Phần 4. GIÁM ĐỐC Ở TUỔI 35
Chắc cha Lee Myung-Bak là người nhà ông Chủ tịch Jung ».
« Không, Tổng thống Park chống lưng sau cho kìa ».
Với những lời đồn như thế này, ông Jung chỉ nói : « Tôi có bao giờ bổ nhiệm cậu ta đâu, cậu ta tự thăng cấp cho mình đấy chứ ».
Phần 1. Ừ, CẬU KHÓC THOẢI MÁI ĐI
Đầu những năm 70, tập đoàn Huyndai bắt đầu lột xác. Ở bên ngoài thì môi trường kinh doanh thay đổi, bên trong thì bộ máy cũng lớn lên rất nhiều. Đây là giai đoạn không thể không tái cấu trúc công ty. Xưa nay, chúng tôi đều lấy công ty xây dựng Huyndai làm trọng tâm tổ chức và vận hành công ty. Nhưng bây giờ thì việc quản lý trở nên khó khăn hơn vì với nhiều công ty thành viên khác đang thành lập liên tục như công ty xi măng Danyang, xưởng đóng tàu Ulsan, nhà máy xe hơi Huyndai thì không thể cùng lúc chỉ huy được tất cả.
Sự thay đổi của công ty bắt đầu từ con người và cũng kết thúc ở con người. Đặc biệt là ở những công ty lớn vốn trưởng thành từ công ty vừa và nhỏ. Đầu những năm 70, cũng giống như các công ty Hàn Quốc khác, những người sáng lập Huyndai không còn ở vị trí điều hành nữa, công ty đưa đội ngũ nhân sự trẻ tràn đầy tham vọng vào vị trí ban lãnh đạo. Nỗi đau lột xác sẽ gắn liền với sự trưởng thành. Tín hiệu thay đổi công ty xây dựng thành tập đoàn cũng bắt đầu từ sự kiện thăng tiến tôi lên làm phó giám đốc, rồi phó giám đốc chuyên trách, phó giám đốc thường trực và phó Tổng giám đốc.
Năm 1972, tôi trở thành phó giám đốc thường trực, nghĩa là chỉ 2 năm sau khi lên chức phó giám đốc. Công việc chính của tôi là xây dựng hệ thống quản lý phù hợp với sự phát triển liên tục của công ty xây dựng Huyndea, tăng cường sức mạnh của tổ chức và xúc tiến các dự án mới.
Với tư cách là phó giám đốc, tôi chú trọng vào việc hợp lý hóa kinh doanh. Thay vì mở rộng và chú trọng đến bề ngoài, tôi thay đổi thành cấu trúc nội bộ vững mạnh với phương châm lợi nhuận làm chính, chấn chỉnh tổ chức nội bộ, nâng cao hiệu suất. Tiếp theo là các phương án hợp lý hóa vận hành, cải cách một cách toàn diện như xây dựng qui định quản lý trung kỳ, tinh nhuệ hóa nhân sự, thực hiện chế độ quản lý nguồn vốn.
Tôi vừa tiến hành mạnh mẽ chính sách hợp lý hóa kinh doanh thì ngay lập tức tiếng nói phản đối vang lên. Không những các bộ phận liên quan đến thực hiện ngân sách mà ở dưới công trình người ta cũng chống đối kịch liệt.
« Cái cậu Lee phó giám đốc, trẻ người mà lên làm lãnh đạo nên chẳng coi ai ra gì thì phải ».
« Chắc là cậu ta đang nhầm tiền công ty thành tiền của mình rồi ».
Câu thứ nhất thì không đúng thực tế, nhưng câu thứ 2 thì đúng vậy. Tôi luôn nghĩ tiền công ty là tiền mình, chưa bao giờ nghĩ đó là tiền của người khác hay tiền của ông Jung, vì tôi nghĩ tất cả mọi thứ trong công ty thì tôi đều làm chủ.
Tháng 1 năm 1974, ở kỳ điều động nhân sự hàng năm, tôi được thăng chức lên Phó tổng giám đốc thứ 1, tròn 10 năm tính từ năm 1965 khi tôi vào công ty với cái câu nói « Xây dựng chính là sáng tạo ». Ở cái xã hội mà mọi thứ đều chi phối bằng tuổi tác và bằng thời gian kinh nghiệm làm việc thì sự thăng tiến của tôi là một sự phá cách. Việc nhiều người đưa ra những nghi hoặc cũng là điều đương nhiên thôi.
« Cái cậu Lee chắc chắn là người nhà của Chủ tịch Jung rồi, không phải là người nhà thì không thể nắm được cái điểm yếu của ông ấy ».
« Không phải đâu, có Tổng thống Park chống lưng đấy ».
Không chỉ ở trong công ty, mà bên ngoài cũng vậy. Các phương tiện truyền thông lấy sự thăng tiến của tôi làm đề tài thường nhật, toàn thể những người làm công ăn lương đều lấy chuyện thăng tiến của tôi thành đề tài trên bàn nhậu. Nhưng với những cái tin đồn này, thì ông Jung chỉ cười và cho qua rằng « Cậu phó giám đốc Lee đâu phải tôi thăng cấp cho cậu ta đâu, cậu ta tự thăng cấp cho mình đấy chứ, xã hội chẳng biết gì mà cứ hay nói lung tung ».
Trong buổi trả lời phỏng vấn làm thế nào mà thăng tiến nhanh như thế, tôi đã lời như thế này.
« Tôi gửi lòng kính trọng đến cách dùng người và dũng khí của ông Jung Chu Yong trong việc biết dùng nhân tài qua việc phán đoán năng lực của họ bất chấp những hiểm nguy ».
Nhưng niềm vui thăng tiến ấy cũng chỉ một hai lần, chứ một năm một lần, lại cứ lặp đi lặp lại trong khi bản thân tôi không biết thì dần dần cũng không còn cảm giác nữa. Nhưng tháng 1 năm 1974, khi trở thành Phó giám đốc thường trực, trái tim tôi đã tràn đầy cảm xúc và tôi không biết phải làm gì với tâm trạng ấy. Đến hôm nhận được bổ nhiệm, tôi cầm một bình rượu tìm đến nhà bạn cũ. Đó là nhà của Chang Dea Il, người bạn đồng hương tôi đã đến tìm sau khi cấp 3 nhưng tuyệt vọng vì cái tương lai của mình nên lên Seoul lang thang, rồi quyết tâm học đại học giữa chừng. Lâu lắm rồi mới gặp cậu ta, Chang Dea sau khi tốt nghiệp đại học Hanyang đã vào làm việc cho một công ty khác.
« Mình nhìn thấy trên báo, cậu trở thành phó giám đốc rồi hả ».
« Ừ, hôm nay mới có quyết định ».
« Chúc mừng cậu, phải làm vài ly chúc mừng chứ ».
Chúng tôi uống rượu cả đêm, rượu đã giải tỏa hết tất cả gì dồn nén trong trái tim tôi bấy lâu nay. Và cuối cùng, tôi bật khóc. Từ khi tôi trở thành người lớn, có lẽ đó là lần đầu tiên tôi khóc trước mặt người khác. Tôi lại nhớ về thời thơ ấu ở Pohang và hình ảnh mẹ đã mất. Mẹ, mỗi lần nghĩ đến mẹ là tôi lại không cầm được nước mắt.
« Myung-Bak à, cậu cứ khóc cho thoải mái, cậu tuổi còn quá trẻ mà lại trở thành phó giám đốc từ hai bàn tay trắng thế này, chắc chắn là trong lòng cậu có bao nhiêu điều muốn giải tỏa lắm phải không. Mình biết cậu là người giàu tình cảm hơn bất cứ ai khác. Thế mà ở cái xã hội cạnh tranh khốc liệt này cậu đã không thua ai và đã làm được, cậu cứ khóc cho thoải mái đi. Hôm nay trước mặt mình, có gì ấm ức chất chứa lâu nay cậu cứ nói hết đi, khóc đi, khóc đi Myung-Bak ».
Đó là một đêm thượng tuần tháng 1 năm 1974, tôi đã khóc thật nhiều.
Phần 2. CẬU LÀM GIÁM ĐỐC ĐI
Hàn Quốc bắt đầu tham gia vào thị trường xây dựng Trung Đông từ năm 1974. Sau khi Huyndai tham gia dự án đường cao tốc Thái Lan, ngành xây dựng Hàn Quốc nhờ vào cơn sóng đặc biệt có tên Chiến tranh Việt Nam và đã chuyển mình thành nền công nghiệp có thể hướng ra nước ngoài. Đầu những năm 1970, khi chiến tranh Việt Nam đi vào giai đoạn kết thúc, nhiều công ty xây dựng rút lui khỏi thị trường Việt Nam và bắt đầu chọn Trung Đông làm thị trường nước ngoài mới. Chúng tôi đặt chân lên mảnh đất là khởi điểm của cơn sốc dầu lửa năm 1973.
