Bạn sinh ra trong một giàu có? Nhưng rồi tiếp thì sao? Bạn có phát huy được những yếu đố đó để trở thành một bước phát triển hơn nữa trong tương lai? Gia đình giàu có họ dạy con điều gì?
Không ai giàu ba họ ư? Với tập đoàn Samsung thì họ đã giàu sang đời thứ 4 và rất nhiều gia tộc, đất nước vẫn tiếp tục giàu có cả trăm năm nay. Nhưng vấn đề là họ dạy con thế nào để giữ được 3 đờㅑ.
Mình chỉ mong nước ta có 1 tập đoàn như Samsung, đất nước mình sẽ sớm cường thịnh hơn rất nhiều.
Hãy đọc để hiểu thêm nhé.
—
Hồi ký của người sáng lập Samsung Lý Bỉnh Triết, Lê Huy KHoa lược dịch.
—
CHƯƠNG 2: TỪ THƯ ĐƯỜNG ĐẾN TRƯỜNG HỌC
Mẹ tôi họ Kwon, thuộc dòng dõi họ ở vùng Andong, là người phụ nữ đức độ điển hình, sống cả cuộc đời khiêm nhường ở phía sau chồng. Tính mẹ hiền lành và luôn giúp đỡ những người gặp cảnh khó khăn. Trong xóm nếu có nhà nào sinh con, chắc chắn mẹ sẽ gửi tặng canh rong biển cùng với gạo, nhà nào hết gạo, mẹ thường tặng gạo hoặc mỳ hạt cho họ.
“Các con phải luôn đồng cảm với những người nghèo. Vào mùa xuân, khi hoa đỗ quyên nở là lúc người ta đói ăn nhất, không được vô tâm với họ.” – Mẹ vẫn thường nhắc nhở chúng tôi như vậy.
Mùa hoa đỗ quyên nở cũng là mùa giáp hạt, người ta vẫn thường gọi là mùa ăn mỳ hạt. Thời ấy, cuộc sống ở nông thôn nghèo đến mức chỉ cần khi mùa đông đi qua, đến mùa đỗ quyên nở thì lương thực trong các nhà gần như cạn kiệt.
Ở sân goft An Yang, khu vực chuyển từ lỗ 10 sang lỗ 11, hoa đỗ quyên lại nở rộ cứ mỗi độ xuân về. Mỗi lần nhìn thấy những bông hoa nở rực ấy tôi lại nhớ đến mùa giáp hạt ở nông thôn ngày xưa. Hình bóng nhân từ của mẹ tôi lại hiện lên.
Mẹ tôi thường dậy sớm hơn mọi người và thường đi quan sát xung quanh nhà, khi đi qua phòng các con dâu, mẹ thường nhón chân đi nhẹ vì sợ con dâu mình tỉnh giấc. Sinh ra trong một gia đình sĩ phu nhưng mẹ tôi luôn rất nhân từ và hiền hậu.
Bên ngoại tôi nổi tiếng là sống thọ, các dì cũng thường sống đến hơn 90 tuổi, riêng mẹ tôi lại không kịp chào đón ngày giải phóng, bà mất ở tuổi 70 vào năm 1941, đúng thời chiến loạn. Thật là đáng thương tiếc.
Đó cũng là hình ảnh người mẹ thường thấy trong xã hội Hàn Quốc vốn coi nho giáo là qui phạm đạo đức. Đến hôm nay mẹ mất cũng đã được hơn 40 năm.
Vào lúc 5 tuổi, tôi bắt đầu đọc Hán văn tại Văn Sơn đỉnh – tên một thư đường do ông nội lập nên. Mẹ luôn dõi theo tôi mỗi buổi sáng khi tôi cắp cặp mở cổng đi học cùng các anh. Hình như mẹ mong đợi ở tôi – đứa con mẹ sinh ra ở tuổi 36 – rất nhiều thì phải.
Thời nhỏ, chưa bao giờ tôi được mọi người khen là xuất chúng cả. Nhưng người ta có nói rằng tôi là đứa đặc biệt không bao giờ muốn thua người khác.
Việc học Hán văn bắt đầu từ bảng Thiên tự văn. Bảng chữ ấy vốn dĩ người ta chỉ học 2- 3 tháng nhưng tôi mất hơn 1 năm. Nhưng dẫu sao 5 năm học ở thư đường cũng giúp tôi rất nhiều trong việc đọc được các quyển sách như Thông giám, luận ngữ. Nhưng dường như việc học của tôi không được suôn sẻ, thỉnh thoảng tôi lại nghe thầy giáo làng nói rằng “Con cháu nhà tiên sinh Văn sơn mà thế này đây sao?”
Một ngày tôi nghe lỏm được câu chuyện giữa cha tôi và người bạn.
“Vì quân Nhật mà giá lương thực đang lên cao lắm.”
“Ở chỗ này chỗ kia người ta đang kêu gọi độc lập đấy.”
