Đã tới mùa làm kim chi ở Hàn Quốc với nhiều hộ gia đình trên khắp đất nước sẽ chuẩn bị, tích trữ rất nhiều kim chi cho mùa Đông. Nhưng với các du khách nước ngoài, cơ hội được nếm món kim chi do người bản xứ làm là điều vô cùng khó thực hiện, nếu không muốn nói họ có nhiều khả năng phải ra về “tay trắng”.
Điều này nghe có vẻ khó tin với những người đã chứng kiến một màn làm kim chi tập thể ở thủ đô Seoul Hàn Quốc vào thứ 4 tuần trước.
Thiếu vắng kim chi “gốc” Hàn
Sự kiện có sự tham gia của khoảng 3.000 phụ nữ, đầu đội mũ giống bác sĩ trong phòng phẫu thuật, miệng đeo khẩu trang và tay đeo găng cẩn thận. Chỉ trong 4 giờ làm việc cùng nhau, họ đã cho ra 250 tấn kim chi, sẽ được phân phối tới cho các gia đình thu nhập thấp ở thủ đô. Kim chi do họ làm ở dưới dạng cổ điển nhất, gồm bắp cải muối trộn với ớt bột, muối, tỏi, gừng và hành.
Thực tế dù Hàn Quốc sản xuất rất nhiều, việc tìm thấy kim chi bản địa lại không hề dễ dàng tại nơi sinh ra món ăn này. Tình trạng thiếu hụt lớn tới mức người ta phải nhập khẩu kim chi từ nơi khác về. Ngoài các nhà hàng cao cấp, phần lớn các cửa hàng ăn ở Seoul và một số thành phố khác giờ đều phục vụ món kim chi do Trung Quốc sản xuất. Điều này xảy ra bởi kim chi Trung Quốc rẻ hơn rất nhiều so với loại của Hàn Quốc. Mức giá bán buôn kim chi Trung Quốc vào khoảng 800 won (0,75 USD) một kg, so với mức 3.000 won của phiên bản kim chi nội địa.
Và sự chênh lệch về giá khổng lồ đã gây ra cho cái gọi là cuộc “thâm hụt cán cân thương mại” kim chi ở Hàn Quốc, vốn xuất hiện từ năm 2006. Theo Công ty thương mại nông hải sản và thực phẩm Hàn Quốc (KAFTC), năm ngoái nước này xuất khẩu lượng kim chi trị giá 106,6 triệu USD, với 80% đích tới là Nhật Bản. Nhưng hoạt động nhập khẩu lại cao hơn, lên đến 110,8 triệu USD, với 90% kim chi nhập tới từ Trung Quốc. Sự thâm hụt thương mại là 4,2 triệu USD.
Con số từng được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong năm 2013. Nhưng tới cuối tháng 9, mức thâm hụt đã chạm mốc 10 triệu USD, chủ yếu do sự sụt giảm của hoạt động xuất khẩu sang Nhật Bản vì đồng yen yếu và vì quan hệ giữa Seoul với Tokyo không được mặn nồng. Ngoại trừ năm 2009, Hàn Quốc đã thâm hụt kim chi kể từ năm 2006.
Lăng nhục di sản văn hóa
Dù tác động kinh tế của việc này rất nhỏ, nhiều người lại xem rằng nó như một sự lăng nhục với di sản văn hóa của Hàn Quốc, nơi niềm tự hào, kiêu hãnh về món kim chi quốc hồn quốc túy không thể được xem nhẹ.
Có thể thấy sự tự hào qua rất nhiều hành động của Hàn Quốc. Nước này từng khoe với thế giới về một trung tâm nghiên cứu kim chi, một bảo tàng kim chi và một lễ hội kim chi thường niên. Nước này cũng từng gửi kim chi vào vũ trụ cùng phi hành gia của đất nước trong năm 2008.
“Thật đáng tiếc khi kim chi sản xuất nội địa lại đang biến mất khỏi các nhà hàng địa phương” – một quan chức KAFTC nói với hãng tin AFP – “Đã có những quan ngại về an toàn thực phẩm liên quan tới kim chi do Trung Quốc sản xuất. Một số nhà hàng thậm chí đã nói dối khách hàng về nguồn gốc kim chi”.
Các nhà quan sát nói rằng kim chi hiện đang tiến mạnh ra thị trường nước ngoài, vượt xa một số đích đến mà nó đã cắm chốt tốt như Nhật Bản, Trung Quốc. Người Hàn Quốc đã vô cùng tự hào hồi tháng 2 năm nay, khi Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama nhắn tin lên mạng xã hội Twitter về một công thức muối kim chi ở Nhà Trắng.
Món ăn này được kỳ vọng sẽ được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) coi là di sản văn hóa phi vật thể trong phiên họp tới đây tổ chức tại Baku vào tháng tới.
Một truyền thống quý báu đang biến mất
Nhưng với những người phụ nữ đã tham gia sự kiện làm kim chi hôm thứ Tư, những tiến bộ liên quan tới kim chi không được họ quan tâm bằng việc truyền thống làm kim chi tại nhà, cùng với hàng xóm, đang có nguy cơ chết rằng.
Trong nhiều thế hệ, các gia đình và hàng xóm ở Hàn Quốc đã thường tụ họp cùng nhau vào mỗi tháng 11 để làm kim chi chuẩn bị cho mùa Đông. Họ sẽ chia sẻ thành quả với nhau và qua đó tình cảm cộng đồng được nhân lên.
Nhưng sự thay đổi về cấu trúc gia đình và xã hội trong một đất nước hiện đại hóa nhanh cũng có nghĩa hoạt động này đã ít diễn ra hơn, đặc biệt là trong nhóm thanh niên Hàn Quốc. “Thật buồn khi thấy truyền thống văn hóa của chúng tôi đang biến mất dần như thế này” – Jin Hae-Kyung nói khi vẫn đang thoăn thoắt làm kim chi – “Tôi muốn các con tôi biết cách làm kim chi, để chúng hiểu rằng đây là cách mà các bà của chúng và tiền nhân đã tự làm món kim chi tươi ngon ra sao trong hàng thế kỷ”