Nếu chỉ nói đó là cơn sốc dầu mỏ đơn giản thì thế hệ bây giờ chắc không cảm nhận được nó như thế nào. Cơn gió chủ nghĩa dân tộc dựa vào tài nguyên dầu đẩy giá dầu tăng lên chóng mặt từ 20 cent một thùng lên đến 28 USD một thùng chỉ trong vòng một ngày, tăng đến 23 lần.Với một đất nước không tự sản xuất lấy được một giọt dầu như Hàn Quốc thì đương nhiên hậu quả của cú sốc là rất lớn. Hàn Quốc lâm vào tình trạng kiệt quệ về ngoại hối và đứng trước nguy cơ sụp đổ ngoại hối.
Người đã cứu kinh tế Hàn Quốc khỏi cơn hỗn loạn đó chính là các công ty xây dựng tham gia vào thị trường Trung Đông trong đó có Huyndai. Các công ty xây dựng chính là liều thuốc tinh thần khiến cho nền kinh tế vốn đã chết vì cơn sốc dầu bây giờ có thể vực dậy. Những nhân viên kỹ thuật và người lao động Hàn Quốc đã làm việc không kể ngày đêm ở cái nóng sa mạc trên 40 độ và họ chính là những người yêu nước thực sự. Tinh thần vươn ra thị trường nước ngoài của các công ty Hàn Quốc đã trở thành một đóng góp không thể quên vào sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế Hàn Quốc.
Nhưng lúc đầu không phải bất cứ công ty xây dựng Hàn Quốc nào cũng lấy thị trường Trung Đông làm hy vọng cho mình cả. Đại bộ phận các công ty xây dựng đều không đánh giá cao thị trường đó, còn lại ở những công ty có ý chí tiến thủ thì luôn hai luồng dư luận tán thành và phản đối chọi nhau kịch liệt.
Công ty xây dựng Huyndai cũng vậy. Người tích cực tìm kiếm thị trường Trung Đông là ông Jung và tôi. Khi chúng tôi nhận thầu thi công dự án đầu tiên của Trung Đông là dự án trung tâm huấn luyện đóng tàu Badag Abas (8 triệu USD) của Iran thì cũng không gặp phải phản đối mấy. Nhưng năm 1975, một năm sau đó, khi chúng tôi xúc tiến đấu thầu thi công xưởng đóng và sửa chữa tàu Baxra trị giá 150 triệu USD thì ý kiến phản đối trở thành những xung đột gay gắt.
Ông Jung In Yong, giám đốc phụ trách nước ngoài của công ty xây dựng Huyndai đứng ra phản đối. Ông ta cho rằng so với năng lực của Huyndai thì đây là dự án quá lớn. Dự án cũng chứa không ít những nguy cơ thất bại, chúng tôi lại thường xuyên nghe tin về những công ty thất bại cay đắng khi tham gia vào thị trường Trung Đông vì do thiếu kinh nghiệm và kiến thức. Càng đến gần ngày đấu thầu thì ý kiến đồng ý và phản đối thành hai luồng đối lập nhau. Xuất hiện một tình cảnh trớ trêu là ông Jung Chu Yong thì đốc thúc phải làm ngay báo giá đấu thầu để xuất cảnh, còn ông Jung In Yong thì tìm mọi cách ngăn không cho xuất cảnh.
Dự án đóng và sửa chữa tàu Baxra Arap là một dự án lớn và Huyndai đã trúng thầu sau khi loại bỏ các đối thủ là các công ty xây dựng ưu tú khác trên thế giới. Khởi công tháng 10 năm 1975, và đã hoàn công vào tháng 10 năm 1997 sau khi đã cố gắng rút ngắn thời gian thi công. Đánh giá về kết quả thi công là cực kỳ hài lòng .
Và công trình tượng trưng điển hình cho dự án này chính là việc xây dựng cảng công nghiệp Juabil, dự án này là dự án đại lịch sử không chỉ cho Huyndai mà còn cho cả lịch sử nền kinh tế Hàn Quốc. Ý tưởng lấy một phần cấu trúc thép của cảng làm thành những block sắt tại trạm đóng tàu ở Ulsan, rồi đưa lên xà lan, chuyển bằng đường biển sang tận bán đảo Arap có thể nói khiến giới xây dựng không ít ngạc nhiên.
Những mạo hiểm ở Trung Đông liên tục trở thành những thành công khiến cho Huyndai cảm thấy tự tin và tự hào. Cho đến trước khi con quái vật chính trị xuất hiện thì Huyndai chẳng có vấn đề gì. Nhưng việc ông giám đốc Jung In Yong ra đi đã tạo ra biến động trong tầng lớp điều hành.
Mâu thuẫn giữa hai anh em nhà họ Jung trong viêc tham gia dự án xây dựng sửa chữa tàu biển Arap đi đến kết thúc bằng việc chia tay. Giám đốc Jung In Yong tách ra phụ trách công ty thương mại quốc tế Huyndai. Việc ra đi của ông Jung In Yong đã để lại hậu quả lâu dài. Không ít người bỏ Huyndai đi theo ông Jung sang công ty thương mại Huyndai. Thậm chí là có cả tin đồn ông Cho Sung Kun, giám đốc phụ trách thị trường trong nước cũng viết đơn xin nghỉ việc.
Một hôm, ông Jung gọi tôi đến phòng họp Chủ tịch ở trụ sở Hwanghoamon, đó là buổi tối, đã quá giờ làm việc. Ông Jung nét mặt đăm chiêu, có vẻ như quyết định một việc gì rất hệ trọng.
« Phải thay đổi đội ngũ lãnh đạo, cậu nghĩ thế nào ?»
Đây là vấn đề nhân sự trước sau gì cũng phải làm, tôi đang chờ suy nghĩ trong lòng ông ta.
« Tôi định đưa Chon Kap Won và Kim Chu Sin làm phó giám đốc thứ 2, cử Kim Chu Sin làm giám đốc dự án, ý cậu thế nào ? »
Cái này không phải là bàn bạc, mà là thông báo.
« Với lại.. cậu có nghe gì về giám đốc Cho không ?»
Tôi giả vờ không biết, vì thực sự cũng chưa nghe bất cứ ý kiến trực tiếp nào từ đương sự.
« Này, phó giám đốc Lee ».
Dạ.
« Thôi, không có gì đâu, cậu về đi ».
Ông Jung định nói câu gì nhưng lại thôi. Cái câu nói mà ông định nói với tôi ngày hôm đó đã được làm rõ vài ngày trước khi diễn ra cuộc họp Tổng giám đốc đầu năm sau, năm 1977. Ngày hôm đó, ông Jung cũng gọi tôi vào phòng Chủ tịch, nhìn chằm chằm một hồi rồi mới mở miệng.
« Giám đốc Jung, ông giám đốc Cho đi cả rồi, bây giờ ai làm giám đốc đây ? »
Ông ấy nói chuyện khác, ông ta thường có thói quen hay nói chuyện lung tung trước khi đi vào câu chuyện chính.
« Cậu làm giám đốc đi ».
Tôi không thể không ngạc nhiên.
« Chủ tịch, tôi còn chưa đủ kinh nghiệm để làm giám đốc đâu ».
« Chẳng còn người nữa đâu, Kwon Ki Thea (phó giám đốc phụ trách hải ngoại) là kỹ sư nên không biết quản lý, Se Yong (em ông Jung) thì đang phụ trách công ty ô tô, Sun Yong (em ông Jung) thì đang trụ với nhà máy xi măng.. »
« Với lại tôi còn rất trẻ, trên tôi còn có rất nhiều bậc tiền bối ».
« Vậy thì cậu đưa ra phương án khác cho tôi xem, thanh niên gì mà không có tham vọng gì cả ? ».
Ông Jung khăng khăng. Có vẻ như ông đã quyết định. Đây cũng không phải là quyết định một sớm một chiều. Vì vậy thay đổi quyết định đó cũng không dễ chút nào. Nhưng tôi thì lại thật lòng từ chối. Thế gian này không phải việc gì cũng làm bằng năng lực và niềm tin được. Để trở thành giám đốc một công ty xây dựng lớn nhất trong nước và một công ty xây dựng tầm cỡ thế giới như Huyndai, tôi đúng là còn quá trẻ.
« Xây dựng là gì chứ ? Xây dựng là ngành nghề tổng hợp, người thành công ở xây dựng thì có thể thành công ở bất cứ thứ gì. Đặc biệt quảng lý con người chính là sinh mạng của công ty. Vậy mà từ xưa đến nay tôi quên mất. Tôi cứ tưởng làm ăn kinh doanh có lãi là được. Nhưng không phải, gần đây tôi mới thấu hiểu được việc quản lý con người quan trọng thế nào».