Tôi chẳng hiểu những lời nói đó có ý nghĩa sâu sắc gì, nhưng có vẻ như có điều gì ẩn chứa trong những lời đối thoại ấy và đến bây giờ nó vẫn còn văng vẳng bên tai tôi.
Ngày 3 tháng 1, ngọn lửa độc lập nổi lên. Tôi khi đó chỉ mới 9 tuổi nhưng trong lòng có thể lờ mờ cảm nhận được sự chuyển biến của lịch sử.
Do phong trào yêu cầu độc lập ngày 3/1, Nhật Bản đã chấp thuận một chính sách văn hóa của Thống đốc Saito Makoto đề ra trên nền chính trị quân sự bạo lực – mặc dù nó cũng chỉ là hình thức.
Hai năm sau, lúc ấy tôi 11 tuổi. Sau nhiều lần bàn luận, gia đình quyết định cho tôi sang học trường học kiểu mới. Đó là một trường phổ thông kiểu Nhật học bằng tiếng Nhật. Khi đề xuất này được đưa ra bàn bạc trong họ hàng thân thích, có người tán thành, có người phản đối nhưng ý kiến tán thành vẫn nhiều hơn.
Thế là tôi tạm biệt các bạn ở thư đường, nhập học vào lớp ba trường phổ thông Jisoo tại Jinju, nơi gia đình chồng chị thứ hai của tôi đang ở. Vừa về đến nhà chị, ngay ngày hôm sau tôi đã phải đến tiệm cắt tóc, cắt phăng mái tóc mẹ vẫn chải cho tôi hằng ngày.
“Thân thể là được thừa hưởng từ bố mẹ, không hủy hoại nó chính là đức hiếu thảo.”
Những ngày tôi được dạy như thế ở thư đường đã 60 năm trôi qua, giờ đã trở thành chuyện xưa cũ. Ngày tôi nhập học trường mới cũng là ngày khai sáng của một cậu bé lên 11 rời quê hương đi học.
Những ngày học ở trường Jisoo là những ngày mới mẻ và thú vị. Vào dịp nghỉ hè, tôi về thăm quê và gặp lại những người bạn cùng học ở thư đường ngày xưa, tuy còn nhỏ nhưng tôi đã cảm nhận được việc mình được đi học ở nơi phồn hoa đô thị là may mắn biết chừng nào.
Khổng Tử có nói là lên núi Đông thấy nước Lỗ nhỏ, lên núi Thái Sơn rồi mới thấy thiên hạ là nhỏ thật. Chỉ mấy tháng ngắn ngủi sống ở Jinju nhưng điều đó cũng đã khiến tôi cảm nhận được ấp Junggyo nơi tôi sinh ra và lớn lên vừa nhỏ, vừa bí bách đến dường nào.
Bây giờ nghĩ lại, dường như đó là cơ hội đầu tiên để tôi nhận thức mọi thứ một cách khách quan, tuy chỉ là những nhận thức ban đầu về gia đình và môi trường xung quanh.
Những ngày đó anh Jae Jong cũng từ Seoul về quê chơi. Anh ấy kể nhiều câu chuyện về Seoul. Anh khoe những con đường lớn và đông người, những tòa nhà cao tầng, hàng hóa phong phú, nhiều trường học tốt và những hình ảnh ấy đã làm trái tim chàng thiếu niên trong tôi rất háo hức.
“Thật tuyệt, mình sẽ lên Seoul học!”
Tôi quyết tâm như vậy, dù biết sẽ bị phản đối nhưng tôi vẫn nói ý kiến của mình với cha mẹ. Cha tôi có vẻ không hài lòng lắm nhưng mẹ lại ủng hộ tôi. Nhưng rồi cuối cùng cha cũng vui vẻ đồng ý và cho phép tôi khăn gói lên kinh đô học tập. Do gia đình ngoại ở Seoul nên tôi cũng được giúp đỡ phần nào.
Ngày tôi lên kinh đô học tập, bà nội tôi, khi ấy đã 90 tuổi, đưa tôi chiếc áo bông và nắm lấy tay tôi, rơi nước mắt nở nụ cười tiễn biệt. Cha tiễn tôi ra ga Haman, trong lúc chờ tàu đến ông dặn tôi đủ mọi thứ ở Seoul, về những gì tôi cần cẩn trọng. Mẹ tôi ban đầu đồng ý cho tôi lên kinh đô học tập nhưng bây giờ lại có vẻ lo lắng.
Cảnh rời quê lên Seoul vào ban đêm đã 60 năm trôi qua, nhưng tôi không thể nào quên được hình ảnh bà nội cha và mẹ đã tiễn tôi năm đó.
Lên Seoul, nơi tôi sống đầu tiên chính là quê ngoại, ở phường Gahoe, nơi những khu nhà đến giờ vẫn còn nguyên như vậy. Tôi vào học cấp ba ở trường Susong, cách đó không xa. Tôi vẫn nhớ thời ấy giáo viên chủ nhiệm tôi tên là Lee Ho Sung.
