Hồi ký CỰU TỔNG THỐNG HÀN QUỐC LEE MYUNG-BAK KHÔNG CÓ GÌ LÀ HUYỀN THOẠI 신화는 없다.
Phần 12. Kẻ chủ mưu vụ biểu tình 6.3
Năm 1964, tôi đang học năm 4 đại học, cùng lúc đó phong vào vận động của sinh viên cũng ngày một trở nên rầm rộ. Chính quyền quân sự vội vàng trong việc bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản nhằm tìm nguồn vốn thực hiện cái gọi là xây dựng kinh tế.
Bình thường hóa quan hệ Hàn Nhật nếu xúc tiến công khai thì vấn đề chính mà nó phải đối mặt chính là làn sóng chống Nhật của người dân, nhưng chính quyền quân sự lại tiến hành bí mật với phía Nhật bản, vì vậy càng gây cho nhân dân tâm lý nghi hoặc và phản đối.
Vụ 24.3 ở trường đại học Seoul trở thành vụ xung đột đẫm máu và mở rộng ra toàn quốc. Có 81 học sinh bị thương, 288 người bị bắt, ngay ngày hôm sau, tại trường đại học Korea, khoảng 3h chiều, 1000 sinh viên tập trung tại trường và tiếp tục phản đối.
Phong trào này tạm thời bị lắng xuống vì sự đàn áp của chính quyền, nhưng ngọn lửa của nó vẫn âm ỉ cháy. Trong vòng 3 tháng sau, nhiều vụ việc khác liên tiếp nổ ra và tính chất của nó cũng thay đổi.
Chủ tịch hội sinh viên trường đại học Korea tỏ thái độ rụt rè với các phong trào, vì vậy Chủ tịch hội sinh viên các trường đại học khác bèn họp lại ,và bầu ra tôi và Lee Kyong Wu, Chủ tịch hội sinh viên của trường Luật làm vai trò chủ đạo.
Tôi đứng ra chuẩn bị cho cuộc biểu tình. Chúng tôi xây dựng kế hoạch là trưa ngày 3 tháng 6, sinh viên của các trường đại học sẽ tràn ra đường. Kế hoạch này phải tiến hành một cách bí mật để tránh sự theo dõi của chính quyền, mà tôi là trọng tâm của vụ việc này.
Đúng như kế hoạch, trưa ngày 3 tháng 6, khoảng 12 ngàn sinh viên của các trường đại học ở Seoul bắt đầu thị uy và tràn ra đường phố, chính quyền hoảng sợ, ngay tối hôm đó 8h tối, họ ban bố lệnh giới nghiêm, và tất cả những lãnh đạo của phong trào sinh viên như tôi đều trở thành đối tượng truy nã của chính quyền.
Ngay tối hôm đó, tôi cùng với Lee Kyong Wu, Chủ tịch hội sinh viên Luật, trốn về nhà tôi, tôi là người cầm danh sách cán bộ chủ chốt của nhóm và bản cam kết “Những điều tuyệt đối không được nói ra”. Tôi mà bị bắt thì tất cả thành viên đều bị lộ, vì vậy tôi giấu kín tờ giấy này ở nhà mình.
Đúng như dự đoán, chính quyền cho người ập vào nhà tôi, chúng tôi nhảy khỏi bờ tường và mỗi người tự tìm cách thoát thân. Tôi trốn trong thành phố, rồi điện thoại cho anh trai của mình đang làm việc ở Kolon, anh ấy vội vàng giới thiệu cho một người bạn, nhưng anh bạn này lại mới lấy vợ, đang trong kỳ tân hôn, mà cái phòng tân hôn lại chỉ có một gian, tôi thật xấu hổ ở nhờ họ một đêm, rồi ngày hôm sau đành phải ra đi, lệnh của chính quyền sẽ phạt nặng những người nào che giấu kẻ truy nã.
Anh trai tôi nói về Busan có thể sẽ có người giúp đỡ, vì vậy tôi qua cầu, đi xuống phía Nam, đường xuống Busan cũng chẳng bình yên gì. Lên tàu, nếu thấy dấu hiệu đáng ngờ là tôi lại xuống tàu rồi đi xe buýt. Đi xuống Busan mà mất mấy ngày, nhưng cũng chẳng ở được lâu, một ngày nọ, chủ nhà đưa cái tờ báo vào, nhìn tôi và nói.
“Này, cậu nhìn đi, người che dấu cũng bị xử phạt đây này, để cậu đi tôi không muốn chút nào nhưng chắc chắn một ngày nào đó thì cậu cũng sẽ bị bắt, nếu thế thì cái việc cậu trốn ở nhà tôi cũng rõ ràng, tôi sẽ bị phạt, cậu tự xử lý đi”.
Tôi chẳng còn chỗ nào để trốn nữa, tiền cũng không có, mà chẳng muốn nhờ vả ai, nhưng điều quan trọng hơn cả là oan ức cho tôi, tôi đâu có lỗi gì chứ?
Tôi ra khỏi nhà, vừa muốn hóng gió một chút nên đi bộ ra đầu đường, trên tường, thấy dán hình ảnh kẻ truy nã. Tôi bèn ghé vào nhìn thử, thấy hình ảnh của tôi được dán cùng với những kẻ trọng phạm, nghĩa là tôi chẳng khác gì những kẻ giết người kia cả. Chân tôi khụy xuống. Tôi điện thoại ngay cho anh, anh tôi lo lắng hỏi tôi sắp tới định làm thế nào.
“Em sẽ trực tiếp đến gặp họ, làm như thế không phải là đầu thú”.
“Nếu tự thú, em có thể được giảm án, anh có người quen làm hình sự ở đồn cảnh sát thành phố cùng quê với mình. Em đừng cực nhọc nữa, lên Seoul gặp anh ta xem sao”.
“Anh, em không thể đầu thú được, em đâu có lỗi gì đâu chứ? Em phải xuất hiện đường hoàng”.
“Đúng thế, em tính thế là tốt, nhưng khi đi lên, đừng để bị bắt”.
Con đường lên Seoul còn khó hơn khi xuống Busan, tôi phải tìm mọi cách tránh mạng lưới đang truy lùng vây bắt tôi ráo riết. Và cuối cùng, tôi gặp được vị cảnh sát đồng hương ở quán trà trước đồn cảnh sát, và tôi “xuất hiện” trước đồn. Nhưng sau này mới biết vị cảnh sát đồng hương muốn bắt tôi, anh ta muốn có tiền thưởng.
Nhưng điều làm tôi còn kinh ngạc hơn chính là sau vụ 3.6, cảnh sát không những biết địa điểm mà chúng tôi đã gặp mặt, còn biết tường tận danh sách những ai đã tham gia. Sau này tôi mới biết, trong số cán bộ của chúng tôi có cả tình báo của Cục tình báo trung ương, 10 năm sau, anh ta leo lên vị trí chủ chốt của cục tình báo.