Chắc vụ tranh chấp của người lao động tại nhà máy công nghiệp nặng Huyndai ở Ulsan và vụ bạo động tại công trình Trung Đông đã khiến ông thấu hiểu sự quan trọng của quản lý con người.
« Phó giám đốc Lee, cậu có vẻ biết quản lý người đấy, hãy vì tôi, không, vì Huyndai, cậu làm giám đốc đi nhé ».
Có lẽ đây là lần đầu tiên ông bàn bạc với đương sự được thăng chức là tôi. Đây là chức vụ hoàn toàn mới so với những gì tôi đã phụ trách trong thời gian vừa qua. Đây là sự lựa chọn quan trọng liên quan đến tương lai của công ty xây dựng Huyndea và tất nhiên là cả tập đoàn nữa. Sự lo lắng của ông hiện rõ trên đôi mắt.
Vài ngày sau, tại cuộc họp, tôi được bầu làm giám đốc phụ trách nội địa của Huyndai. Nhưng quả thật là tôi không đi làm nổi, vì xấu hổ đến mức không thể ngẩng đầu lên được. Cũng giống như lần bổ nhiệm phó giám đốc thứ 1, lần này cũng có biết bao nhiêu là lời ra tiếng vào.
« Phải phục tùng cái thằng cha giám đốc trẻ măng 35 tuổi, mấy thằng già như chúng mình không lẽ cứ ngồi ở vị trí trưởng phòng mãi ».
« Này, chắc cái công ty này làm ra để cho Lee Myung-Bak thăng tiến thì phải ».
« Hình như ông Jung bị cha Lee này nắm cái nhược điểm gì thì phải ».
« Không phải đâu, Tổng thống Park cứ chống lưng hoài kìa ».
Câu chuyện này thoát ra ngoài công ty, thành câu chuyện của giới kinh doanh và thường dân nữa.
Tôi cũng cảm thấy rất khó xử với đồng nghiệp và tiền bối. Định không đi làm thì ở nhà điện thoại chúc mừng reo liên tục. Rồi báo chí, truyền hình, tạp chí tìm tôi đề nghị phỏng vấn. Thậm chí có cả nhà báo xộc thẳng đến tận nhà tôi. Cuộc đời không cho tôi bất cứ phút thảnh thơi yên tĩnh nào để suy nghĩ về vấn đề xảy ra với mình.
Tôi và vợ tìm về quê ở Pohang. Vậy là sau 15 năm, tôi mới trở lại với mảnh đất quê hương nghèo khó, mảnh đất mà khi tôi ra đi thậm chí còn không tham dự được lễ tốt nghiệp cấp 3. Nhìn biển xanh thăm thẳm và không có bến bờ, tôi và vợ quyết định không trốn tránh số phận sẽ đến với mình trong thời gian sắp tới. Chúng tôi quyết định không trở thành ông giám đốc ăn lương theo kiểu được chăng hay chớ. Nhưng tôi đã không tưởng tượng được những khó khăn ập đến với tôi sau khi tôi trở thành giám đốc.
Phần 3. CẠNH TRANH
“Chắc là ông Jung đã có những phán đoán quá nóng vội, bổ nhiệm một tổng giám đốc mới hơn 30 tuổi vào công ty xây dựng Huyndai, một công ty hàng đầu của Hàn Quốc chứ có phải công ty vừa và nhỏ đâu. Công ty lớn nhanh quá nên ông ta chẳng biết sợ là gì thì phải. Chỉ một năm nữa là ông Jung sẽ gặp họa vì việc bổ nhiệm nhân sự này cho mà xem”.
Những lời nhận xét tiêu cực về việc bổ nhiệm của tôi bắt đầu xuất hiện ở khắp nơi. Có lẽ đây là những lời nói thể hiện sự lo lắng về việc thăng tiến của tôi trong giới tài chính.
Năm đó cũng là năm đầu tiên Huyndea trở thành công ty đứng đầu Hàn Quốc. Thời ấy, Samsung luôn giữ vị trí đứng đầu trong tất cả công ty, vị trí mà không ai có thể lay chuyển nổi. Việc một công ty nào đó vượt mặt Samsung trong nước là điều không ai tưởng tượng nổi. Nhưng cơn sóng kinh tế Trung Đông đã lật ngược tình thế. Với công ty xây dựng Huyndai, Hàn Quốc tham gia vào thị trường kinh tế Trung Đông, trong khi Samsung thì lại không tham gia. Việc Huyndai vượt lên Samsung không đơn thuần chỉ là việc thay đổi vị trí giữa hai công ty. Năm 1973, sau cơn sốc dầu liên tục, dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc xuống dưới 30 triệu USD và đất nước đứng trước tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Chính các công ty xây dựng Hàn Quốc đã cứu đất nước khỏi cơn nguy kịch này bằng cách tham gia vào thị trường nước ngoài. Công ty đi đầu trong tất cả các công ty xây dựng ở hải ngoại chính là Huyndai. Trạm đóng tàu Ulsan cũng là một trong những địa điểm thu hút ngoại hối rất lớn.
Và như vậy, không chỉ về mặt bề ngoài, mà sự đóng góp cho đất nước thì Huyndai cũng vượt qua Samsung, nhận thức cạnh tranh giữa Samsung, một công ty theo đuổi chủ nghĩa số 1 và Huyndai càng trở nên nghiêm trọng.
Cuối năm đó, tôi được mời làm diễn giả tại hội thảo được tổ chức bởi hủy ban quản lý nhân sự toàn quốc. Tôi vui vẻ nhận lời. Nhiều lãnh đạo và cán bộ của các công ty đã tham gia đầy đủ tại Suyuri Academi. Rất nhiều người tham gia cũng đang rất tò mò về vị giám đốc mà công ty xây dựng Huyndai mới bổ nhiệm.
« Như các quí vị cũng đã biết, tôi còn khá trẻ, chỉ ở lứa tuổi 30 thôi. Tôi còn thiếu kinh nghiệm và phải học hỏi rất nhiều. Thậm chí có một người nào đó trong giới tài chính còn lo lắng rằng tập đoàn Huyndai sẽ khó khăn sau khi bổ nhiệm tôi ».
Tôi nói ề những trường hợp thực tế đóng góp cho nền kinh tế, độ tăng trưởng của công ty, nói thêm về việc cái công ty không chừng bị phá sản bây giờ lại trở thành số 1.
« Sự quyết đoán của ông Jung Chu Yong về việc bổ nhiệm tôi, tôi không nghĩ đó là sự ngẫu hứng hay là quyết định tình cờ. Tôi nghĩ đó là quyết định phù hợp với dòng chảy của thời đại. Nền kinh tế chúng ta trải qua các thời kỳ kinh tế khai thác, thời kỳ kinh tế viện trợ nhưng hiện nay đang bước vào thời đại quốc tế hóa, thời đại tăng trưởng tập trung cao độ và hiện nay không thể không thay đổi về chất. Việc cải thiện về chất bắt đầu từ việc bổ nhiệm những nhân sự chuyên về kinh doanh. Đây là thời đại mà tính chuyên môn và năng lực tổ chức làm chủ đạo chứ không còn là thời kỳ phụ thuộc vào sự quyết định và hoạt động của một mình người sáng lập công ty. Tôi nghĩ ông Jung bổ nhiệm tôi vào chức vụ này cũng vì như vậy. Tôi có tự tin để trả lại những nỗi lo lắng không cần thiết mà một số người giành cho công ty chúng tôi ».
Tiếng vỗ tay vang lên. Rất nhiều lãnh đạo và cán bộ của các công ty đang mong muốn sự thay đổi đều có sự đồng cảm lớn với tôi.
Mâu thuẫn với tập đoàn Samsung lên đến mức đỉnh điểm khi công ty xây dựng Huyndai và tờ Trung ương nhật báo đối đầu kịch liệt. Tháng 3 năm 1979, tờ Trung ương nhật báo đưa lên trang nhất bài viết “Công ty xây dựng Huyndai thi công kém chất lượng công trình đường hầm đi bộ sân bay Kimpo”. Tiếp theo, tờ báo này còn đăng tiếp bài báo “Công ty công nghiệp nặng Huyndai thi công kém chất lượng công trình thùng chứa dầu ở khu công nghiệp Onsan”. Có vẻ như họ muốn tạo một hình ảnh là tất cả những gì của Huyndai đều là kém cả.
