PHẦN 8. CHỦ TỊCH LEE CŨNG CÓ GIA ĐÌNH SAO?
Nếu con cái biết Cha mẹ bây giờ đang ở đâu và làm gì thì gia đình đó cũng không cần phải tốn nhiều công sức dạy dỗ con cái gì cả. Làm gì có Cha mẹ nào muốn cho con thấy hình ảnh mình đi nhậu hay đi hoặc đi chơi bời. Dù ngày chủ nhật tôi không hay ở nhà cùng các con tôi, nhưng chúng không bao giờ kêu ca gì cả, vì chúng biết rõ bố chúng đang làm việc.
Phần 1. Hoa khôi ở nghĩa trang
“Chủ tịch Lee, ông không đùa đấy chứ? Tôi không thể tin là ông lại trưởng thành một cách nghèo khó đến thế, tôi cứ tưởng ông con nhà giàu quí phái chứ.”
Ông Jung sau khi xem bài báo viết về cá nhân của tôi trên một tờ nguyệt san đã quá ngạc nhiên và thốt lên như vậy. Tôi chưa bao giờ nói với ai về chuyện riêng của mình, dù ở nơi đông người hay chốn riêng tư. Kể cả ông Jung, người chủ doanh nghiệp luôn cùng tôi chia sẻ những khó khăn hay vui vẻ.
Tuy nhiên, đó không phải là quá khứ cần che giấu hay xấu hổ đế mức không làm cho nó sáng tỏ một cách đường hoàng. Tất cả chỉ vì tôi quá tập trung vào công việc, ngoài công việc tôi không nói hay làm việc gì khác, có lẽ do tôi cũng đã hoàn toàn thay đổi tính cách hướng nội của mình thời còn là sinh viên có lẽ người ta đã không tìm ra dấu vết của sự nghèo khó nơi tôi.
Cái nghèo vẫn theo đuổi tôi thời gian dài khi tôi đã vào làm việc ở Huyndai.
Tôi không đủ tiền để mua một gian nhà, thì đương nhiên chuyện hôn nhân là chuyện xa xôi và khó khăn. Tôi luôn nhớ lời dặn của mẹ “Nếu mình không có khả năng mời cơm ai, thì đừng nhận lời mời cơm của người khác” nên thời sinh viên tôi chẳng có cơ hội để vui vẻ hoặc chơi với bạn bè. Khi vào công ty cũng thế. Bạn cùng giới cũng chẳng có bao nhiêu, bạn khác giới lại càng không có.
Nhờ vào việc thăng tiến cao tốc, năm 28 tuổi, tôi lên đến chức Phó giám đốc và từ đó cũng có nhiều nơi bắt đầu ngỏ lời mai mối. Một số ông bà mối nổi tiếng đưa tôi vào danh sách chú rể tương lai có giá trị cao và không ngừng thông báo cho tôi thông tin của các cô gái, trong số đó có con gái nhà giàu, cũng có tiểu thư con nhà chính trị hoặc quan chức cao cấp, thậm chí có cả nhiều cô nàng diễn viên rất xinh đẹp.
Nhưng ngược lại, tôi nghĩ mình tài không giỏi đến mức như người ta vẫn nghĩ, vì vậy những cô gái nhiều tiền, có điều kiện ấy lại khiến cho tôi cảm thấy áp lực.
Bỗng một ngày, một người phụ nữ trẻ khoảng trên dưới đôi mươi điện thoại đến. Cô ta điện thoại rồi cứ hỏi đi hỏi lại “Anh có phải là Lee Myung Bak không?”. Tôi trả lời là đúng thì cô ấy bắt đầu mếu máo “Tôi vừa bị một người giả danh là Lee Myung Bak lừa nên tôi muốn gặp anh để xác nhận sự thực”. Nghe nói có Lee Myung Bak giả lừa đảo tôi cũng khá bàng hoàng. Tôi xuống quán cà phê và gặp cô ấy. Một cô gái xinh đẹp.
“Trước đây, tôi có gặp một người tự xưng là Lee Myung Bak của công ty xây dựng Huyndai. Tôi hy sinh tất cả vì anh ấy, khi anh ta nói là cần tiền gấp, tôi còn mượn cả tiền của Cha mẹ cho anh ta. Anh có thật là Phó giám đốc Lee Myung Bak của công ty Huyndai không đấy?”
“ Tôi rất tiếc, nhưng tôi đúng là Lee Myung Bak mà”
“Vậy anh không biết anh ta thật sao?”
Có đời nào cái thằng giả danh lại đi gặp cái người thật xin phép rồi mới hành nghề đâu, làm sao tôi biết tên lừa đảo đó được.
“Tôi cũng muốn gặp anh ta thử xem sao, mà tôi giống anh ta ở điểm nào?”
Người phụ nữ thoáng nhìn mặt tôi, rồi khóc mà không trả lời. Thật là tội nghiệp.
Rồi một ngày, cơ hội cũng đến với tôi. Một thầy giáo tiếng Anh vốn rất quí tôi từ thời còn học cấp ba Dongjio Pohang giới thiệu em gái của bạn mình cho tôi. Tuy cô không phải là con nhà giàu nhưng tôi cảm thấy có cảm tình với cô ấy vì bố cô lại là một viên chức nổi tiếng thanh liêm. Năm 1970, khi chúng tôi gặp nhau, cô ấy đã tốt nghiệp đại học nữ Ehwa. Sau này tôi mới biết thời đi học cô là cô gái đẹp nổi tiếng từng được bầu làm hoa khôi của trường. Nhưng trong mắt tôi, so với vẻ đẹp bên ngoài, cô ấy là người phụ nữ có trái tim rất nhân hậu.
Tôi bận bịu công việc nên cả hai gần như chẳng hẹn hò yêu đương gì được. Chẳng bao giờ tôi hứa mà đến đúng giờ. Đã rất nhiều lần tôi thất lễ với cô kiểu phải điện thoại đến quán cà phê đã hẹn, nói cô ấy sang quán cơm, rồi lại nói là tôi không đến được hãy đi ăn cơm một mình. Nhiều hôm cô chờ quá muộn tôi không đến được lại đành nói tài xế đến đưa cô ấy về nhà.
