13 ĐẶC TÍNH VĂN HÓA CỦA DOANH NGHIỆP HÀN QUỐC
Hơn 4000 doanh nghiệp Hàn quốc đang đầu tư tại Việt Nam, có khoảng 800 ngàn lao động Việt Nam đang làm việc tại công ty Hàn Quốc. Tôi xin chia sẻ một số đặc tính truyền thống và cả đặc tính riêng khi đầu tư vào Việt Nam của các công ty Hàn Quốc, giúp các bạn có thông tin, thích ứng tốt hơn khi làm việc tại công ty Hàn quốc.
- Văn hóa CHỦ KINH DOANH LÀ CHỦ SỞ HỮU: Doanh nghiệp Hàn Quốc (nói chung châu Á đều thế) chủ sở hữu thường là người trực tiếp vận hành doanh nghiệp. Vị trí cao nhất, quan trọng nhất không bao giờ trao cho người ngoài: Cha làm chủ tịch, con làm phó, em làm phó vv. Điều này khiến cho việc quyết định nhanh, nhưng nhiều khi là độc đoán, chuyên quyền, cảm tính, không tận dụng được nguồn lực từ bên ngoài.
- Văn hóa chữ DUYÊN: Các doanh nghiệp Hàn quốc thường xây dựng bộ máy nhân sự, hợp tác dựa theo các mối quan hệ nhân duyên: duyên cùng học, duyên huyết thống, duyên cùng quê. Mặc dù rất nhiều tập đoàn Hàn Quốc đã mở rộng chính sách nhân sự bằng việc chiêu dụng nhân tài từ bên ngoài nhưng đều ít thành công, những người không thuộc hệ thống này không thể hòa nhập tốt vào tổ chức mới. Muốn xin việc vào công ty Hàn Quốc nên có người giới thiệu thì hiệu quả hơn.
- Văn hóa TRUNG ƯƠNG TẬP QUYỀN: Việc điều hành tại công ty Hàn quốc nhiều khi được quyết định dựa vào ít ỏi một số cá nhân, điều này khiến cho doanh nghiệp thiếu tính chủ động cần thiết. Nhân viên người Hàn không thực hiện việc mới cho đến khi có mệnh lệnh. Họ thích tuân thủ cái cũ hơn tìm tòi cái mới. Muốn làm ăn, kinh doanh, xin việc, góp ý kiến vv.. nên gặp trực tiếp người có quyền quyết định. Gặp các cá nhân cấp dưới khác không có ý nghĩa gì.
- Văn hóa MÔ XI TÀ (văn hóa phục vụ): Cấp trên bao bọc che chở, la mắng, sai khiến cấp dưới và cấp dưới có nghĩa vụ phục tùng, tuân thủ cấp trên. Đây là mô hình vận hành theo cơ chế quản lý con người theo chiều dọc của quân đội: Thượng mệnh hạ phục, kỷ luật kỷ cương nghiêm ngặt, lễ nghĩa, lễ phép. Lao động người Hàn rất sợ cấp trên khiển trách. Nhiều khi điều này khiến cho người ngoài nhìn vào thấy người Hàn quốc hành xử thiếu nhân văn theo kiểu thượng đội hạ đạp.
- Văn hóa ĐỂ Ý 눈치보다: Người Hàn quốc luôn than phiền vì việc phải để ý xem cấp trên có nhận xét, đánh giá về bản thân mình hay không. Họ luôn sợ, e ngại cái nhìn, nhắc nhở của cấp trên, đồng nghiệp, môi trường xung quanh từ những điều nhỏ nhất: Cấp trên chưa về thì không được về, không ăn mặc nổi hơn cấp trên, không làm gì nổi bật vv..
- Văn hóa NHÂN HÒA 인화 : Nội tâm, người Hàn Quốc dù rất bức xúc, nhưng họ có chữ NHẪN rất lớn vì tập thể từ đó giữ hòa mục trong công ty. Kẻ gây bất hòa trong công ty sẽ là kẻ bị trừng trị đầu tiên. Đừng bao giờ gây bất hòa tại công ty Hàn Quốc và nếu có đừng thể hiện ra ngoài.
- Văn hóa TẬP THỂ 단체생활 : Tính chất chữ CÔNG được đề cao hơn tính TƯ: cá nhân phải hy sinh cái tôi để hòa mình vào sinh hoạt tập thể: Sinh nhật ai đó phải tham gia đầy đủ, nếu công ty có việc thì phải làm dù đã xin phép nghỉ phép .. Thuyết phục doanh nghiệp Hàn quốc sửa đổi, tăng lương vv.. mãi không được, nhưng chỉ cần nói rằng công ty bên cạnh đã làm thì họ sẽ làm theo.