Chúng tôi trực tiếp phản đối, nhưng chẳng tìm ra cách giải quyết. Chúng tôi quyết định dùng các trang quảng cáo để chống lại. Chúng tôi cho đăng bài ở phần quảng cáo trang thứ nhất tất cả các tờ báo nhật báo, trừ tờ Trung ương nhật báo, và chủ yếu tấn công về con người ông Hong Jin ki, giám đốc của tờ báo.
Công ty Samsung cũng huy động toàn thể tập đoàn đứng ra chống lại chúng tôi. Kể cả các công ty thành viên cũng tập hợp nhân viên vào buổi sáng và phát cho họ các tờ rơi với chủ đề “Lý do chiến đấu với Huyndai. Trong khi tập đoàn chúng tôi thì chỉ có tôi, ông Jung và trưởng phòng kế hoạch kinh doanh của tập đoàn là phó tổng giám đốc Song Yun Jea lo chuyện này. Còn tất cả các lãnh đạo khác thì không được tham gia.
Ngoài việc đăng ở trang quảng thứ nhất ở các tờ nhật báo. Chúng tôi yêu cầu ông Chủ tịch Samsung Lee Byong Chol phải đứng ra xin lỗi trực tiếp và coi đó là điều kiện để giải quyết vụ việc. Nhưng Chủ tịch Lee đâu phải là người dễ dàng tung cờ trắng đầu hàng. Đây là cuộc đấu của lòng tự trọng.
Cuộc đấu lan đến Uỷ ban an ninh quốc gia. Phó trưởng cơ quan an ninh Kwon Jung Tal gọi tôi lên. 10h sáng, tôi và Phó tổng giám đốc Song đến nơi. Ông Kwon nói.
“Tôi mong muốn hai bên ngưng lại và hòa giải. Samsung từ nay trở đi sẽ không bao giờ tấn công Huyndai a nữa”.
“Việc cam kết không tấn công Huyndai nữa tại sao lại xuất phát ở Ủy ban an ninh chứ ? Chúng tôi muốn trực tiếp nghe lời nói đó từ ông Lee Byong Chol”.
“Ai đứng ra chịu trách nhiệm mà chẳng được, tại sao phải là ông Lee Byong Chol chứ ?”
“Vì người khác có dù không muốn làm, nhưng nếu ông ấy quyết làm thì họ lại lật ngược lại được. Ngoài ông ấy, chẳng ai ở tập đoàn Samsung có thể chịu trách nhiệm được cả ».
Phó trưởng cơ quan an ninh Kwon nổi nóng, lớn tiếng.
“Thôi đi không được sao. Cãi nhau ỏm tỏi thì được cái gì chứ”.
“Vì tương lai của kinh tế và ngôn luận của Hàn Quốc, chúng tôi làm rõ trắng đen và bắt ông ta cam kết việc này. Tài phiệt sử dụng cơ quan ngôn luận như công cụ của mình để đánh đối thủ khác thì thiệt hại của nó là không kể hết. Chỉ vì một lỗi nhỏ của công trình mà đưa lên làm đầu đề mặt một của một tờ nhật báo được sao ? Nhất thiết phải chấn chỉnh điều này, ít ra cũng vì tương lai của ngôn luận Hàn Quốc”.
Tôi tiếp tục phản đối lại lại phó trưởng ban an ninh đang nổi nóng. Phó tổng giám đốc Song ngồi bên cạnh dẫm chân tôi vẻ nhắc nhắc. Ông ta dẫm mạnh quá nên rất đau. Tôi quay lại to tiếng với ông ta.
“Phó tổng giám đốc Song sao lại dẫm vào chân tôi thế? Để tôi nói cho xong chứ. Tôi nói lại, nếu ông ta không gặp Chủ tịch tôi và xin lỗi thì tôi sẽ tiếp tục cho đăng tất cả những nội dung đã chuẩn bị”.
“Ông Lee bây giờ không có trong nước, sao mà xin lỗi được”.
“Ông nói gì chứ, tôi biết ông ta đang ở trong nước mà”.
“12h trưa nay, ông ta sẽ sang Nhật Bản”.
Tôi nhìn đồng hồ, gần 12 giờ.
“Chưa đến 12h, sao anh lại nói là đã đi Nhật Bản là sao ?”.
“Thì ông ta đang đi Nhật Bản và không có ở đây. Tôi mong các ông cố gắng tìm cách giảng hòa với nhau, hành động thận trọng đừng để vụ việc lan ra”.
Tôi về đến văn phòng, Phó Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee điện thoại đến.
“Ông Kim Tuk Bo của đài phát thanh Dongyang sẽ đến, vì vậy rất cảm ơn nếu ông cùng với ông ta nói chuyện với nhau”.
“Tôi chẳng biết ai là Kim Tuk Bo cả. Đây không phải là chuyện đi nói với những người như thế”.
“Ông ta là đại diện của công ty chúng tôi. Ông ta ở vị trí có thể giải quyết được mọi việc một cách có trách nhiệm”.
Chúng tôi cũng không thể khăng khăng yêu cầu ông Chủ tịch Lee Byong Chol trực tiếp xin lỗi nữa. Đòi cái người đã sang Nhật đứng ra thì cũng là yêu cầu quá sức. Và cuối cùng chúng tôi chấp nhận đề nghị của phía Samsung. Phía Samsung có Chủ tịch tờ báo Trung ương ông Hong Jin Ki, giám đốc đài phát thanh truyền hình Dongyang Kim Tuk Bo, phía chúng tôi thì có ông Jung Chu Yong và tôi, 4 người hẹn gặp nhau bí mật ở khách sạn Chosun vào lúc 5 giờ sáng ngày hôm sau.
“Cái nghề xây dựng ấy, đổ bê tông thì sẽ có các vết nứt. Và người ta cũng có cách để phục hồi các vết nứt đó. Đi khắp thế gian này không có bất cứ công trình nào mà không có vết nứt như vậy đâu. Nếu viết từng cái một vậy thì làm thêm một tờ báo nữa cũng không đủ đâu, chuyện ở Onsan cũng vậy nữa »
Vừa gặp nhau, ông Jung vốn tính nóng, đã nói ngay là mấy anh nhà báo chẳng biết cái gì về công trình mà cứ viết bừa là hư hỏng. Chủ tịch Hong Chin Ki ngắt lời.
“Chủ tịch Jung, tôi nói thật là ông có giải thích về vấn đề kỹ thuật tôi cũng không hiểu đâu. Mà chúng ta gặp nhau đâu có phải để nói chuyện đó đâu”
Bầu không khí trở nên ngượng ngạo, tôi bèn chen vào.
“Tôi cùng Chủ tịch Jung đến đây, vì vậy về vị trí tôi không đủ tư cách để nói, nhưng nếu Chủ tịch Jung và Hong cho phép thì tôi sẽ nói”.
Ông Jung im lặng, vẻ cho phép.
“Nhiều người phê phán rằng tài phiệt sở hữu cơ quan ngôn luận, nhưng tôi thì cho rằng đó là việc làm đúng. Vì tôi nghĩ nếu Samsung có cơ quan ngôn luận thì Samsung sẽ hiểu công ty hơn. Nhưng cơ quan ngôn luận mà Samsung sở hữu lại đang làm xấu hình ảnh của công ty hơn là thực hiện cho đúng chức năng của nó. Tờ báo đó đã vứt bỏ đạo đức của nó đi và làm công cụ cho Samsung. Chủ tịch Jung cũng vừa nói đấy, những cái lỗi kiểu đó thì bất cứ công ty xây dựng nào họ cũng đủ sức để giải thích được. Tôi không biết là độc giả người ta sẽ nghĩ vì về cái việc ai cũng biết ấy mà lại đưa lên mặt một của một tờ báo. Nếu Chủ tịch Hong muốn đi theo con đường đạo đức của của ngôn luận thì phải xin lỗi đi thôi ».
Nghe tôi nói xong, Chủ tịch Hong bỗng dưng chỉnh đốn lại tư thế, trịnh trọng cúi đầu.
“Tôi đã nghe nói về giám đốc Bak rất nhiều, hôm nay mới được gặp lần đầu. Giám đốc Bak nói đúng và có lý. Với tư cách là giám đốc cơ quan ngôn luận, tôi còn phải học hỏi nhiều”.
Tôi nói rõ rằng vì ông Jung đã giải thích về vấn đề kỹ thuật nên tôi chỉ nói về thái độ của cơ bản của một cơ quan ngôn luận. Vì lời khen giành cho tôi có khi lại làm giảm uy tín của ông Jung.
Ông Chủ tịch Hong lại cúi đầu, ông ta nói những việc diễn tiến đến ngày hôm nay là có sai lầm.
Lúc đó, ông Kim Tuk Bo, ngồi lặng từ đầu buổi, bấy giờ mới lên tiếng.
