Hồi ký CỰU TỔNG THỐNG HÀN QUỐC LEE MYUNG-BAK
KHÔNG CÓ GÌ LÀ HUYỀN THOẠI 신화는 없다.
THẦY GIÁO CỦA TÔI CHÍNH LÀ SỰ NGHÈO ĐÓI VÀ NGƯỜI MẸ’
Ký ức đầu tiên của tôi về thành phố biển Pohang chính là sự nghèo đói. Cái nghèo đói bám chặt vào đại gia đình chúng tôi như cái vỏ sò đeo bám tôi cho mãi đến khi tôi vào tuổi 20.
Phần 7. Ra đi và cầu nguyện.
Vào năm học lớp 11, tôi thử được “độc lập”. Vì đằng nào cũng là buôn bán, nên tôi muốn tìm một việc khác kiếm tiền được nhiều tiền hơn. Tránh được ánh mắt nóng rát mặt của những cô nữ sinh cấp 3 cũng là một lý do lớn khác nữa. Tôi tính sáng sớm đi học, bứt hoa quả để sẵn, đi học về thì kéo cái xe ba gác ra trước rạp chiếu phim, và khách hàng của tôi sẽ là những người khách xem phim.
Dự tính mới của tôi được mẹ tôi dễ dàng đồng ý. Mẹ mua cho tôi một chiếc xe ba gác mới, còn trái cây thì tôi lấy và chùi cho bóng lộn, trang trí thêm cả đèn cho cái xe ba gác. Lần đầu tiên đứng trước phim trường, đông người qua lại, cảm giác vừa hồi hộp nhưng cũng vừa rất ta đây. Hoa quả dưới ánh đèn xe ba gác, trông thật ngon miệng.
Thế gian này, chẳng có việc buôn bán nào dễ dàng cả. Buôn bán hoa quả tưởng là dễ lời nhưng tính lại thì không phải thế, vì giá cả và thời gian quyết định thành bại của việc buôn bán. Ví dụ như khi ban đầu, kêu giá cao quá, bán không được thì trong thời gian còn lại phải làm thế nào bán cho hết, bất chấp giá cả ra sao. Việc xây dựng mức giá phù hợp giữa người mua và người bán cũng là một phép tính rất chính xác.
Có một chuyện xẩy ra không lâu sau khi tôi bắt đầu công việc bán hàng, vào một đêm hè mưa phùn, dân buôn bán thường nói là mưa phùn thì quả thật là chẳng làm ăn gì được, quả là đúng thật.
Khi tôi đang nhìn vào cổng rạp với chút hy vọng cuối cùng, chờ đợi những người từ trong rạp xem phim đợt cuối đi ra. Một chiếc xe hơi đi lùi, tài xế chẳng thèm ra phía sau gì cả cứ thế tông thẳng vào cái ba gác của tôi, hoa quả rơi tung tóe, mấy quả dưa vỡ tan tành.
Tôi quên béng là cái xe vừa đụng vào xe ba gác của tôi, chỉ lo cuống cuồng tìm nhặt mấy thứ trái cây đang lăn long lóc, khi ấy, trên đầu tôi là cả một tràng chửi rủa.
“Cái thằng này, đặt xe đặt cho đúng chỗ, sao lại đặt chắn ngang đường người ta chứ? Mày tưởng cái đường này là chỗ cho chúng mày buôn bán hả? Làm cho đàng hoàng nghe chưa”.
Tôi sợ cái uy thế của người chủ xe hơi, không biết làm gì khác ngoài câu xin lỗi, nhưng khi hình ảnh chiếc xe đi rồi thì sự phẫn nộ mới trào lên trong tôi. Sự thực thì tôi chẳng có lỗi gì cả. Tôi hận bản thân mình không đủ dũng cảm đứng lên trước uy thế của kẻ giàu có. Cái nỗi oan ức mình phải gánh chịu chỉ vì lý do nghèo khó dâng lên đến tận đỉnh đầu.
“Sống thế này để làm gì cơ chứ, tốt nghiệp cấp ba thì có ý nghĩa gì? Thà bỏ quách đi chỗ nào có lẽ tốt hơn”.
Tôi lục túi tiền, số tiền đủ để lên Seoul, nước mắt tôi lẫm chẫm, tôi bước vào quán nhậu ven đường, tôi nghĩ mình uống vài ly rượu rồi sẽ ra đi.
“Cô ơi, cho cháu một chai rượu và ít đồ nhắm”, tôi lên tiếng.
“Này học sinh, cháu sao thế ”, người bán hàng thường ngày thấy tôi mặc đồng phục học sinh hiền lành bán hàng, ngạc nhiên cất tiếng hỏi.
“Có gì đâu mà cô hỏi nhiều thế, cháu trả tiền cho cô cơ mà”.
Tôi phải cáu lên như vậy, người bán hàng chần chừ và muốn kéo dài thời gian. Chỉ trong mấy giây đó, trong đầu tôi lại chợt lóe ra một ý nghĩ khác.
“Mình bán trái cây cũng lâu rồi, mà đến giờ Cha mẹ vẫn chưa được thử một miếng trái cây”.
Khi tôi đến lấy hàng ở phố bán trái cây sỉ về bán lẻ và lau những món hàng này bóng lộn, mẹ tôi nhìn và khen thật là ngon, nhưng vì tôi đang “độc lập buôn bán” và luôn muốn mình có một chút lợi nhuận vì vậy tôi luôn làm ra vẻ không nghe thấy mẹ nói gì.
Mẹ tôi sáng nào cũng cầu nguyện cho tôi, tuy ngắn hơn so với các anh và thật đơn giản, nhưng không khi nào quên cả.
“Mình có phải nhất thiết ra đi ngày hôm nay không? Thôi, đưa mấy thứ trái cây kia về tặng cho mẹ ăn thật thoải mái rồi ngày mai ra đi cũng được, muộn thêm một ngày thì cũng chẳng có gì thay đổi cả”.
Tôi lại nhặt những thứ đã rớt, đưa lên xe và kéo chiếc ba gác về nhà. Mẹ tôi đã về đến nhà.
“Bố ạ, mẹ ạ, hôm nay Cha mẹ ăn trái cây đi, con còn lại nhiều lắm”.
Mẹ nhìn quả dưa hấu vỡ trên cái xe, tự nhiên lại thấy giọng nói của tôi mạnh mẽ, quá tự tin như vậy, mẹ hiểu đầu đuôi câu chuyện, chẳng nói gì và chui vào chăn ngủ. Tôi nằm mà chỉ nghĩ cách ra khỏi nhà.
Ngày hôm sau, mẹ tôi vẫn dậy và cầu nguyện như thường lệ. Nhưng ngày hôm đó lời cầu nguyện cho tôi dài hơn, có vẻ như đêm qua mẹ tôi không ngủ được.
“Xin hãy phù hộ cho Myung-bak, mong nó có được sức khỏe, và công việc nó được trôi chảy….”.
Tôi vẫn nhớ rõ lời cầu nguyện ngày đó của mẹ khác với ngày thường “Thì ra mẹ vốn quan tâm đến mình đấy chứ”. Quá cảm động vì lời nói của mẹ và quá ngạc nhiên, tôi quyết định lùi thời gian bỏ đi một tháng nữa. Nếu lời cầu nguyện của mẹ tôi không khác đi, và nếu người chủ quán đưa rượu nhanh cho tôi, có lẽ tôi đã lên tàu ra đi hôm đó.