơi đây cũng sẽ tò mò muốn tìm hiểu đó là văn hóa công sở của người Hàn Quốc. Những quy tắc chung hay luật lệ ngầm trong môi trường làm việc của người Hàn Quốc như thế nào và làm sao để có thể hòa nhập tốt nhất trong một công ty Hàn Quốc thì các bạn cùng Kanata tìm hiểu trong bài viết này nhé~

1. Phong cách gọn gàng, nhã nhặn

Misaeng (2014) – một trong những bộ phim khắc họa chân thật nhất cuộc sống công sở của người Hàn Quốc

Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao ngành thời trang và mĩ phẩm của Hàn Quốc lại phát triển nhanh chóng tạo xu hướng trong những cộng đồng lớn và là một trong số những nước đi đầu trên thế giới về ngành này hay chưa? Một trong những lý do sâu xa đó là người Hàn rất coi trọng ngoại hình. Mình chắc rằng ai cũng từng có một vài lần “choáng váng” khi ra đường đi tàu địa ngầm gặp rất nhiều trai xinh gái đẹp ăn mặc gọn gàng với những bộ cánh đẹp và gương mặt được trang điểm kỹ lưỡng. Vì thể việc ăn mặc trang điểm hay cách đi đứng của người Hàn làm sao để vừa nổi bật cá tính vừa có thể gây được ấn tượng tốt và phù hợp với công việc cũng rất quan trọng. Đối với nam giới thì những bộ vest là một trong những trang phục được mặc nhiều nhất, với những màu trang nhã thiết kế gọn gàng đi kèm balo đeo sau lưng để vừa laptop và các giấy tờ cần thiết khi đi làm. Đối với nữ giới tuy có nhiều sự lựa chọn hơn nhưng tip mặc đẹp công sở luôn gọi tên áo sơ mi đi kèm váy dài qua đầu gối. Kết hợp với những đôi giày cao gót vừa phải tiện đi lại và tránh đi dép, xăng đan hay giày thể thao sẽ làm mất điểm trong mắt người ngoài là một hình mẫu cho nữ giới ở công sở. Tóc được tạo kiểu gọn gàng, đơn giản cùng gương mặt trang điểm nhã nhặn sẽ được ghi điểm trong mắt đồng nghiệp.

Thời trang công sở hàn Quốc từ những bộ suit

Và vì không muốn để lộ ra những điểm xấu của bản thân nên dù công việc có bận rộn mệt mỏi tới đâu thì họ vẫn sẽ giữ phong thái chuyên nghiệp như vậy đến cuối ngày. Đó là một trong những điều mà cá nhân mình nghĩ người Việt Nam nên học hỏi, chẳng phải ai cũng muốn tạo ấn tượng tốt với người khác và đặc biệt là đồng nghiệp cấp trên ngay từ lần đầu gặp mặt đúng không nào?

2. Luôn đúng giờ

Văn hóa đúng giờ quan trọng thế nào trong doanh nghiệp?

Là một trong những nét văn hóa mình thấy không chỉ trong môi trường công sở mà ở bất cứ đâu nó luôn là một quy tắc ứng xử cơ bản của người Hàn. Trong bài “Những thói quen của người Hàn Quốc đã thay đổi mình như thế nào” trên trang blog của K.I.O.S chúng mình đã đưa nó vào mục đầu tiên cần chú ý và cũng nhấn mạnh rằng bắt kỳ ai cũng đã từng bắt gặp những hình ảnh quen thuộc “như những bước chân thoăn thoắt trên đường phố, trên các phương tiện giao thông công cộng, trước máy bán hàng cà phê tự động hay qua các dịch vụ vận chuyển giao hàng vv..vv…. để không lãng phí một giây phút nào trôi qua trong nhịp sống hối hả mỗi ngày ấy họ đặc biệt coi trọng việc tuân thủ giờ giấc lên hàng đầu”. Đặc biệt ở môi trường làm việc chuyên nghiệp như các tổ chức chính phủ hay công ty thì việc đúng giờ đã trở thành một quy tắc bất di bất dịch để thể hiện sự chuyên tâm, có trách nhiệm với công việc ngay từ khi bắt đầu. Thường người Hàn sẽ đến trước giờ bắt đầu làm việc, họp hay hẹn khách hàng.v..v.. khoảng 5~10 phút để chủ động chuẩn bị trước, trong khi những giờ ăn hay nghỉ họ sẽ chỉ rời khỏi bàn khi có chuông reo báo hiệu mà không hề có chuyện đứng lên trước dù chỉ là 1~2 phút. Người Hàn vẫn thường hay nói lễ nghi cơ bản ở nơi làm việc bắt đầu từ việc không trễ hẹn, hãy nhớ điều đó nhé