« Đất nước chúng ta đang khó khăn, hai công ty chúng ta phải hỗ trợ lẫn nhau và phải phát huy sức mạnh ra bên ngoài được. Cả chính phủ và cả nhân dân đang nhìn hai tập đoàn chúng ta đánh nhau với ánh mắt tiêu cực. Tôi mong muốn hai bên chúng ta đều nhượng bộ nhau và giải quyết trong im lặng”.
Và như vậy, hai bên hòa giải với nhau.
Sau sự việc này, hai tài phiệt lớn nhất Hàn Quốc thoát khỏi những xung đột có tính tiêu cực. Chủ tịch Lee cũng như Chủ tịch Jung với tư cách là những người đi đầu trong giới công ty, là những người đi chung một con đường, họ thỉnh thoảng còn gặp và đối thoại với nhau .
Tuy nhiên sự cạnh tranh lành mạnh giữa hai công ty không dừng lại. Hằng năm, doanh số bán ra, tài sản và vị trí lợi nhuận ròng của mỗi công ty chính là mối quan tâm lớn của các thành viên công ty và các gia đình.
Sau đó, Huyndea tham gia vào thị trường chất bán dẫn và điện tử, còn Samsung cũng tham gia vào xây dựng và đóng tàu. Gần đây, Samsung tham gia vào thị trường xe hơi và điều đó đồng nghĩa là sự cạnh tranh lành mạnh giữa hai tập đoàn vẫn đang tiếp tục.
Việc hai tập đoàn xung đột với nhau có lúc đã khiến người dân Hàn Quốc không hài lòng, nhưng cũng có thể đánh giá rằng sự cạnh tranh này đã trở nguồn động lực để nuôi dưỡng năng lực cạnh của công ty và Hàn Quốc khi bước vào thập niên 90, thập niên của thời đại cạnh tranh không giới hạn.
Phần 4. VỊ GIÁM ĐỐC LÀM CÔNG ĂN LƯƠNG VÀ CON TRAI NGÀI CHỦ TỊCH
Đầu năm 1980, con trai của Chủ tịch Jung Chu Yong là Jung Mong Pil, khi đó đang là trưởng đại diện tại London của Huyndai quay về công ty và đảm trách chức vụ phó giám đốc hải ngoại của công ty xây dựng Huyndea.
Quan hệ giữa một người thừa kế của một tập đoàn tài phiệt (chebol) và một vị giám đốc làm công ăn lương chẳng có bất cứ một giọt máu ruột thịt nào với dòng họ Jung trở nên khó xử. Trưởng nam của Chủ tịch nhiều tuổi hơn tôi, còn tôi ít tuổi hơn thì lại là cấp trên của anh ta.
Trong tập đoàn có nhiều công ty thành viên, nếu muốn tránh sự xung đột giữa giám đốc làm thuê và trưởng nam của Chủ tịch là việc rất dễ dàng, nhưng chắc chắn là ông Jung có dụng ý gì đó.
Chẳng hiểu ý định của người cha họ Jung lớn thế nào, nhưng nỗi lòng của người con là ông phó giám đốc Jung thì quả không đơn giản. Các em của ông, người nào cũng đang phụ trách một công ty nhỏ.
Ít lâu sau tôi mới biết là cán bộ cấp dưới vì quan hệ giữa tôi và phó giám đốc Jung mà vô cùng khó làm việc. Một hôm một cán bộ của công ty tìm đến, nói vẻ thận trọng.
“Đây là nội dung khó nói nên trong thời gian vừa qua tất cả mọi người đều im lặng, nhưng tôi vì công ty mà dũng cảm nói ra. Sau khi phó giám đốc Jung được bổ nhiệm, tất cả những giấy tờ mà giám đốc ký đều bị phó giám đốc ngưng lại. Còn những việc giám đốc nói không làm thì ông ấy lại nói sao lại không làm nên gọi lên và chỉ thị phải làm ngay, khiến cho những người cấp dưới rất khó làm việc”.
“Chuyện này sao bây giờ anh mới nói ?”.
“Chúng tôi biết tính giám đốc, mà ông Jung thì lại là trưởng nam của giám đốc, chúng tôi sợ vì chuyện này mà có chuyện gì không hay”.
“Chẳng có gì đáng lo cả, tôi sẽ không nói cho ai biết đâu là anh nói cả, cảm ơn anh đã nói chuyện này”.
Ngày hôm sau, tôi kêu phó giám đốc Jung lên phòng làm việc của tôi. Không biết có phải giám đốc làm công ăn lương mà lại dám gọi con trai của Chủ tịch tập đoàn làm thế này thế kia là không hợp lý chút nào hay sao mà phó giám đốc Jung chần chừ hồi lâu mới lên. Tôi nói thẳng vấn đề.
“Phó giám đốc Jung Mong Pil, những gì tôi nói không phải nói vì chuyện riêng tư. Đây là câu chuyện công giữa phó giám đốc và giám đốc công ty xây dựng Huyndai. Theo tôi biết thì vì phó giám đốc Jung gây cản trở cho công việc của giám đốc làm nên mọi việc của công ty đang trở lên lộn xộn. Tôi không biết chính xác nhưng cấp dưới vừa làm việc mà lại không biết phải theo anh hay theo tôi nên càng khó làm. Cứ thế này thì công ty không thể vận hành được. Tôi biết trong tương lai phó giám đốc Jung sẽ phụ trách một công ty độc lập, và dần trở thành Thống soái của cả tập đoàn này. Và tôi hiểu việc làm việc với tôi chỉ là một trong quá trình đó. Nhưng việc đi làm giám đốc công ty khác, hay thống soái là việc của khi đó, còn bây giờ, nếu còn là phó giám đốc của công ty xây dựng Huyndai thì phải tuân theo chỉ thị của giám đốc. Nếu không muốn theo lệnh của tôi thì hãy nói với Chủ tịch Jung và chuyển đi công ty khác”.
Phó giám đốc Jung Mong Pil, ngược lại, rất lắng nghe ý kiến của tôi.
“Tôi ít tuổi hơn phó giám đốc, nhưng nếu nói về kinh nghiệm làm việc thì tôi thuộc lớp người của bố anh chứ không phải thế hệ của anh. Khi anh phụ trách tập đoàn này thì chắc tôi cũng đã rời khỏi tập đoàn như thế hệ của bố anh rồi. Mong anh hãy hiểu và ghi nhớ cho rằng tuổi làm việc thì tôi ở cùng thế hệ với bố anh. Từ nay trở về sau, làm việc như thế nào là tùy thuộc vào sự lựa chọn của anh”.
“Tôi hiểu rồi”.
Phó giám đốc Jung chấp nhận lời nói của tôi, nét mặt của ông hoàn toàn khác với nét mặt khi mới vào phòng.
Không bao lâu, tôi gọi cho vị cán bộ đã nói chuyện đó với tôi lên và hỏi công việc dạo này thế nào?
“Lạ lắm ạ, dạo này phó giám đốc hỗ trợ tốt cho giám đốc lắm. Hồi xưa thì việc gì cũng : Không cần giám đốc duyệt, tôi duyệt rồi cứ thế mà làm, thế mà bây giờ lại nói là báo cáo giám đốc chờ phê duyệt rồi hãy làm, làm sao lại có sự thay đổi như thế được ạ, không biết giữa hai người có chuyện gì không ạ? »
“Tôi đâu có gặp ông phó giám đốc Jung, chắc vì ông ấy đến công ty chưa bao lâu nên chưa nắm được nghiệp vụ đó thôi, theo tôi biết thì ông ấy không phải là người thế đâu, hãy hỗ trợ ông ấy thật nhiều”.
Chẳng bao lâu, ông Jung Mong Pil nhanh chóng kết thúc việc học tập kinh doanh tại công ty xây dựng Huyndea và được bổ nhiệm làm giám đốc nhà máy thép Inchon.
Ông ấy, một con người bắt đầu công việc với tràn đầy nhiệt huyết, nhưng rồi một ngày, trên đường từ Ulsan về Seoul sau khi kết thúc, thật không may, ông ấy gặp tai nạn và ra đi. Ông ấy có thể ngủ lại một đêm ở Ulsan rồi sáng hôm sau về cũng được, nhưng quá sốt ruột với công việc nên về đường đêm và gặp tai nạn. Nó lại đúng vào thời kỳ mà năng lực kinh doanh của ông ấy đang chín rộ.
Ông Jung gặp tin dữ về con khi đang ở Mỹ, nhưng ông đã không về nước. Có lẻ ông ấy không thể cam lòng mà nhìn con trai trưởng ra đi. Tang lễ ấy tôi làm chủ tang và rất bối rối.
Câu chuyện diễn ra tại căn phòng của tôi giữa tôi và ông ấy vẫn bí mật cho đến ngày hôm nay. Đây là lần đầu tiên tôi viết về việc này.