Khi tôi có suy nghĩ “Đây là người phụ nữ của mình”, tôi đề nghị cô cùng đi đến mộ mẹ tôi ở khu nghĩa trang Tuekiewon. Xong việc ở công ty trời đã nhá nhem tối, đến nơi thì đã tối mịt. Chúng tôi hẹn hò với nhau chẳng được nhiều. Tôi lo rằng không biết cô ấy tin gì ở cái thằng đàn ông như tôi, hẹn hò thì không thường xuyên, ngày đám hỏi thì cũng chưa định vì công trình đường cao tốc Busan- Seoul và đủ thứ khác lại đêm tối thế này lại theo tôi đến tận khu nghĩa trang. Tuy vậy vẫn thật may, vì cô nhận lời đi cùng tôi.
Trước mộ mẹ, tôi cúi đầu.
“Mẹ, mẹ có lạnh không? Con Myung Bak đến thăm mẹ này. Con rất xin lỗi vì không đến đây với mẹ thường xuyên được. Bố và các anh đều khỏe cả, con còn mua được cả nhà rồi, mẹ ạ. Con vừa đi Thái Lan về và bây giờ làm ở nhà máy thiết bị nặng. Với lại mẹ à, con đưa con dâu út tương lai của mẹ đến đây. Mẹ thấy thế nào? Nếu con không từng đi tù thì chắc bây giờ cô ấy đã phụng dưỡng mẹ lâu rồi…”
Tôi quì trước mộ mẹ mình, khóc thầm và cầu nguyện. Không biết cô ấy có thấy khóc hay không vì trời quá tối. Tôi đã quì rất lâu trước một mẹ.
Từ ngôi mộ mẹ đi xuống con đường đêm, tôi cảm thấy ấm áp như vừa trong lòng mẹ bước ra. Cái ấm áp ấy đã đổi thành quyết tâm phải làm cho gái này hạnh phúc, phải sống thật tốt và không làm uổng phí lời mẹ dặn. Tôi cũng rất biết ơn cô ấy vì đã theo tôi mà không có bất cứ nghi ngại gì.
Sau khi đã chào mẹ tại khu nghĩa trang đêm ấy nhưng vợ tôi vẫn còn khó hình dung về “người mẹ chưa được gặp lần nào”. Sau khi kết hôn, cô ấy lại rất giống mẹ tôi ở chỗ là một tín đồ sùng đạo Cơ đốc.
Phần 2. Lee Myung Bak sống với vợ hai
“Này, cậu có bị gì không đấy, sao lại lấy người xấu xí thế?”.
Sau khi đính hôn, lần thứ hai gặp mặt bạn bè, họ hỏi vợ tôi như thế. Sau đám hỏi, tôi lại chạy ngay về công ty vì công việc. Một cô gái xinh đẹp từng được bầu là hoa hậu trường lại lấy một thằng như tôi thì người ta có nói thế cũng phải thôi.
Mà tôi cũng có phải có điều kiện gì tốt đâu. Vợ tôi nói là tôi lừa cô ấy hai điều cho đến khi lúc trước kết hôn: gia đình tôi và học lực của tôi. Thứ nhất cô ấy nói là không ngờ tôi sinh ra ở một gia đình nghèo khó đến thế, thứ hai là không tưởng tượng nổi là tôi học bổ túc rồi mới vào đại học.
Khi tôi lấy vợ, Cha tôi chẳng giúp tôi được một chút tiền nào cả. Tôi tự gom tiền mừng đi tìm nhà, cũng không phải là thuê kiểu đặt cọc trọn gói mà trả hằng tháng. Đó là căn chung cư Seoul mới khoảng 50 mét vuông ở Mapo. Công ty thấy phó giám đốc lấy vợ nên trải cho tấm nệm. Trong căn nhà thực ra rộng không đến 30 mét vuông ấy, tôi chẳng chuẩn bị nổi cái gì cho cuộc sống tân hôn cả. Nguồn thu nhập duy nhất của chúng tôi tất cả chỉ là lương hàng tháng.
Cứ 6 tháng một lần chủ nhà lại tăng tiền thuê nhà, vì vậy nên chỉ trong 3 năm mà chúng tôi chuyển nhà đến 8 lần. Lần thứ 2 thì còn tháo hành lý ra, nhưng lần thứ 3 trở đi thì chỉ tháo những cái nào quan trọng. Lần thứ 7 trở đi thì chỉ đưa bát đĩa ra dùng. Thậm chí vì chuyển nhiều, tan sở tôi lại đi nhầm về nhà cũ.
Căn nhà đầu tiên của tôi mua được rộng 66 mét vuông cạnh chung cư viên chức Hankang do Công ty xây dựng nhà ở thi công. Khi đó, tôi vừa lên chức Phó giám đốc thứ 2 chưa được bao lâu. Thời đó giá chung cư đang tăng rất cao, thời ấy chưa có việc trả phụ trội. Là thời mà ai có nhu cầu thì đến quay số ở ngân hàng ai trúng thì lấy. Căn nhà trị giá 2,2 triệu won, trong đó tới 1 triệu won là tiền vay trả góp trong vòng 15 năm.
Vợ tôi là người đồng cam cộng khổ với tôi từ thuở tân hôn chuyển hết phòng trọ này đến phòng trọ khác, thế mà còn mang tiếng oan là vợ hai.
Đó là khoảng cuối những năm 70. Cả khu vực Kangnam có tin đồn “ Giám đốc Lee Myung Bak của công ty Huyndai ở với cô vợ hai còn trẻ lắm”. Tin này lan khắp công ty và đến tai tôi. Ban đầu, tôi cười và bỏ qua, nhưng tin đồn ngày càng nhiều, không bỏ qua được nữa, tôi bèn nói phòng tổng vụ tìm hiểu xem sao.
