Hồi ký CỰU TỔNG THỐNG HÀN QUỐC LEE MYUNG-BAK KHÔNG CÓ GÌ LÀ HUYỀN THOẠI 신화는 없다.
Phần 10. Này, ốm yếu như cậu lính cũng không nhận đâu
Năm tôi vào đại học, cũng là năm xẩy ra vụ bạo động 5.16. Bầu không khí tại đại học Korea, nơi đã chủ đạo cuộc cách mạng 4.19 một năm trước trầm lắng một cách đáng sợ.
Trở thành sinh viên, cuộc sống của tôi cũng chẳng có gì khác biệt cả, công việc bắt đầu từ sáng sớm, chất cái đống rác to như đống núi ở chợ thải ra lên xuống ngọn đồi Itaewon, cuộc sống bấp bênh chẳng khác gì đang đi trên dây, nhưng chính là nguồn thu nhập duy nhất để giúp tôi có thể tiếp tục việc học hành. Học xong, tôi lại quay về chợ giúp mẹ.
Tôi gần như không tìm ra thời gian dành cho việc học, giữa đêm khuya, tôi chỉ đủ sức nhấc được đôi mi nặng trĩu để viết được cho xong mấy bài luận.
Chuyện học ở trường cũng vậy, thời gian tạm nghỉ chính là thời gian quí báu nhất mà tôi có được, cứ có thời gian rỗi, là tôi đọc sách hoặc suy tư, chẳng có thời gian để mà nhậu nhẹt hoặc tán tỉnh bạn gái như những học sinh khác mới vào trường, chuyện không có bạn cũng là đương nhiên.
Tôi học năm thứ 2, mẹ tôi mở thêm một cửa hàng nữa, đây là sự biến đổi rất lớn.
Từ thời còn nhỏ bán tạp hóa lang thang hết nơi này đến nơi nọ trong chợ, đến thời bán bánh hoa cúc và bỏng ngô ở góc chợ Pohang, rồi thời lang thang bán hoa quả ở con đường vắng người như trên sa mạc, thứ gia đình tôi mong muốn nhất nhất không phải là ăn ngon mặc đẹp mà chính là có một “cửa hàng của mình” ở góc chợ.
Tôi còn nhớ khi còn bán hàng rong, lang thang trước nhà người này người kia, chúng tôi bị một chủ cửa hàng xua đuổi một cách thậm tệ, tôi ghét người chủ cửa hàng ấy đến mức ước mơ duy nhất cháy bỏng trong tôi là nếu có tiền tôi sẽ mua đứt cái cửa hàng đó, (sau này, khi tôi trở thành tổng giám đốc công ty xây dựng Huyndea, tôi về quê tìm lại cửa hàng đó, nhưng nó đã bị biến mất vì qui hoạch đô thị).
Và bây giờ, ước mơ của chúng tôi đã thành hiện thực.
Nhưng chẳng phải vì có cửa hàng mà chân tay chúng tôi được thoải mái hơn. Tôi kiệt sức, dù đang trong độ tuổi sức dài rộng thì việc sáng sáng thức dậy dọn rác lúc 4h là việc quá sức chịu đựng của tôi.
Tôi nghĩ, vào quân đội chính là lối thoát duy nhất của mình. Việc đi lính dẫu sao cũng tốt hơn cái hiện thực tìm không ra lối thoát. Đi lính không lo chuyện ăn uống, lại có thể thoải mái về mặt tinh thần sau một khoảng thời gian thích ứng, đây là cách duy nhất để có thể nạp lại năng lượng cho mình.
Kết thúc học kỳ 1, năm thứ 3, tôi tình nguyện nhập ngũ. Sau đêm đầu tiên tại trại huấn luyện Nonsan, ngày hôm sau bắt đầu kiểm tra sức khỏe, tất cả những người trước mặt tôi đều vượt qua mà không có vấn đề gì, đến lượt tôi thì vị bác sĩ sau khi đặt ống nghe chỗ này chỗ kia, liền nói.
“Cậu không biết sức khỏe của cậu ra sao mà đến đây”.
“Tôi chẳng biết gì cả”.
“Này, lính cũng chẳng chịu nhận cậu đâu, sao mới có hai mấy tuổi đầu mà sức khỏe thế này? Kiểm tra chi tiết xem sao nha”.
Kiểm tra cụ thể thì đúng là sức khỏe tôi chẳng ra gì cả, đặc biệt là khí quản của tôi bị dãn, tên bệnh là giãn thanh quản. Từ lâu tôi đã hay bị ho và sốt. Mỗi lần như vậy, tôi chỉ muốn nằm, tất cả những triệu chứng đó là vì căn bệnh này. Không những thế, tôi còn mắc cả bệnh viêm mủ màng phổi.
Viên bác sĩ nói với tôi như vầy.
“Bệnh giãn khí quản, về cơ bản là không điều trị được đâu, nếu làm việc quá sức sẽ bị sốt, không huấn luyện được, lại có thêm bệnh viêm mủ màng phổi ác tính, người thế mà cậu còn xin đi lính, cậu tưởng quân đội là nơi chăm sóc dinh dưỡng sức khỏe hả”.
Tôi bị đuổi khỏi trại huấn luyện Nonsan vì không đủ điều kiện về sức khỏe, người ta thì tìm mọi cách này cách nọ để trốn tránh việc đi lính, tôi thì muốn đi lại không đi được vì bệnh tật. Sau khi tôi về đến nhà, thậm chí đội phòng chống gián điệp còn cử người đến nhà điều tra xem có phải tôi cố tình tìm cách trốn nghĩa vụ quân sự hay không.
Ra khỏi trại, tôi được một người bạn giúp đỡ vào nằm ở một bệnh viện công. Bệnh viện này không tốn tiền điều trị. Câu nói người nghèo nhục nhất là khi đi bệnh viện và đi tù quả đúng là không sai chút nào.
Một buổi sáng, khi đi khám luân phiên, bác sĩ trực ca dẫn theo mấy người thực tập và họ xem bệnh lý của tôi, tôi đang chợp mắt thì nghe giọng bác sĩ phụ trách:
“Thuốc này không đúng với bệnh nhân này đâu. Hãy cho anh ta dùng thuốc.. (nói bằng tiếng Anh).
Nhưng một sinh viên thực tập trả lời:
“Bệnh nhân này là người cực nghèo, không thể dùng thuốc đó được ạ”.
“Vậy sao”.
Họ chuyển ánh mắt sang bệnh nhân phía bên kia, tôi không thể mở mắt ra vì tôi biết rằng tôi mở ra nghĩa là họ biết tôi đã nghe họ nói gì, và như vậy lại càng bi thảm hơn.
Từ khi sinh ra, lần đầu tiên tôi mới được vào viện, và ở đây, tôi khỏe lên phần nào và ra viện sau khoảng một tháng, do cơ thể tôi hoàn toàn hấp thụ thuốc nên dù thuốc rẻ tiền vẫn có hiệu quả.
Hay quá nhỉ, mình thích những bài viết như thế này lắm, giúp tăng kiến thức rất nhiều