3. Làm việc theo nhóm

Làm việc theo nhóm: Khi nào?
Chắc hẳn các bạn cũng đã từng nghe qua cụm từ “văn hóa cộng đồng” ở Hàn Quốc mà trước đó chúng mình cũng đã lên hẳn một bài cụ thể về nó rồi. Văn hóa cộng đồng ở Hàn Quốc rất được coi trọng, người Hàn không đặt cá nhân lên trên mà luôn gắn mình với tập thể cộng đồng mà họ thuộc về cũng như tích cực tham gia các hội nhóm để gặp gỡ những người chung sở thích đam mê, giao lưu chia sẻ và phát triển cộng đồng ấy ngày một lớn mạnh.

Trong môi trường làm việc họ sẽ ít hoạt động cá nhân mà luôn kết nối những người cùng chung ý kiến hoặc trong cùng một lĩnh vực thành một nhóm để làm việc được hiệu quả hơn. Người Hàn cũng đề cao ý kiến tập thể số đông hơn so với cá nhân và tính đoàn kết trong tập thể vô cùng mạnh mẽ. Họ coi trọng những người đồng môn, đồng hương hay đồng nghiệp hay giúp đỡ nhau trong công việc hoặc các vấn đề cá nhân khác.

4. Chỉ quan tâm đến kết quả công việc

Để có thể phát triển trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu châu Á và thế giới, được biết đến là đất nước phát triển vượt bậc trong một thời gian ngắn hậu chiến tranh thì không thể không kể đến tinh thần làm việc không giới hạn của người Hàn Quốc. Khi làm việc dù có phân chia rõ ràng lượng công việc cho từng người tuy nhiên nếu thấy người trong nhóm bị thụt lùi tiến độ hoặc gặp khó khăn trong quá trình, họ sẵn sàng giúp đỡ để cùng nhau giải quyết công việc một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Khi được giao nhiệm vụ dù có phải tốn công sức tìm tòi vất vả họ cũng không ngại khó ngại khổ tất cả vì tinh thần trách nhiệm với công việc chung.
Giai đoạn đánh giá

Và đối với người Hàn đa số không có khái niệm hết giờ làm việc là đi về. Họ ngầm hiểu rằng còn chưa xong việc là chưa được về, thường thì công chức nhà nước sẽ kết thúc công việc sớm hơn khoảng 8~9 giờ tối và nhân viên công ty ở lại đến 1~2 giờ sáng hay ngủ qua đêm tại chỗ làm cũng là việc hết sức bình thường. Chính vì thế cuộc sống nhân viên công ty của người Hàn vô cùng khắt khe, hầu như không có chuyện ăn vặt hay làm việc riêng trong giờ nhất là khi luôn có camera và người giám sát theo dõi. Kể cả có việc riêng phải đi ra ngoài thì số lần cũng như thời gian đều bị hạn chế và luôn trong tình trạng lo lắng nếu không làm được việc sẽ bị sa thải lúc nào không hay. Nên đa số người Hàn làm việc ở một công ty rất lâu thường là 5 năm trở lên và rất ít khi đổi việc nếu không có vấn đề bất đắc dĩ xảy ra.

5. Tuổi tác và cấp bậc quyết định tiếng nói trong công việc

Thông thường nhân viên mới bắt đầu vào làm trong công ty sẽ khoảng 26 tuổi (do nam giới mất 2 năm đi nghĩa vụ quân sự và thường trong quá trình học nhiều người sẽ nghỉ khoảng 1~2 năm để đi làm trang trải chi phí sinh hoạt hoặc đi du lịch, du học ở những nơi khác). Những nhân viên mới trong công ty dù giỏi hay không thì tiếng nói của họ không có trọng lượng. Họ phải làm theo chỉ thị của cấp trên dù có những ý kiến trái ngược hay muốn góp ý gì đi nữa. Đó cũng là một trong những lý do họ từ bỏ việc đưa ra ý kiến ngay từ trong tâm tưởng khiến mình trở thành một con người thụ động.