Đầu đuôi câu chuyện là thế này. Hồi ấy tôi sống ở chung cư Huyndai ở phường Apkujung do công ty cấp. Ban ngày tôi đi sớm, tối mịt mới về, lại hay đi công tác nước ngoài nên người dân xung quanh không ai biết mặt tôi mà chỉ biết mỗi vợ tôi. Họ cứ nghĩ tôi là giám đốc công ty xây dựng của một tập đoàn lớn thì chắc phải trên 50 tuổi. Vợ giám đốc như vậy thì có trẻ cũng khoảng 40. Thực tế, vợ tôi lại chỉ có 29 tuổi nên họ cảm thấy lạ.
Vợ tôi cũng hay dắt tay con gái nhỏ ra chợ. Ban đầu thì chỉ là “Cô ta là vợ giám đốc công ty xây dựng Huyndai đấy” “Vợ giám đốc gì mà trẻ thế” nhưng rồi lan thành tin đồn lung tung
Một người làm giám đốc ở lứa tuổi 30, và “quí bà” 29 tuổi, có lẽ trong con mắt của mọi người cũng đúng là trẻ thật.
Phần 3. Người phụ nữ trong phim
Đó là chuyện khi bộ phim “Thời đại của những tham vọng” chiếu trên Tivi lấy tôi làm nhân vật chính. Trong bộ phim đó, tôi sau khi lập gia đình vẫn còn qua lại với người phụ nữ mà tôi yêu thời đại học. Thế rồi khán giả thì cứ nghĩ phim và hiện thực là một.
Thỉnh thoảng có điện thoại đến chất vấn vợ tôi “Chồng cậu gặp người khác thế mà cậu không sao hả?”. Tôi cũng đã phản ứng rất gay gắt với tác giả viết kịch bản bộ phim. Nhưng vợ tôi lại chỉ cười cho qua chuyện rằng phim chỉ là phim thôi.
Một hôm thứ bảy, vì công việc mà tôi về muộn. Vừa bước vào nhà, thấy nét mặt vợ lạnh lùng.
“Anh đi đâu về thế?”
Tôi ngớ người, đi đâu về là thế nào.
Một lát sau hiểu ra, vợ chồng tôi mới ôm bụng vỗ tay mà cười. Thì ra tối hôm đó, trên truyền hình chiếu cảnh tôi vừa gặp người bạn gái cũ ở khách sạn và chia tay. Vừa về đến nhà thì cũng là lúc bộ phim vừa kết thúc được một lát, thế là vợ tôi hiểu nhầm.
Chắc giờ tôi phải kể cho các bạn nghe câu chuyện của cô gái trong phim.
Tôi gặp cô gái ấy ở nhà thờ sau khi tôi bị đuổi ở trại huấn luyện quân sự. Khi ấy tôi chẳng có lấy một đồng tiền để uống rượu makori nên mỗi lần hẹn hò tôi đều cảm thấy khó chịu. Cô ấy đương nhiên là người bỏ tiền mua vé xem phim hay mì đen. Sau này, tôi mới biết được cô ấy là con một viên chức cao cấp.
Cứ vào chủ nhật là cô ấy đến nhà tôi ở Iteawon để rủ tôi đi xem phim. Cô ấy đủ năng lực để đi taxi, nhưng sợ tổn thương lòng tự trọng của tôi nên thường đi lại bằng xe buýt và chỉ ăn mì đen.
Ở trường học, lần đầu tiên tổ chức chương trình cho các cặp đôi. Có vẻ như cô ấy chờ đợi rằng tôi sẽ mời cô ấy tham gia. Nhưng có mơ tôi cũng không nghĩ mình sẽ tham gia chương trình đó nên tôi cũng chẳng mời cô ấy. Và vì thế mà cô ấy rất giận.
Một thời gian sau, cô ấy đòi tôi đãi cơm chúc mừng sinh nhật cô ấy. Chắc là cô ấy muốn dùng ngày sinh nhật để hòa giải. Cũng có lẽ cô ấy muốn giữ thể diện cho tôi vì tôi lúc nào cũng ăn nhờ cô ấy. Đó là một quán ăn Nhật Bản cao cấp ở Ulchiro 1, quán dành cho các cặp đôi. Bây giờ là toà nhà Ngân hàng ngoại hối. Chúng tôi lên lầu hai, có rất nhiều món ăn mà nói thật tôi chưa bao giờ nghe thấy tên.
Hình như gia đình cô ấy vẫn thường đến đây ăn thì phải. Cô ấy gọi món skiyaki, món mà chưa bao giờ tôi nhìn thấy. Nhân viên đưa ra quả trứng sống trên cái đĩa nhỏ xíu. Tôi cứ thế cầm húp hết một hơi. Nhân viên lại đưa ra thêm một quả nữa, tôi cũng húp hết, cô nhân viên nhìn tôi với con mặt là lạ.
Cô ấy hiểu chuyện gì xẩy ra nên đứng ra làm mẫu. Thì ra quả trứng đó là món gia vị chấm cùng với món ăn. Tôi một mặt vì quả trứng mất hết nhuệ khí, mặt khác thì lại đang rất lo lắng vì không biết buổi tối hôm nay hết bao nhiêu tiền. Thức ăn vào bằng đường miệng hay bằng mũi, tôi cũng chẳng phân biệt được nữa.
Khi đi xuống dưới tính tiền, cô ấy ra ngoài đợi sẵn. Tiền ăn hoàn toàn khác với tình hình túi tiền của tôi. Tôi đặt cái cái đồng hồ của mình ra, giống như mấy lần thế chấp ở mấy cửa hàng trước trường học. Cái đồng hồ ấy nấm mọc vàng khè, nhân viên quầy nhìn tôi cười rồi vứt trả lại. Tôi quả là muốn tìm cái lỗ chuột mà chui xuống trốn cho rồi.
Chẳng còn cách nào khác, tôi ra cửa nói thật với cô ấy và nhờ cô ấy trả tiền hộ, sau này tôi sẽ trả tiền lại. Cô ấy có vẻ rất mừng rồi trả tiền cho quán ăn.
Cuối cùng, tôi không thể chịu đựng hơn được nữa. Cảm giác nặng nề mỗi lần gặp cô ấy cứ đeo bám tôi mãi. Sau này, tôi cũng trả lại số tiền bữa ăn đó cho cô ấy qua một người bạn.