Phần 5. LÀN GIÓ CHUNG CƯ H HUYNDAI Ở PHƯỜNG APGUJUNG
Cây to thì bóng lớn, công ty chúng tôi vừa trở thành công ty có doanh thu đứng đầu trong nước thì lập tức gặp phải nhiều thử thách.
Ngày 6 tháng 7 năm 1978, ngày Tổng thống Hàn Quốc Park Chunghee trúng cử nhiệm kỳ thứ 3, trên trang nhất một tờ báo đã đăng dòng chữ “Vụ bán chung cư đặc biệt của Huyndea”.
Ngày hôm đó, trên tất cả các trang đầu các tờ báo đều đăng tin vụ việc chung cư của Huyndai, còn trang 2 và 3 thì ngập những dòng chữ đầy hưng phấn về nó. Trong khi đó, tin trúng cử Tổng thống lại chỉ được in ở một góc nhỏ trên trang đầu. Đây quả là sự thất kính nghiêm trọng bởi chỉ là thông tin về một công ty nhưng lại đẩy tin trúng cử của Tổng thống cả một đất nước về một góc. Tất cả mọi người đều thi nhau mỉa mai Huyndai, còn tôi thì lại thấy mình như người phụ nữ trong kinh thánh, bị tất cả mọi người bao bọc xung quanh, trong tay họ còn đang cầm sẵn cả những hòn đá để chuẩn bị ném xuống bất cứ lúc nào.
Vụ việc này như châm lửa cho sự phẫn nộ của quần chúng vốn ghét sự cấu kết giữa chính trị và các tập đoàn. Đồng thời nó cũng liên quan đến ý thức chống đối chính quyền quân sự, những người đang dự định cầm quyền lâu dài. Chính quyền bắt đầu cảm thấy hoang mang nên họ đã đứng ra ứng xử một cách nhanh chóng. Họ hướng sự quan tâm sắp bùng nổ của quần chúng sang phía các tập đoàn. Vụ việc Huyndai là thứ phù hợp nhất để chuyển những phẫn nộ và tuyệt vọng của quần chúng giành cho trúng cử lần 3 của Tổng thống sang một phương hướng hoàn toàn khác.
Ngay lập tức, liền có lệnh điều tra. Kết quả là hàng loạt viên chức, nhân viên ngân hàng bị bắt, bị khởi tố, một số người làm ngôn luận lại bị đưa lên nằm trên chính thớt ngôn luận để rồi sau đó buộc phải ra đi. Một số nghệ sĩ gạo cội cũng phải nhận tổn thương rất lớn về danh dự. Về phía tập đoàn Huyndea, giám đốc công ty cổ phần xây dựng đô thị Hàn Quốc, cũng là con trai thứ của ông Jung tên là Jung Mong Ku, và phó giám đốc Kim Sang Chin đã phải vào tù. Tiếp đó là lệnh giải thể công ty phát triển đô thị Hàn Quốc.
Điều gì khiến sự việc trở nên như vậy ?
Năm 1975, khi công ty xây dựng Huyndea lấp vùng đất hoang ở phường Apkujong để xây dựng khu chung cư qui mô lớn, lúc ấy, tôi còn làm phó giám đốc. Tôi là người chỉ đạo xây dựng chung cư Huyndai từ thời còn công trình ở Sobingo, vì vậy tôi đặt rất nhiều hy vọng vào công tình chung cư tại Apgujung.
Thời đó, đại đa số người dân đều sống tại những chung cư giành cho người thu nhập thấp và nhận thức của người dân Seoul về chung cư cũng chỉ ở mức “chung cư chỉ là nơi chứa những người không có nhà ở”. Nhưng tôi nghĩ nếu xây dựng một chung cư có chất lượng tốt, thổi vào một luồng gió mới và xóa bỏ được những định kiến về văn hóa cư trú thì đây nhất định sẽ là một dự án hoàn toàn có khả năng thành công. Để thực hiện dự án này, chúng tôi phải thành lập ra công ty con tên là «Công ty phát triển đô thị Hàn Quốc » và công ty xây dựng Huyndai sẽ phụ trách phần việc xây dựng.
« Không biết là sức mua có đủ hay không ». Một thoáng bất an xuất hiện và trở thành hiện thực. Chúng tôi đã công bố bán hàng ra nhưng ở phòng đăng ký thì vẫn vắng người. Mà thời ấy đâu cần phải có thủ tục, điều kiện gì phức tạp hay cần tư cách như bây giờ đâu. Nói chung mọi người đều nhìn cái chung cư cao tầng mọc lên cạnh dòng sông Hán cát bụi bay bù mịt, đất vàng khè như một con quái vật.
Hàng bán không được, không thể ngồi yên. Chúng tôi quyết định chuyển sang hình thức trả tiền chậm. Cũng không được, đành chuyển sang nới lỏng qui định trả tiền. Nhưng những người thường có nhu cầu chung vẫn không nhúc nhích. Ngược lại, những người giàu có trong xã hội chúng ta lại bắt đầu đăng ký. Họ vừa yêu cầu một số phương pháp chi trả tiền thuận lợi hơn, vừa tiếp cận với nhiều phương thức khác nhau.
Ban đầu, tôi và ông Jung chẳng để ý gì đến nó. Chúng tôi chỉ nghĩ rằng chỉ cần có những người nổi tiếng vào ở thì sẽ mang lại hiệu quả mới trong việc quảng bá hình thức mới của văn hóa cư trú. Hơn thế nữa, còn có ý kiến cho rằng không chỉ nên cho mời riêng viên chức, nhà báo vào ở, mà phải mời cả những doanh nhân có quen biết, những nhân sĩ trí thức, nhà nghệ thuật vốn thân thiết với Chủ tịch Jung vào. Bọn họ đều cảm ơn chúng tôi cả. Đến đây thì không xảy ra vấn đề gì.
Tuy nhiên, chỉ khoảng 1-2 năm sau, làn gió mới về chung cư bắt đầu bùng phát. Các căn hộ được bán với giá chênh lệnh rất lớn. Và như thế là những người có nhu cầu nhưng không mua được nhà bắt đầu khiếu nại rằng chung cư của Huyndai ở phường Apkujong là có « bán kiếm lời » mặc dù nó đã được bán trước khi cơn sốt xẩy ra.Khuyến mãi vì không bán được hàng bây giờ trở thành “đặc lợi”.
Chính phủ thì muốn vụ án này càng ngày càng lớn để tìm lối thoát cho tâm lý của dân chúng.
Sau khi chính phủ quyết định đưa ra phương châm “Hãy giải thể công ty xây dựng đô thị Hàn Quốc”, Bộ trưởng Bộ xây dựng thời ấy là Sin Hyong Sik gọi Chủ tịch Jung lên. Lúc ấy, ông đã phạm phải một sai lầm. Đó chính là nói với Chủ tịch Jung rằng “Hãy cùng đưa giám đốc Lee Muyng Bak lên đây” mặc dù tôi không phải là người đương sự.
Phần 6. TỔN THƯƠNG VÀ LẬT NGƯỢC THẾ TRẬN
“Hoặc đuổi cổ Lee Muyng Bak đi, hoặc cho đi công ty khác, tôi còn làm Bộ Trưởng thì đừng mong đưa cậu ta lên làm giám đốc, nếu không Huyndai sẽ phải gánh chịu những tổn thất lớn cho xem”.
Năm 1976, khi công ty Huyndai vượt qua công ty xây dựng Yulsan và trúng thầu công trình nhà ở Dubai của tiểu vương quốc Ả Rập, Bộ trưởng Sin đã gọi Chủ tịch Jung lên và đe dọa như vậy. Nguyên nhân chỉ đơn giản là trong con mắt của ông Sin, tôi bị coi như cái gai mà thôi.
Hồi mời bắt đầu tham gia vào thị trường Trung Đông, Bộ trưởng xây dựng thời đó, ông Kim Jea Kyu, đã đưa ra giới hạn chỉ cho phép 10 công ty trong nước có thể sang Trung Đông và tham gia hoạt động đấu thầu tại đây. Đây chính việc dự phòng trước, mong tránh những hậu quả của tình trạng tất cả các công ty đồng loạt tham gia vào thị trường này. Nhưng sau khi Bộ trưởng Kim chuyển công tác sang Cục tình báo Trung ương và ông Sin Huyong Sik, một nhân vật chính trị lão luyện của Đảng Cộng hòa, tiếp nhận chức Bộ trưởng thì số lượng công ty tham gia vào thị trường Trung Đông lại lên đến 300 công ty.