Không giống như Việt Nam người giỏi làm “được việc” thì lời nói sẽ có trọng lượng và nhận được sự tôn trọng thì ngược lại ở Hàn Quốc tuổi tác hay cấp bậc càng cao mới càng có tiếng nói hơn trong công việc. Do vậy với những người mới vào công ty chưa được bao lâu hoặc cấp bậc thấp phải luôn để ý từng lời ăn tiếng nói của mình, duy trì tác phong đúng mực trong giao tiếp chẳng hạn như cúi người khi nói chuyện với cấp trên. Đồng thời trong môi trường mà quyền hành nằm trong tay những “anh lớn” thì cũng ngầm tồn tại những nhóm kín – nơi không chỉ tập hợp những người cùng chung mục đích chí hướng phát triển mà còn là công cụ để cô lập những ai khác biệt hoặc có ý đối địch với họ. Chính vì thế nhân viên công ty ở Hàn Quốc không những phải giải quyết công việc một cách nhanh chóng đạt kết quả tốt mà họ còn phải ngầm hiểu vị trí của mình ở đâu để cư xử thích hợp không bị tẩy chay ở một môi trường đầy cạnh tranh khốc liệt.

6. Liên hoan sau giờ làm

Nếu làm việc trong một công ty Hàn Quốc bạn sẽ được thường xuyên trải nghiệm những buổi liên hoan (회식) sau những giờ làm việc căng thẳng. Ngoài những buổi liên hoan chào mừng người mới, chia tay người cũ thì cũng có những buổi đơn thuần chỉ là bữa ăn cùng mọi người trong một bộ phận nhưng cũng sẽ không có ai đủ dũng cảm để từ chối với bất kỳ lý do gì. Chưa kể dù bạn có uống được rượu hay không nhưng đã có mặt là phải uống dù ít dù nhiều. Đồng thời cũng sẽ có những điều phải chú ý khi tham gia những bữa tiệc rượu như thế này ví dụ như khi rót rượu cho người lớn tuổi hơn phải rót bằng hai tay, khi uống thì phải quay đầu sang phải..v..v.. , còn nếu không biết rõ những quy tắc cơ bản trên bàn rượu thì trước khi tham gia các bạn hãy hỏi lại cho kỹ nhé, vì chẳng phải tự nhiên mà người Hàn có câu “술은 어른들에게 배운다” – Rượu thì phải học từ người lớn.
Vì sao liên hoan và nhậu nhẹt sau giờ làm việc trở thành 'nỗi ám ảnh kinh  hoàng' của dân công sở Hàn Quốc? | Phụ Nữ & Gia Đình

Giống như người Việt Nam có câu “mọi việc đều có thể giải quyết trên bàn rượu” thì ở Hàn Quốc cũng tương tự vậy. Có tửu lượng tốt cũng như biết cách tiếp đãi các sếp sẽ tạo điều kiện cho bạn được nâng đỡ nhiều hơn trong công việc đồng thời mở ra con đường thăng tiến sau này