- Văn hóa NHIỆT HUYẾT 열정 : Nếu thời gian qui định là 8 tiếng, thì đừng hy vọng rằng 8 tiếng sẽ được ra về. Cần cù, nhiệt huyết với công việc được coi là đức tính quan trọng nhất của lao động Hàn Quốc. Mặc dù đã là nước tiếp cận khối các nước tiên tiến nhưng thời gian làm việc, nhiệt huyết và khối lượng công việc của người Hàn Quốc vẫn luôn ở top đầu thế giới: Không cần cù chịu khó không nên vào công ty Hàn quốc làm.
- Văn hóa BALI BALI (빨리- nhanh nhanh): Tốc độ xử lý công việc của người Hàn là nhanh khủng khiếp, nhưng nếu không cần thiết hoặc không phải vì lãnh đạo giao phó lại rất chây ì.
- Văn hóa ĐƠN NHẤT (단일) : chú trọng tính đồng nhất và loại bỏ các yếu tố ngoại lai. Sản phẩm của doanh nghiệp Hàn quốc vận hành theo một chuỗi giá trị hoàn chỉnh. Các doanh nghiệp bên ngoài không dễ dàng tham gia vào hệ thống cung ứng, sản xuất của người Hàn. Đầu tư Hàn Quốc hiện nay có thể nói chỉ giải quyết tốt nhất vấn đề việc làm, thất nghiệp, chuyển giao kỹ thuật là điều xa xỉ.
- Văn hóa TRUNG THỰC (출실정직): trung thực với tư cách người lao động, trung thực trong ứng xử: họ ghét nói dối, biện minh. Tiêu cực ở doanh nghiệp Hàn quốc là điều vô cùng bị căm thù: Tôi đã thấy tại cổng một doanh nghiệp nọ, có cái bảng ghi tên 10 doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam có tiêu cực trong quá trình làm việc với công ty.
- Văn hóa BẦY ĐÀN (군중심리): Các doanh nghiệp Hàn Quốc thay tập trung đầu tư kinh doanh thành nhóm với nhau. Sử dụng dịch vụ của nhau. Khu công nghiệp Minh Hưng ở Bình PHước rất xa nhưng rất nhiều công ty Hàn Quốc vẫn rủ nhau về đây đầu tư do đây là khu công nghiệp của Hàn quốc đầu tư, xung quanh toàn là doanh nghiệp Hàn Quốc.
- Văn hóa CHAE BOL ( 재벌tài phiệt) đứng đầu ; các tập đoàn của Hàn quốc được chính phủ nuôi dưỡng trở thành đầu tàu của nền kinh tế. Vì vậy họ được ưu đãi đặc biệt và sự gắn kết giữa các chính khách và doanh nghiệp cũng rất mật thiết. Chủ tịch một tập đoàn có uy lực, quyền lực còn hơn cả các chính khách, nguyên thủ quốc gia. Không dễ dàng can thiệp vào nội bộ của một doanh nghiệp Hàn Quốc. Samsung được mệnh danh là doanh nghiệp không có công đoàn, nhưng rất khó can thiệp vào hoạt động của tập đoàn này. Một tập đoàn đứng đầu và kéo theo cả trăm doanh nghiệp thầu phụ (Samsung Bắc Ninh là điển hình). Có sự khác biệt rất lớn giữa văn hóa TẬP ĐOÀN và doanh nghiệp vừa và nhỏ: Muốn học hệ thống thì nên chọn các doanh nghiệp lớn để làm, nhưng bạn lại chỉ là một mắt xích. Còn nếu muốn học hỏi tất cả thì nên chọn doanh nghiệp vừa và nhỏ để làm.
Mục tiêu bài viết chỉ hướng vào chữ hiểu, không có tính phê phán, chê bai vì văn hóa thì không có sang hèn, không có đúng sai, chỉ có phù hợp hay không mà thôi. Vì vậy đánh giá, nhận xét về văn hóa cũng chỉ mang tính tương đối, chủ quan.
Vào công ty nào đó, muốn hiểu doanh nghiêp đó thế nào nên đọc cái 사훈(xã huấn- lời dạy trong doanh nghiệp), sẽ hiểu ngay đặc tính văn hóa của nó là gì.
Văn hóa truyền thống của doanh nghiệp Hàn Quốc có khác nhiều với văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam, cái này sẽ chia sẻ khi có thời gian.
Nguồn: Thầy Hiệu Trưởng Lê Huy Khoa
Dạ em chào mọi người ạ.
Mọi người cho em hỏi phần “7. văn hoá tập thể”, có thật là người Hàn Quốc khi thuyết phục doanh nghiệp tăng lương thì chỉ cần nói công ty bên cạnh đã làm thì họ sẽ làm theo không ạ? Em cần một vài dẫn chứng cụ thể để làm cho bài luận của mình ạ.
Mong mọi người giải mắc tháp đáp giùm em. Em xin cảm ơn ạ.