Vụ 3.6 kết thúc, tôi đi tù. Hàng ngày, cô ấy ra khỏi nhà từ sáng sớm để đến gặp mặt tôi, rồi bố cô ấy biết được nổi giận lôi đình. Con gái của một vị quan chức như ông mà lại đi gặp kẻ “tội phạm phản loạn” là chuyện không thể. Cuối cùng, dưới sức ép của gia đình, cô ấy cũng đính hôn.
Ngày tôi ra khỏi tù, trong rất nhiều người chào đón tôi gồm nhân sĩ chính trị các đảng phái, học sinh, tôi tìm cô ấy nhưng tìm mãi không thấy.
Sau đó, tình cờ tôi gặp cô ấy ở một tiệm bánh. Nhìn thấy tôi, cô ấy nước mắt lưng tròng.
“Em không chống lại được Cha mẹ và đã đính hôn, nhưng nếu anh nói hãy đi với anh thì em sẽ từ bỏ tất cả”.
Nhưng tôi thì chưa chuẩn bị được cho điều đó. Từ đó về sau, tôi không bao giờ gặp lại cô ấy nữa. Nhưng trong phim, chúng tôi vẫn đang vì tình cũ mặn nồng mà gặp gỡ nhau.
Phần 4. Tự ti vì khuôn mặt xấu xí
Khi xây dựng đường cao tốc Thái Lan, có 2 người phụ nữ tôi rất yêu quý. Một người là bà Jung Hy Yong, vợ giám đốc Kim Yong Chu, tức em gái của giám đốc Jung Chu Young. Một người nữa là một thiếu nữ Trung Quốc, sống ở một ngôi làng cạnh văn phòng dự án của chúng tôi tên là Chen Ling.
Bà Jung chịu trách nhiệm chỉ huy những người phụ nữ nấu ăn ở nhà bếp. Thời kỳ đầu, không hiểu sao bà lại hiểu lầm tôi một cách lạ lùng.
Tôi phụ trách kế toán và thường xuyên tiếp xúc với các bà cô nhà ăn vì phải thanh toán tiền cơm, rồi thu gom hóa đơn.
Bỗng một hôm, những người nấu ăn hỏi tôi.
“Kế toán Lee lập gia đình chưa?”
“Tôi còn độc thân ạ”.
Bà Jung đứng ở đó nghe thấy, nét mặt đanh lại. Tôi chẳng hiểu tại sao từ đó trở đi bà trở nên rất lạnh nhạt với tôi. Rồi một hôm, bà gọi tôi đến và nói “ Kế toán Lee, cậu tối nay đến nhà tôi nha, tôi có việc cần nói với cậu”. Đến nơi, bà ấy vốn thẳng tính, tuôn ra một tràng lời khuyên trong khi tôi thì chẳng hiểu đầu đuôi gì cả.
“ Kế toán Lee, tôi biết cậu là người làm việc rất tốt. Tôi cũng rất cảm ơn cậu vì hỗ trợ tốt cho nhà ăn. Tất cả đều tốt, nhưng tôi chỉ khuyên một câu thôi, lần trước tôi thấy cậu có cả con, vậy mà tại sao cậu lại nói là còn độc thân?”
Bà Jung giống anh trai thẳng tính nên chẳng ngại gì. Bà cho tôi là lừa đảo không thể tha thứ vì tôi đã có gia đình nhưng nói độc thân.
“Dạ cô nói thế là sao? Cháu có con là sao? Cháu chưa lấy vợ mà làm sao có con được?”
“Tiệc tiễn chân lần trước có cả con cậu còn gì”.
“À, thì ra vậy…”
Khi đó tôi mới hiểu được lý do bà lạnh lùng với tôi. Thời ấy, ra nước ngoài là một sự kiện lớn cho cả gia đình và cá nhân, vì vậy trước khi sang Thái công ty tổ chức tiễn chân ở văn phòng công ty phường Mukyo. Gia đình tôi đến tiễn chỉ có chị dâu cùng đứa con nhỏ đến chúc mừng tôi sự kiện quan trọng.
Nghe xong câu chuyện, bà Jung mới vỡ lẽ mà ôm bụng cười. Từ đó về sau, tình cảm bà giành cho tôi chẳng khác gì con cháu trong nhà cả. Bà biết tôi thích ăn bánh, vì vậy khi có dịp gì bà hay lấy bánh riêng cho tôi. Sau này, khi tôi đến thăm nhà bà ở Ulsan, bà cũng đón tiếp rất nồng nhiệt như người trong nhà vậy.
Còn người có tên là Chen Ling chính là con gái của chủ quán cơm Trung Hoa ở cạnh văn phòng của chúng tôi. Vì quán ăn nên có giao dịch với công ty chúng tôi. Ở giữa ngôi nhà đó có một cái giếng nước vô cùng trong.
Văn phòng chúng tôi muốn múc nước giếng đó để uống, nhưng người Trung Quốc cũng giống như người Trung Đông, họ không cho người lạ vào sân nhà mình. Tôi phải nài nỉ mãi, đến cuối cùng vì mọi người trong gia đình ấy nói với nhau “ Ông Lee cũng tử tế, đường hoàng nên cứ cho múc đi” nên tôi mới được đặc cách vào ra sân nhà.
Vào sân múc nước tôi có cảm giác như ai đó xung quanh, tôi nhìn vào một góc sân, tôi mới thấy một cô gái có nước da trắng như bạch ngọc, độ trên dưới 20 tuổi đang nấp nhìn tôi. Tôi vừa nhìn thấy cô thì cô ấy lập tức biến mất vào trong nhà.
Tôi thì cứ đứng thần ra như kẻ mất hồn, thẫn thờ nhìn theo hướng cô gái biến mất. Hàng lông mày đậm, nước da trắng, và cả nét đẹp của cơ thể như che dấu trong bộ trang phục truyền thống Trung Hoa, tất cả mọi thứ cứ mờ ảo như một giấc mơ vậy.