7. Tinh ý chính là miếng cơm chốn công sở

Dù ở Việt Nam hay Hàn Quốc thì những người biết đối nhân xử thế một cách tinh tế đều là những người khôn ngoan và dễ dàng thăng tiến hơn trong công việc. Không chỉ tuân theo những quy tắc cơ bản một cách cứng nhắc mà còn phải biết nhìn trước ngó sau thì sẽ ghi được điểm trong mắt đồng nghiệp cũng như cấp trên của mình. Dễ dàng có thể thấy rất ít cấp dưới về trước cấp trên dù đã quá giờ tan làm hay chẳng còn việc gì nữa bởi không ai muốn bị đánh giá là thiếu tôn trọng trong mắt của cấp trên cả. Trong một buổi liên hoan sau khi đã ăn uống no say cấp trên muốn đi tăng hai thì cho dù bạn có muốn hay không thì cũng không thể từ chối và thường những nhân viên mới trẻ tuổi sẽ là những người phải khuấy động không khí kết nối mọi người lại gần nhau bằng việc hát hò, nhảy múa hay mời rượu. Hoặc như khi muốn viết đơn xin nghỉ phép bạn cũng phải xem xét tình hình công việc ở công ty chứ không phải cứ có việc riêng là được xin nghỉ. Theo luật lao động nhân viên ở các công ty Hàn Quốc một năm có tổng là 15 ngày phép nhưng chính vì lí do trên nên rất ít người có thể sử dụng hết số ngày phép của mình, thậm chí cho dù có vào ngày nghỉ thì khi công việc còn tồn đọng hay phát sinh vấn đề mới họ vẫn phải đến công ty để giải quyết cho xong.

Trong văn hóa công sở của người Hàn năng lực giỏi thôi chưa đủ mà để tồn tại được lâu dài thì thái độ và phẩm chất là hai thứ cũng quan trọng không kém, chưa kể bạn còn phải giỏi chịu đựng những yêu cầu “quái gở” hay lời lẽ nặng nề từ cấp trên của mình. Nhưng một khi đã luyện được cho mình một tinh thần thép thì bất kể có đối mặt với những đòi hỏi khắt khe ra sao cũng không thành vấn đề khó khăn đối với bạn nữa.

Trên đây tuy là những quy tắc cơ bản trong văn hóa công sở của người Hàn Quốc nhưng khi bước vào một môi trường mới, năng động và khá “thoải mái” như ở Việt Nam thì những công ty Hàn Quốc bắt buộc phải thay đổi cho hòa hợp với môi trường làm việc ở đây. Họ không còn quá khắt khe chuyện giờ giấc vì đối với người Việt việc đúng giờ thực sự là thói quen khó xây dựng cũng như duy trì chỉ trong một sớm một chiều. Hay dần dần họ biết chấp nhận những ý kiến trái chiều, thừa nhận năng lực cũng như tiếng nói của những người trẻ tuổi tài cao và kết quả không còn là đích đến cuối cùng trong mọi công việc. Cũng như khi chúng ta làm việc trong môi trường có người nước ngoài như Hàn Quốc thì việc được học hỏi thêm tinh thần trách nhiệm cao hay tác phong làm việc chuyên nghiệp của họ sẽ không chỉ tác động tích cực đến riêng cá nhân chúng ta mà còn làm thay đổi tương lai của cả một đất nước. Việc thay đổi để hòa hợp, học hỏi những điều tốt trong mỗi một môi trường khác nhau là điều cần để cùng nhau phát triển tốt lên.

________________
Mời các bạn tham khảo ngay Khóa học cho người mới bắt đầu:
https://kanata.edu.vn/khoa-dao-tao-tieng-han-pho-thong/
https://kanata.edu.vn/he-dao-tao-bien-phien-dich-tieng-han-quoc-chinh-quy/
________________
Mọi chi tiết vui lòng liên hệ TƯ VẤN
WEB: https://kanata.edu.vn
FACEBOOK: https://www.facebook.com/kanataviethan/
Cơ sở: 
Trụ sở chính: 384/19 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 8, Quận 3. 028.3932 0868/ 3932 0869, 0931 145 823
Cơ sở 1: 72 Trương Công Định, P.14, Quận Tân Bình , 028.3949 1403 / 0931145 823
Cơ sở 2: Số 18 Nội khu Mỹ Toàn 2, khu phố Mỹ Toàn 2, H4-1, Phường Tân Phong, Quận 7, 028.6685 5980
Cơ sở 3: 856/5 Quang Trung, F8, Gò Vấp (Ngay cổng sau Trường THPT Nguyễn Công Trứ, hẻm đối diện công ty Mercedes) 028.3895 9102

0 0 bình chọn
Xếp hạng bài viết
Đăng ký
Thông báo của
guest
Nhập họ tên (bắt buộc)
Email của bạn (bắt buộc)

0 Bình luận
Phản hồi trong dòng
Xem tất cả bình luận
0
Click vào đây để bình luận hoặc gửi yêu cầu bạn nhé!x