Đây là ngôi trường Tổng đốc phủ Triều Tiên lập ra làm trường tiểu học thử nghiệm, có ký túc xá xây bằng gạch đỏ rất ấn tượng. Tôi đi học ngày đầu tiên trong tâm trạng rất hồ hởi nhưng lại vấp phải một trở ngại không đâu vào đâu.
Đó là dù trò chuyện với bạn bè khá nhiều nhưng tôi lại chẳng hiểu được họ. Họ nói gì tôi cũng cố gắng để hiểu nhưng những gì tôi nói họ lại chẳng hiểu. Lý do là vì giọng nói khác nhau quá. Nhưng nhìn chung những bạn học với tôi khá thân thiện.
Do vừa mới chuyển vào trường nên chẳng có lý do gì mà thành tích học tập của tôi lại tốt cả. Môn toán tôi rất tự tin vì luôn đứng trong nhóm dẫn đầu, nhưng tiếng Triều Tiên và tiếng Nhật tôi chỉ đạt hạng 60,70/100. Các môn nhạc họa may lắm thì không rớt. Tôi xếp hạng đứng thứ 35,40 trong tổng số 50.
Mặc dù thành tích không tốt nhưng tôi vẫn muốn nhanh chóng được kết thúc chương trình phổ thông. Vì vậy, vào kỳ nghỉ hè năm học thứ tư, tôi nói với cha rằng bây giờ ở trường phổ thông chẳng còn mấy kiến thức để học nữa, con muốn chuyển đến trường trung học có khóa học nhanh, có thể kết thúc chương trình phổ thông trong ngắn hạn. Được cha tôi đồng ý, tôi chuyển đến trường Trung học Chung Dong.
“Dục tốc bất đạt”
Đấy là câu dạy dỗ mà cha tôi vẫn thường giải thích và dạy cho tôi những bài học về xử thế.
“Đừng nên nóng vội, quá sức khiến việc xử lý mọi chuyện đều không thành.”
Tôi chuyển trường đến mấy lần, không biết việc ấy đã khiến hình ảnh của tôi trong mắt phụ thân ra sao, nhưng tôi đã không có cơ hội để hỏi ông về điều đó, tôi cũng nhiều khi băn khoăn tự hỏi không biết kết quả học tập của mình như vậy là có ổn hay không.
Nhưng nói gì thì nói, sau khi vào học ở trường Ji Soo, cha tôi không bao giờ ép tôi học nữa. Tuy nhiên ông luôn nhấn mạnh lời dạy trên hết trong những bài học xử thế rằng “Gian dối và lừa lọc là đại hoạn của cá nhân, của xã hội và của cả quốc gia.”
Cha tôi là người rất đĩnh đạc và nghiêm khắc, nhưng ông cũng rất nhân từ với con cái, chưa bao giờ tôi thấy ông to tiếng trách mắng các con mình. Cha tôi luôn tuân thủ triệt để những lời dạy của Khổng Mạnh, kiến thức về thế giới học của ông cũng rất sâu sắc. Ông sùng bái Tam cương ngũ luận, đặc biệt chú ý giữ chữ tín trong đạo đức sinh hoạt là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, luôn dặn người xung quanh rằng dù mình có thiệt hại đi chăng nữa cũng phải giữ lấy chữ tín.
Nghĩ lại, từ khi thành lập Samsung đến nay, tôi luôn giữ chữ tín như chính sinh mạng mình, có lẽ điều đó xuất phát từ những lời phụ thân tôi truyền lại. Khi Samsung huy động nguồn vốn nước ngoài, chỉ cần uy tín riêng của Samsung cũng có thể ký được hợp đồng , và không cần thế chấp hay bảo lãnh gì vẫn có thể vay được vốn, tôi luôn cảm thấy điều đó thực sự có ích và trong đó hàm chứa ý nguyện của phụ thân để lại.
Cha tôi mất ngày 25/11/1957, thọ 84 tuổi, việc ông sống thọ như vậy là tất cả là vì biết tiết chế trong tất cả mọi thứ. Bản thân tôi sau khi phẫu thuật ung thư dạ dày vào tháng 9 năm 1976, tôi đã bỏ thuốc lá , vốn là thứ mình yêu thích và nhờ thế mà cho đến hôm nay, tôi vẫn sống khỏe mạnh. Được như vậy không thể không liên quan đến tinh thần tiết chế bị ảnh hưởng từ cha tôi.
Sau này, tôi có thành lập Quỹ văn hóa Samsung, trao thưởng cho những người hiếu hạnh, quan tâm đến văn hóa đạo đức, một phần cũng vì tôi mong muốn mọi thành viên trong gia đình phải giữ gìn lấy chữ hiếu, thứ cơ bản nhất trong thời buổi xã hội đang kêu gào “đạo đức đã xuống cấp trầm trọng”.