Nếu các công ty có năng lực thì 300 công ty cùng tham gia, càng kiếm nhiều USD về cho đất nước sẽ càng tốt. Nhưng thực tế, trong số các công ty mới không ít công ty mới thành lập vội vàng, công trình trong nước còn làm không xong. Và công ty xây dựng Yulsang chính là một ví dụ điển hình trong con số không ít công ty đó.
Tôi đã chỉ trích vấn đề này tại buổi hội thảo dành cho các công ty tham gia vào thị trường nước ngoài do Bộ xây dựng chủ trì:
“Với tư cách là Giám đốc của một công ty bước vào thị trường Trung Đông sớm và tham gia khá nhiều công trình, tôi không thể không đưa một lời khuyên cho Bộ trưởng. Tôi nói ra không phải để phản đối các công ty khác tham gia vào thị trường Trung Đông nhưng trong số các công ty mới được tham gia, có những công ty chỉ có cái tên, thậm chí còn không thi công nổi công trình trong nước. Cho những công ty này tham gia, chúng ta làm sao có thể gánh chịu về thiệt hại kinh tế nhà nước cũng như sự mất mặt của quốc gia sau này ? ”.
Bộ trưởng Sin nói với giọng đầy bực tức :
“Trung Đông đang ở thời kỳ kinh tế rất tốt. Chính phủ có cả ý định cho nhiều doanh nghiêp tham gia vào thị trường này hơn nữa để kiếm thêm thật nhiều tiền. Giám đốc Lee đừng nói kiểu một mình một chợ ấy nữa”.
Tôi lại phải nhấn mạnh thêm rằng không phải tôi muốn hạn chế việc tham dự vào thị trường này của các công ty khác. Họp xong, tôi đã nói thêm với cục trưởng phụ trách xây dựng hải ngoại thế này :
“Hãy nhớ ý kiến phản đối của tôi. Sau này, khi có quá nhiều công ty gây phiền toái cho kinh tế đất nước, gây đau đầu cho ngành xây dựng hải ngoại hãy nhớ lời câu nói này của tôi”.
Và, những điều tôi lo lắng ngay lập tức đã trở thành hiện thực. Khi công ty xây dựng Huyndai xúc tiến đấu thầu công trình nhà ở Dubai của tiểu vương quốc Ả Rập, công ty xây dựng Yulsan cũng tham gia như một đối thủ cạn tranh, trong khi trong tay họ chẳng có gì. Đấu thầu theo hình thức bàn giao sản phẩm hoàn thiện và kết quả trúng thầu là Huyndai đứng đầu, Yulsan về số 2.
Nhưng Bộ xây dựng Hàn Quốc lại cho rằng Huyndai trúng thầu với giá quá thấp và họ muốn xử phạt chúng tôi. Tôi phải chạy hết chỗ này đến chỗ kia chỉ mong có thể chứng minh rằng không phải công ty chúng tôi phá giá. Không chứng minh được chắc chắn công trình sẽ thuộc về công ty xây dựng Yulsan. Mà có vẻ như ông Sin có tình cảm với công ty này thì phải.
Tình cờ, nhìn qua hồ của Ulsan và tôi không thể không ngạc nhiên. Thật ngạc nhiên là trong hồ sơ đó họ ghi những công trình lớn Huyndai đã làm như đập Soyang, trạm phát điện nguyên tử Kori. Tôi không thể chấp nhận được, vặc lại ông Shin
“Chuyện đã thành thế rồi, nếu làm lớn chuyện, tất cả công ty Hàn Quốc đều sẽ bị người khác chửi. Ông đừng nên kiếm chuyện nữa”.
Trong khi phía Bộ xây dựng tìm cách kéo dài thêm thời gian, các Tiểu vương quốc Ả Rập lại biết mình không có kinh nghiệm gì mấy nên mời các chuyên gia thuộc Ngân hàng phát triển Châu Á thẩm tra hồ sơ. Cuối cùng, đoàn kiểm tra cũng phát hiện ra sự thật kỳ lạ là hai công ty có doanh số như nhau và có nhiều công trình trùng với nhau. Ngân hàng phát triển châu Á hiểu rõ Huyndai hơn ai hết vì hai bên đã từng hợp tác cùng làm các dự án tại khu vực Đông Nam Á. Kết quả là những hồ sơ của Yulsan bị phán quyết là giả mạo và bị xóa tên.
Sự việc ấy xảy ra, Bộ trưởng Sin đổ lỗi rằng Huyndai đã mách sự thật này cho phía Ả Rập. Từ đó trở đi, ông ta ghét tôi.
Sáng hôm đó, tôi và ông Jung cùng vào phòng Bộ trưởng vì chuyện giải thể công ty xây dựng đô thị Hàn Quốc. Một hồi, sau khi hằm hằm liệt kê các hành vi phạm pháp của công ty phát triển đô thị Huyndai, Bộ trưởng Sin đưa ra kết luận :
“Tập đoàn Huyndai tự giải thể công ty đó đi. Chiều nay tổ chức họp báo và thông báo chuyện này.”
Ông ta gọi Cục trưởng phụ trách vào, đưa hồ sơ chuẩn bị họp báo đã được chuẩn bị sẵn từ trước cho ông Jung. Ông Jung xem phần nội dung chuẩn bị họp báo xong, hỏi:
“Đây là ý kiến của Bộ Trưởng, hay của Tổng thống ?”
“Chỉ thị của Tổng thống, phải được thực hiện ngay”.
Lúc chúng tôi định đứng dậy, ông Sin lại làm ra vẻ nghĩ ra điều gì, hỏi tôi.
“Giám đốc Lee, ông nghĩ thế nào về chuyện này ?”
Sau khi hiểu cái ý định gọi tôi lên, thông báo việc giải thể công ty, tôi cũng đang rất khó chịu trong lòng.
“Đây là quyết định đã đưa ra, Chủ tịch chúng tôi cũng đã đồng ý thì ý kiến của tôi có tác dụng gì. Mà tôi cũng không phải là Giám đốc của công ty đó nữa”.
“Vì thế tôi mới hỏi ý kiến của ông, ông nói gì thì cũng đâu có thay đổi gì đâu”.
Giọng nói ông ta đầy vẻ bất lịch sự, dương dương tự đắc.
“Nếu vậy thì tôi sẽ nói ý kiến của tôi, tôi phản đối chuyện giải thể công ty. Công ty là pháp nhân, pháp nhân chẳng có lỗi gì cả, mà nếu có lỗi thì hãy xử phạt người làm ra lỗi đó. Chứ hễ công ty có lỗi là cứ dẹp đi vậy thì trên trái đất này còn lại bao nhiêu công ty đây. Ông nhìn vào những đất nước tiên tiến có những công ty bề dày lịch sử 100 – 200 năm xem. Chủ nghĩa tư bản mà Chính phủ luôn hành động thế này thì làm gì có công ty nào sống được nổi 10 năm”.
Tôi chưa dứt lời thì ông Sin gầm lên.
“Này, cậu giám đốc trẻ, thế này là cậu đang tham con tép mà mất con tôm đấy”.
“Tôi định không nói, nhưng Bộ Trưởng đã hỏi vậy thì tôi nói. Chuyện này Bộ trưởng và Chủ tịch đã quyết, ông nghĩ bây giờ cái nào là con tép và cái nào là con tôm đây ?”.
Bộ trưởng Sin đứng bật dậy:
“5 giờ các ông vào Bộ xây dựng họp báo”.
Ra khỏi Bộ xây dựng, lên xe, tôi nói với Chủ tịch Jung.
“Ông ta nói là chỉ thị của Tổng thống, nhưng tôi cảm thấy rất lạ. Hay chúng ta thử đến phòng Phụ tá Tổng thống xem sao?”.
“Tổng thống đã quyết định thế thì đi làm gì nữa. Mà cậu quen người ở đó không? ”
Phụ tá đó là ông Kim Yong Chun, sau này là Viện trưởng Viện kiểm sát.
“Chúng tôi biết nhau và có thể trao đổi chính thức được”.
“Cũng chẳng thiệt vào đâu, cậu đi thử xem”.
Tôi điện thọai đến phòng tiếp dân của Dinh Tổng thống và cuối cùng cũng gặp đựơc ông ta. Tôi thuật lại nguyên văn lời nói của Bộ Trưởng xây dựng lúc nãy.
“Theo ý kiến của tôi thì lần xử lý này hoàn toàn trái với nguyên tắc của Chủ nghĩa tư bản. Tôi sẽ không chịu thua, mong anh nói giúp điều này với Tổng thống”.
Ban đầu, ông Kim Yong Chun nói với tôi theo kiểu chuyện bây giờ cũng đã kết thúc, không làm gì được. Sau, ông có vẻ dần dần hiểu hơn.