Đến tận lần thứ hai đi múc nước, tôi chẳng còn để tâm được vào việc múc nước nữa, chỉ chăm chăm nhìn vào 4 góc sân, thật ngạc nhiên là khuôn mặt trắng như bạch ngọc của người con gái ấy lại bất ngờ xuất hiện. Do đây là gặp hai lần nên chúng tôi nhìn nhau một cách tự nhiên. Nhưng lần này cũng như lần trước, thiếu nữ nhanh chóng biến mất vào trong nhà.
Lấy nước thêm mấy lần nữa, cô ấy mới rón rén đến gần giếng nước. Vậy nên tôi lại càng thường xuyên đi múc nước hơn, mỗi lần như vậy thiếu nữ lại lại rón rén tiến về phía tôi. Cuối cùng, chúng tôi cũng hẹn gặp mặt tại một quán trà trên phố.
Khi gặp nhau ở quán, càng nhìn kỹ tôi càng thấy cô gái ấy xinh đẹp hơn. Thực ra, trong mắt một thằng con trai đang tuổi đôi mươi như tôi thì một người con gái ngoại quốc dù có bề ngoài ra sao đi chăng nữa, tôi cũng cho là một thiên thần. Nhưng quả thật, người con gái ấy rất đẹp, đẹp đến nỗi làm tôi lóa mắt.
“Sao em đẹp thế?”.
Chúng tôi chẳng nói với nhau được gì nhiều. Dùng từ vựng tiếng Anh lõm bõm giao tiếp nên cũng chẳng dễ dàng gì. Tiếng Anh của Chen Ling còn vụng về hơn cả tôi. Tuy chúng tôi vẫn trao đổi bằng lời nói nhưng vẫn hiểu nhau rất nhiều bằng cảm xúc. Chỉ mới gặp nhau vài lần mà cảm thấy thân thiết như là đã biết nhau từ rất lâu vậy.
Mỗi lần gặp cô ấy, tôi cảm thấy hơi buồn vì khuôn mặt xấu trai của mình. Từ khi còn nhỏ, tôi đã luôn nghe mọi người trong gia đình nói “ Trong các anh em, Myung Bak là xấu xí nhất”. Tôi cũng luôn thấy mình như vậy nên rất tự ti.
“Em đẹp thế này mà tôi thì lại xấu. Đặc biệt, mắt tôi rất nhỏ nên càng không hợp với đôi mắt xinh đẹp của em. Tôi muốn ra Bangkok phẩu thuật cho mắt thật to và khuôn mặt thật đẹp..”
Chen Ling lắc đầu.
“Thứ hấp dẫn nhất trên khuôn mặt của anh chính là đôi mắt sáng ấy. Ai nói anh xấu trai chứ”.
Mặt tôi, đặc biệt là mắt tôi rất nhỏ nên thường bị mọi người trêu chọc. Chen Ling chính là người đầu tiên khen tôi tôi có đôi mắt hấp dẫn.
Hằng ngày ở công trình giống như chiến trường, trong trái tim tôi vẫn luôn mang một giấc mơ màu hồng ngọt ngào.
Nhưng giấc mơ ấy lại không giữ được lâu. Chủ quán ăn Trung hoa biết chúng tôi hay gặp nhau ở quán trà nên ra lệnh cấm con gái ra ngoài, còn tôi thì bị cấm ra vào sân nhà họ.
Tôi tự tưởng tượng ra một chuyện không bao giờ có trong thực tế rằng mình là người đàn ông đầu tiên mang lòng yêu mến Chen Ling để an ủi cho nỗi buồn của mình vì không được gặp nàng. Nhưng rồi công trình đi vào giai đoạn cuối, chúng tôi phải tiếp tục chiến đấu để giảm bớt thiệt hại nên giấc mơ màu hồng của tôi dần dần cũng phai màu.
Phần 5. Bí quyết của người cha
“Chủ tịch Lee cũng có gia đình sao”?
Thỉnh thoảng, tôi vẫn bị người ta hỏi vậy. Tôi thấy hơi khó xử. Nếu trả lời là có thì chắc chắn sẽ bị phê bình là làm chủ một gia đình mà sao thiếu quan tâm đến gia đình đến vậy, còn nếu nói không có thì chẳng khác gì mình nói dối. Mỗi lần như vậy tôi thường trả lời mập mờ cho qua chuyện “Nội dung này xa công việc quá, lần sau ta nói vậy”.
Trong gia đình tôi, mọi việc đều do vợ tôi “kinh doanh ” cả. Tôi có 4 đứa con 3 gái và 1 trai, nhưng tôi chưa bao giờ ở cạnh chúng lúc chúng ra đời. Suốt ngày công việc nên ngay cả thời gian gặp mặt gia đình cũng không có.
Bắt đầu từ những năm cuối 1970, khi tôi lên làm giám đốc công ty Huyndai lại càng như vậy. Nhiều lúc một năm thì hơn nửa thời gian là ở nước ngoài. Tôi cũng chưa bao giờ đi du lịch đúng nghĩa với gia đình cả. À không, cũng có một lần. Khi tôi nhận quyết định làm giám đốc công ty Huyndai, cần thời gian và không gian để suy nghĩ nên tôi đã cùng với vợ về quê. Ngoài ra, để quyết định khi nào nên rời Huyndai chúng tôi đã xuống ở đảo Jeju mấy ngày, thật ra đó cũng không phải là du lịch đúng nghĩa.
Tuy thế, những đứa con của tôi đều đồng loạt nói rằng “Bố chúng tôi rất chu đáo”. Cô chủ nhiệm chúng còn không hiểu nổi tại sao chúng nói vậy. Sự thực, tôi chẳng làm gì được cho các con cả. Gọi là đi công tác nước ngoài nhưng chưa bao giờ tôi mua quà cho chúng. Tôi chỉ lấy mấy thứ rửa mặt cạo râu người ta phát cho trong máy bay đem về cho chúng nó. Ban đầu thì chúng nó cứ tưởng đó là quà bố chúng mua ở nước ngoài về, nhưng khi chúng lớn lên thì chúng cũng hiểu đó chẳng biết đó không phải là quà và chúng nghĩ luôn bố chúng là người không mua quà.