“Tôi rất hiểu lập luận của ông, nhưng tôi không thể nói được điều gì cả. Ông cứ về đi, có gì thay đổi tôi sẽ liên lạc”.
Về đến công ty, chuẩn bị họp báo thì có liên lạc từ phòng Phụ tá.
“Tôi đã nói với Tổng thống, và Ngài đã thay đổi phương châm. Không cần phải giải thể công ty. Chúng tôi sẽ thông báo cho Bộ xây dựng. Giám đốc Lee, lập luận của ông đúng đấy”.
Chưa kịp vui, tiếp đó, Bộ xây dựng gọi tôi vào. Lần này, tôi đi một mình.
Tôi không biết có từ ngữ nào miêu tả được vẻ mặt của ông ta lúc này không nữa. Ông ta thấp tha thấp thỏm hỏi đầu đuôi câu chuyện. Tôi nói đúng như sự thật.
“Ông làm thế, khó xử lắm”.
Dù ông ta nói thế, sự việc cũng đã kết thúc.
Sau khi cái việc suýt thành “bỏ tôm bắt tép” ấy kết thúc xong, chẳng bao lâu ông Jung Mong Gu cũng được tòa tuyên án vô tội và thả ra. Việc hàng bán không được, phải chuyển sang hình thức trả chậm hàng năm thì làm sao có thể gọi là tội được chứ? Tội duy nhất ở đây chính là cơn sốt chung cư tạo ra sau khi chúng tôi bán được hàng. Vẫn còn nhiều ức chế lắm. Nhưng nói gì thì nói, vụ vịêc này vẫn để lại tổn thương cho công ty xây dựng đô thị Hàn Quốc mà không liên quan gì đến chuyện giám đốc Jung được thả vì vô tội.
LẦN GẶP CUỐI CÙNG VỚI TỔNG THỐNG PARK CHUNG HEE
Cái gọi là “quan hệ” của tôi với Tổng thống Park vượt quá sự thật. Sự thăng tiến của tôi thời đó là phá cách đến mức khó mà có thể chấp nhận trong xã hội thời ấy, người ta cũng không thể tìm ra được một điều gì từ “ hoản cảnh ” của tôi nên có lẽ họ chuyển thành lý do lên Tổng thống, họ nói là Tổng thống chống lưng thì làm gì có ai đứng ra mà tìm hiểu.
Ngoại hình của tôi cũng giống với Tổng thống, vì thế nó cũng góp phần làm tên những tin đồn giữa tôi và ông. Thực sự thì tôi hơn hai mươi tuổi, người ta gọi tôi là “Park nhỏ”. Mỗi lần bạn bè gọi như thế tôi đều cười xòa cho qua và nói “Mình lớn hơn sao lại gọi mình là Park nhỏ chứ”. Hình thức đã thế, lại có cùng một điểm chung là làm nhiều vì vậy tin đồn sau lưng tôi có Tổng thống Park cứ kéo dài mãi.
Ông là chính là người đưa tôi vào tù, chặn đường tham gia vào xã hội của tôi. Tôi, người bị hiểu lầm là được ông chống lưng nên sớm thành công đã gặp ông ta lần cuối vào ngày 20 tháng 10, trước ngày ông ta ra đi , ngày 26.10.
Sáng ngày hôm đó, có liên lạc gấp từ dinh Tổng thống. Cuộc gặp sẽ bắt đầu lúc 4 giờ nhưng từ 10 giờ sáng là tất cả khách đến thăm phải tập trung ở Hội quán văn hóa Sejong. Có lẽ khoảng 20 người. Có cả giám đốc các hãng báo, có cả lãnh đạo của phong trào Ngôi làng mới. Dân kinh doanh chỉ có mình tôi. Những “đại diện” của các tầng lớp trong xã hổi đang chuẩn bị cuộc gặp với Tổng thống.
Người chủ trì cuộc họp ngày hôm đó là Cha Chi Chol, trưởng phỏng cảnh vệ Phủ Tổng thống. Có mấy người trong dinh Tổng thống ra, họ đưa bao thư cho một vài ngườ trong nhóm. Trong bao thư đó có một số lời khuyên giành cho Tổng thống. Cái bao thư vừa đến, tôi giở ra đọc thì thấy chép : Tôi với tư cách là người xuất thân từ phong trào, là chủ mưu của vụ biểu tình 6.3 nhìn nhận vụ việc của học sinh hiện nay, tôi cho rằng suy nghĩ của họ là rất sai lầm. Vụ việc biểu tình Buma chỉ là hiện tượng nhất thời, xuất phát từ suy nghĩ non trẻ, dễ dàng về thời cuộc của học sinh mà thôi. Chính vì vậy ngài không cần lo lắng…” Đại khái nội dung nó thế.
Mấy ông giám đốc tòa soạn báo, lãnh đạo phong trào ngôi làng mới đang khổ sở vì cái việc đọc thuộc lòng cái nội dung đó. Tôi đang rất lo lắng. Nếu đọc theo những gì viết thì lương tâm không cho phép vì toàn những lời trống rỗng. Nhưng không đọc cái đó thì công ty sẽ gặp nạn ngay. Thật là tiến thoái lưỡng nan.
Trong lúc mọi người trong nhóm đi ăn cơm trưa. Tôi dùng điện thoại công cộng, gọi cho một đàn anh đang là thẩm phán. Tôi định xin anh ta một vài lời khuyên.
“Tốt nhất là làm thế nào đừng phải nói. Nhưng nếu không hài lòng chúng thì cậu và công ty cậu sẽ bị trả thù cho mà xem. Mấy thằng ấy bây giờ đầu óc không bình thường đâu”.
Lời khuyên không giúp ích được gì. Sau bữa ăn trưa, tất cả những người phát biểu đang lần lượt đọc thuộc cái lời phát biểu của mình. Thứ tự phát biểu cũng đã được định xong. Hai giám đốc tờ báo đọc trước, sau đó là người lãnh đạo của phong trào Ngôi làng mới, tiếp theo là tôi. Sau khi chuẩn bị xong, mọi người đến Dinh Tổng thống.
Tổng thống trông rất ốm yếu, trên mặt đầy vẻ lo lắng. Chúng tôi gặp Tổng thống ở phòng tiếp khách. Đứng sau lưng Tổng thống, trưởng phòng cảnh vệ Cha Chi Chol dùng mắt chỉ thị cho chúng tôi thứ tự phát biểu.
Hai giám đốc tòa soạn báo đọc trước theo đúng kịch bản, toàn những lời êm tai.
Tôi thì đang chảy mồ hôi hột. Tôi quyết định có chết cũng không đọc đúng kịch bản. Quyết tâm dù thế nào cũng không thể hèn nhát. Nhưng trong đầu cũng rất hồi hộp, miệng khô lên vì suy nghĩ “có kiểu nói nào không ảnh hưởng công ty, lại giúp được ông ấy không”. Trưởng phòng cảnh vệ đứng sau lưng Tổng thống trông có vẻ còn lớn hơn ông ta.
Đến lượt lãnh đạo của phong trào Ngôi làng mới. Đó là một ông cụ. Ông ấy căng thẳng quá hay sao mà nói không thành lời, lắp bắp từng câu như học sinh lớp 1 học thuộc trong sách.
“Xin thay mặt cho tất cả lãnh đạo của phong trào Ngôi làng mới, chúng tôi xin ủng hộ ngài Tổng thống…..”.
Nói đến đó thì ông ta ngưng bặt. 1 phút, rồi 3 phút trôi qua nhưng ông cụ không thể nói tiếp. Ông già co rúm người lại, thậm chí là không thể nói theo suy nghĩ của riêng mình. Mặt trường phòng cảnh vệ Cha Chi Chol vàng bệch. Cuối cùng, Tổng thống đứng dậy
“Ông đọc thuộc mà lại quên mất rồi phải không?”
Đám đông đang ngượng ngạo vì không biết xử lý thế nào cũng cười ngượng.
“Thôi được rồi”.
Ý Tổng thống là không muốn nghe thêm những lời khuyên đọc thuộc ấy ữa. Tôi nhìn hình ảnh phía sau của Tổng thống khi ông ra khỏi phòng tiếp khách càng thấy nhỏ bé hơn.
Tôi giống như giảm thọ mất mười năm. Thật vô cùng cảm ơn ông già đại diện cho phong trào ngôi làng mới.
Thế rồi vài ngày sau, vụ việc 10.26 nổ ra. Một lần nữa, tôi lại nghĩ lại cái “buổi đối thoại với dân chúng” được tiến hành mà rơi mồ hôi hột và thấu hiểu vai trò của phụ tá là quan trọng đến mức nào. Nếu những người phụ tá của ông đã phò tá cho ông đúng dắn, chắc là đã không xẩy ra vụ 10.26.