Vậy tại sao chúng lại cho rằng tôi chu đáo với chúng? Tất cả là nhờ thời gian biểu của chúng mà vợ chuyển cho tôi.
Thường khi tôi đi công tác nước ngoài, vợ tôi sẽ bí mật chuyển cho tôi thời gian biểu của cả 4 đứa. Nào ngày đi cắm trại, ngày thi, môn thi, nào bạn bè hay gặp và cả ghi chép những thông tin chi tiết về gia đình bạn bè chúng.(Con tôi mà biết chuyện này thì chúng tha hồ kêu).
“Bố đây. Bố đang ở Singapore, mưa nhiều lắm. Ở đó ra sao con?’
Sau khi nói chuyện thời tiết, tôi mới bắt đầu nói đến chuyện thi cử
“À, hôm nay con thi có được không. Hôm nay con thi Văn, Toán, Vật lý, 3 môn đúng không?”
“Bố, làm sao bố biết được?”
Tôi cười, mở quyển sổ ra rồi nói luôn ngày mai thi môn gì.
“Ngày may thi tiếng Anh và Lịch sử đúng không?”
Và cứ như vậy, chúng nó luôn nghĩ rằng “Bố chúng mình quan tâm đến mình mà biết cả thời gian biểu nữa”.
Tôi điện cho đứa con gái thứ ba.
“Ngày mai con đi cắm trại phải không, chuẩn bị xong hết chưa, chắc phải gói kimbap, ai gói cho con?”
“Dạ dì giúp việc gói ạ”.
“Vậy hả? Con chuyển máy cho mẹ giúp bố đi”.
Vợ tôi bắt máy nhưng tôi không can thiệp kiểu “Kimbap cho các con thì ít ra em cũng phải làm chứ”. Tôi chỉ nói chuyện thời tiết nhẹ nhàng rồi tắt máy. Tôi luôn tưởng tượng xem chuyện gì sẽ xảy ra ở nhà.
“Bố nói với con gì thế?”
“Dạ bố nói ngày mai đi cắm trại cho vui, với lại hỏi là ai làm kimbap nên con nói là dì giúp việc làm ạ”.
Và đúng như tôi tưởng tượng, vợ tôi bỏ việc đang làm dở mà đi gói kimpap. Tôi biết được điều đó sau khi kết thúc chuyến công tác trở về. Tôi có lý do không thể trực tiếp bảo vợ phải gói kimbap cho con. Dù có là vợ chồng đi nữa cũng không phải là đạo lý nếu nói trực tiếp như thế.
Tôi chẳng có tư cách gì mà trách vợ tôi vì cô ấy đã phải nỗ lực hết sức chăm sóc 4 đứa con, còn phải tham gia hoạt động từ thiện của nhà thờ. Vả lại, là người làm chồng, làm bố nhưng tôi không làm đúng vai trò của mình, mặt mũi nào mà tôi nói được những chuyện như vậy? Tôi cũng có thể nói với con gái thứ ba “nhờ mẹ gói cho con” nhưng tôi không làm thế. Vì vợ tôi biết rõ vì sao tôi hỏi như vậy. Và về mặt kết quả thì chỉ bằng một cuộc gọi thôi, điều mong muốn của tôi đã thành hiện thực.
Tôi cũng không bao giờ nói trực tiếp với các con “con đừng chơi với ai đó”. Từ “đừng”, “không được” nếu sử dụng nhiều quá sẽ phản tác dụng. Nó chỉ khiến lũ trẻ cảm thấy ép buộc khiến chúng không muốn nghe, thậm chí là gây cho chúng cảm giác muốn chống đối. Nếu cứ thế mà lặp đi lặp lại nhiều lần thì cuối cùng chỉ làm đôi bên không thể đối thoại với nhau được nữa mà thôi.
Tôi nói tên của những đứa bạn mà mình mong muốn con chơi chung, hỏi rằng dạo này con có chơi với bạn đó hay không hay cha mẹ bạn đó có khỏe không chẳng hạn. Bạn tốt ở đây không phải là con nhà có tiền và quyền lực. Đó là sự phán đoán xem gia đình có bình thường hay không mà thôi. Tôi cũng hay hỏi về cha mẹ của những đứa trẻ ấy nếu có cơ hội.
Các con tôi sẽ không bao giờ nói tên những đứa trẻ xấu mà chúng chơi chung. Và rồi một thời gian như vậy, chắc chắn chúng cũng sẽ bắt đầu chơi với những đứa trẻ tôi thường nhắc đến. Tôi dùng cách gián tiếp thế này để giúp con phân biệt được bạn xấu và bạn tốt. Từ đó tất cả các con đều nghĩ “Bố mình biết rõ mình đang làm gì. Mình đi đâu, gặp ai, bố đều biết, Chắc chắn mình chơi với bạn xấu bố cũng biết nên mình không nên gặp bạn xấu đó nữa”.
Giáo dục con cái đâu chỉ có sự quan tâm. Chẳng có Cha mẹ nào không quan tâm đến con cái trên thế gian này cả nhưng chúng ta cần phải có một chút kỹ năng để truyền đạt những quan tâm đó.
Phần 6. Từ ngày mai, con không đi cái xe của con bé đó nữa
Con gái thứ hai của tôi thường đi nhờ xe con gái một vị kiểm sát vì nhà cùng xóm. Một ngày trên đường đi học, chiếc xe vi phạm luật giao thông và bị cảnh sát giữ lại.
“Cha tôi là kiểm sát đấy”.
Con gái vị kiểm sát bước xuống và nói như vậy , lập tức viên cảnh sát chỉ xác nhận tên bố của cô bé rồi cho xe đi.
“Từ ngày mai, con không đi xe đó nữa đâu”.
Cô con gái tôi tối hôm đó trở về nhà và nói vậy. Con bé hùng hồn nói rằng dù có xe của kiểm sát thì cũng là vi phạm. Nếu có lỗi thì phải trả giá cho cái lỗi đó. Cả người bỏ qua cho xe và cả người đề nghị bỏ qua cho chiếc xe đều có lỗi.
“Chắc là có lý do gì đó thì họ mới vi phạm thế, con đừng hiểu lầm”
Tôi nói với con gái như thế, nhưng thực ra khá hài lòng.
Thỉnh thoảng, có những cú điện thoại gọi trực tiếp đến nhà tôi nhờ việc. Có lần tôi quên có sự hiện diện của các con bên cạnh, nói năng có vẻ ta đây và bị các con phê phán nặng lời.
“À, vậy sao? Được rồi, để tôi nói xem. Không được thì cậu còn có cấp trên…”
Vừa xong, 4 đứa lập tức bủa vây lấy tôi.
“Làm sao bố lại có thể như thế chứ, không thể được. Nhờ vả người có quyền lực chẳng phải là phương pháp bất chính sao. Thế nên đất nước chúng ta mới thế này đây….”
Hôm đó, cả 4 đứa tấn công không thương tiếc đến mức tôi đổ mồ hôi hột để biện minh. Những đứa con của tôi chúng ghét sự hèn nhát và khuất phục cũng chẳng khác gì tôi. Chúng là những kẻ theo chủ nghĩa nguyên tắc.
Ngày nay, nhìn các ông bố bà mẹ khác chiều con mà tôi cảm thấy khó chịu. Họ chẳng bao giờ nghĩ đến hoàn cảnh của con cả. Nhiều người cứ nghĩ rằng mang lại một cuộc sống vật chất đầy tiền bạc, đầy cái ăn cái mặc cho con chính là cách giáo dục và tình yêu tốt nhất. Họ giành cho con cái tất cả mọi thứ, giống như là để cho thỏa cái đói nghèo thiếu ăn thiếu mặc thời họ còn đi học. Đây là điều sai lầm.
Tôi không thường xuyên ở cạnh các con, nhưng tôi luôn nỗ lực để cho con mình có cảm giác là sống luôn gần với chúng. Cũng giống như việc tôi quan tâm đến thời gian và lịch trình của chúng, tôi cũng công khai toàn bộ cuộc sống của mình cho chúng biết. Vì thế chúng luôn biết bố chúng đang làm gì. Khi con gái tôi vào Đại học có nhờ tôi viết vài chữ để đưa lên tạp chí của Hội, tôi đem đến văn phòng để viết. Chắc con tôi lo lắng sắp hết hạn nên điện thoại đến tận văn phòng giục.
“Bố đang viết mà”
“Bố viết nhanh rồi về nha”
Nếu trong một gia đình mà con cái biết rõ Cha mẹ chúng đang làm gì, ở đâu thì gia đình đó cũng chẳng cần phải giáo dục con cái quá nhiều. Làm gì có Cha mẹ nào muốn cho con mình thấy Cha mẹ chúng đang đi nhảy đầm hoặc đi nhậu nhẹt đâu đó. Nếu muốn các con biết chúng ta đang làm gì, thì cách duy nhất là chúng ta phải làm việc . Cha mẹ làm điều không xấu hổ thì con cái làm sao không biết điều đó và chắc chắn chúng sẽ học theo.
Dù ngày chủ nhật, tôi không cùng chơi với các con, nhưng chúng không bao giờ than phiền cả. Vì chúng biết chắc chắn rằng bố chúng đang bận làm việc.
Cuộc sống của Cha mẹ, chính là thứ giáo dục con cái tốt nhất. Chúng ta chẳng cần phải suy tính quá nhiều để giáo dục con. Cha mẹ cần phải suy nghĩ và hành động xem mình phải sống thế nào và hành động thế nào trước mặt con cái.
Phần 7. Cách kiếm tiền và dùng tiền.
Bước vào làm chính trị, tôi gặp những tổn thương rất đau lòng.
Một là, như tôi đã nói ở trước, mối quan hệ với ông Jung khi không còn đi cùng con thuyền với ông nữa ở tư cách là người làm chính trị, tiếp theo đó là sự phán xét của dư luận cho rằng tôi là doanh nhân nên có nhiều tài sản. Tôi nói vết thương rất đau lòng là có lý do
Một thời, đất nước chúng ta có một thói quen là tất cả mọi người có nhiều tài sản thì mặc nhiên được coi là tiêu cực. Một suy nghĩ cực kỳ nguy hiểm. Nếu tư tưởng này ngự trị xã hội thì chúng ta không bao giờ nâng cao được cái gọi là “chất lượng cuộc sống”- mục tiêu của đất nước.
Thời mà việc công chức công khai tài sản gây sự chú ý của rất nhiều dư luận, tôi có tham gia một chương trình Talk Show 60 phút của một đài truyền hình. Ngày hôm đó, tôi nhấn mạnh cái đất nước chúng ta cần hiện nay không phải là lý thuyết nghèo trong sạch, mà phải là giàu trong sạch, ý kiến của tôi đã gây bão trong dư luận.
Không phải tài sản nhiều hay ít là quan trọng. Dù là tài sản ít đi chăng nữa, nhưng nếu quá trình tích lũy là tiêu cực thì cũng có vấn đề, và nếu nhiều tài sản và quá trình tích lũy là chính đáng, nhưng lại trở thành đối tượng của ghen ghét và trở thành vấn đề thì đó không phải là một xã hội đúng đắn. Tất nhiên, một số doanh nghiệp sử dụng những phương pháp không chính đáng, hoặc một số người bất chấp tất cả đã khiến cho bầu không khí của toàn xã hội bị vẩn đục và đó là một vấn đề lớn cần phải sửa đổi.
Trong tục ngữ chúng ta có câu “Kiếm tiền như chó, tiêu tiền như vua” (dùng mọi thủ đoạn để kiếm tiền, và có tiền thì xài vẻ như những ông vua). Nhưng thời đại bây giờ phải là lúc chúng ta “kiếm tiền như vua, tiêu tiền như vua”, có nghĩa là tiền phải kiếm một cách hợp pháp, trong sạch và được sử dụng một cách đường hoàng chính đáng.
Tài sản của tôi nếu so sánh với một người nhân viên thì đúng là nhiều hơn thật. Nhưng tài sản là thứ được tạo ra một cách chính đáng thông qua công việc tại công ty, và tôi cũng nghĩ có thể đó là tấm gương cho mọi người làm công ăn lương thấy rằng nếu nỗ lực hết sức với công việc của mình thì hoàn toàn có thể tích lũy được sự giàu có.
30 năm qua, chưa bao giờ tôi được nghỉ một ngày theo đúng nghĩa cá nhân và luôn dồn tất cả mọi thứ để tập trung cho công việc. Nếu tôi là giám đốc một công ty lớn của Mỹ trong vòng 15 năm thì tôi sẽ được đối xử như thế nào chứ? Cái giá trị được hưởng đó có thành vấn đề của xã hội hay không?
Tài sản mà tôi đang có chỉ là 2 mảnh đất và ngôi nhà đang sống.
Ngôi nhà tôi đang sống hiện nay ở phường Rohnhyun đúng là có lớn thật. Đó là căn nhà công ty xây cho tôi năm 1979 để tiếp khách nước ngoài khi tôi tái nhiệm chức giám đốc.
Ở phường Secho, có tòa nhà và khu đất đang được dùng làm trung tâm nghiên cứu của tôi. Năm 1976, khi là phó giám đốc, tôi nhận một khoản tiền thưởng khi giành về cho công ty một dự án lớn tại Trung Đông. Khi ấy, phó giám đốc phụ trách tổng vụ Jung Tae Kyu nói rằng tôi không có thời gian để quản lý tiền thưởng nên tôi đã đưa cả sổ cho anh ấy. Sau đó, tôi cũng không nhớ gì, nhưng đến lúc nghỉ hưu, anh Jung lại nói cho tôi biết là anh đã dùng tiền thưởng tôi giao để mua mảnh đất đó .
Mảnh đất ở phường Yangchedong thì khoảng 900 mét vuông. Nó là mảnh đất thành phố Seoul ép tôi phải lấy. Thời ấy, thành phố Seoul có bán trái phiếu công trình đường tàu điện ngầm tuyến số 1 cho lãnh đạo các công ty tham gia vào dự án với quyền lợi là 2 năm sau trả lại cả tiền thưởng và tiền lãi. Số tiền mua trái phiếu đó của tôi tương đương 2,5 triệu won. Tuy nhiên, 2 năm sau, họ lại thất hứa, không trả tiền mặt, thay vào đó họ trả mảnh đất vất vưởng ở phường Yangchedong. Phường Yangchedong thời ấy còn rất hoang vắng. Tôi phản đối rất kịch liệt lên ủy ban nhân dân thành phố nhưng cuối cùng vẫn chẳng giải quyết được gì.
Đó là tất cả tài sản của tôi. Tất cả đều là những thứ mà tôi không có chút ý định làm giàu nào trong ấy cả. Tôi cũng không có bất cứ một khoảng thời gian rảnh rỗi nào để tính toán tới điều đó. Tôi đã làm việc với niềm tự hào rằng mình đang được đối xử tốt nhất với một doanh nhân. Còn chuyện “đầu cơ đất” thì tôi chẳng có chút quan tâm nào. Nếu có, tôi đã dồn hết vào việc mua đất ở vùng Mãn Châu hoặc Sibera rộng lớn.
Vào tuổi 50, mục tiêu của cuộc sống thường là ăn ngon ngủ yên là được . Với thế hệ cũ, những người vốn vất vả đổ mồ hôi và nước mắt trên sự hoang phế và những tàn phá của chiến tranh thì có thể nói rằng phần nào họ đã đạt được mục tiêu của mình.
Nhưng chúng ta bây giờ lại quá tập trung vào việc kiếm tiền, mà thiếu thời gian để suy nghĩ phải kiếm ra sao và tiêu nó như thế nào. Chúng ta cũng chưa bao giờ dạy cho con cái việc đó. Vì vậy mà lớp trẻ thoải mái tiêu sài, thoải mái phung phí tài sản cha mẹ gom góp bấy lâu và khiến vấn đề đó trở thành một vấn nạn xã hội.
Cả tôi và vợ tôi đều không nghĩ đến việc để lại tài sản cho con cái. Chúng tôi sẽ để lại những di sản về mặt tinh thần mà cha mẹ tôi, cha mẹ vợ tôi đã truyền cho chúng tôi. Chúng tôi không oán trách cha mẹ mình nhưng chưa chắc các con sẽ không oán trách chúng tôi. Đến khi chúng đã có con và suy nghĩ đến việc sẽ để lại gì cho con cái đã lớn của mình, thì khi đó, tôi tin chúng sẽ hiểu tâm nguyện của cha mẹ chúng.
Cuối năm 1994, tôi thành lập Quĩ nghiên cứu tương lai Đông Bắc Á và bán đảo Triều Tiên.
Tôi dự tính sẽ hỗ trợ chi phí nghiên cứu và học bổng cho các học giả, thực hiện xuất bản sách liên quan và tổ chức các chương trình hội thảo, kể cả điều tra ở trong và ngoài nước. Tôi sẽ triển khai các nghiệp vụ nghiên cứu có tính chuyên môn và phạm vi rộng lớn hướng đến tương lai của Đông Bắc Á như văn hóa, quân sự, kinh tế, dân tộc, nữ giới, môi trường và khoa học kỹ thuật.
Phúc lợi xã hội thì nhà nước và công ty đều có thể làm được. Giúp đỡ một người tàn tật hoặc một người già thì cá nhân cũng làm được. Nhưng những dự án nghiên cứu một cách đồng thời và liên tục có tính chuyên môn nếu không có một quĩ thực hiện thì không thể. Quĩ nghiên cứu Đông Bắc Á được coi như bước đầu tiên thực hiện lý luận làm giàu trong sạch của tôi.
Tôi cũng muốn mình sẽ trở thành một hình mẫu nho nhỏ trong việc dùng tiền ra sao, chứ không phải trong việc kiếm nó như thế nào.