Lễ hội Chuseok (hay còn gọi là Tết Trung thu Hàn Quốc) là một trong những ngày Tết lớn và rất quan trọng với người Hàn Quốc. Ngày này là ngày để gia đình đoàn tụ dù các thành viên có ở xa đến mấy, mọi người cũng cố gắng tụ họp về nhà để có thể cùng ngồi chuyện trò ăn uống và tận hưởng thành quả của vụ thu hoạch duy nhất trong 1 năm.
Tháng 8 Âm lịch cũng là lúc kết thúc vụ mùa trong năm. Sau khi thu hoạch, với lương thực và hoa quả sung túc đầy nhà, người Hàn Quốc sẽ tổ chức nghi lễ tạ ơn tổ tiên đã phù hộ cho một mùa màng bội thu và cầu mong những điều may mắn trong nông vụ sắp tới. Cũng bởi các nghi lễ được tổ chức vào đúng ngày rằm tháng 8 Âm lịch, là lúc trăng tròn và đẹp nhất trong năm nên Tết Trung Thu trong tiếng Hàn còn có tên là Chuseok có nghĩa là Đêm mùa thu.
Vào thời điểm này, dù ở bất cứ đâu trên đất nước Hàn Quốc, mọi người đều tranh thủ trở về quê hương để đoàn tụ với gia đình cũng như vui chơi trong tiết trời mát mẻ của mùa thu. Ngoài ra, Tết Chuseok cũng là dịp thể hiện rõ nhất nét đặc trưng trong đời sống tinh thần của người dân ở xứ sở Kim chi. Nếu đến Hàn Quốc vào những ngày đặc biệt này, bạn nhất định phải tìm cơ hội để trải nghiệm những điều sau đây:
1. Chuseokbim: Hanbok mặc dịp này.
Vào ngày Tết Chuseok, người Hàn Quốc sẽ chuẩn bị và khoác lên mình những bộ Hanbok truyền thống mới và đẹp nhất để tham dự vào những nghi lễ tưởng niệm tổ tiên hoặc tham dự những buổi tiệc tùng. Những bộ Hanbok dành cho dịp này gọi là Chuseokbim. Việc may những bộ Hanbok mới có giá thành khá đắt đỏ trong những năm gần đây đã kéo theo dịch vụ cho thuê Hanbok nở rộ ở Hàn Quốc. Nếu có ý muốn được mặc thử những bộ trang phục truyền thống này, bạn có thể tìm đến những dịch vụ cho thuê Hanbok quanh các khu cung điện hoặc những ngôi làng truyền thống quanh Thủ đo Seoul.
2. Songpyeon: Món ăn đặc trưng
Songpyeon là món ăn đặc trưng của người Hàn Quốc trong Tết Chuseok. Loại bánh này được làm từ bột gạo với nhiều loại nhân khác nhau được gói ở bên trong. Hình dáng của Seongpyeon được nặn theo hình trăng khuyết. Bởi theo người Hàn Quốc, hình ảnh vầng trăng khuyết mới là hình ảnh đẹp nhất tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở vì “trăng khuyết rồi sẽ tròn”. Ngoài ra họ còn quan niệm, người con gái nào nặn được những chiếc bánh Seongpyeon đẹp sẽ có cơ hội gặp được ý trung nhân của đời mình hoặc sẽ sinh ra những đứa con xinh đẹp.
3. Beolcho và Seongmyo: thăm viếng và dọn dẹp phần mộ tổ tiên
Đến nghĩa trang để thăm viếng và dọn dẹp, sửa sang phần mộ tổ tiên là việc quan trọng nhất trong Tết Chuseok. Từ để chỉ việc viếng mộ vào dịp này trong tiếng Hàn là Seongmyo, còn những công việc như quét dọn, phát cỏ hay sửa sang lại những ngôi mộ được gọi chung là Beolcho. Beolcho thường được thực hiện khoảng 1 tháng trước Rằm tháng 8, và đến đúng lễ Chuseok, các gia đình lại đi viếng mộ thêm một lần nữa để hoàn tất nghi lễ Seongmyo. Vào những ngày này, các con đường cao tốc trên khắp đất nước Hàn Quốc thường trở nên vô cùng đông đúc bởi dòng người đổ về những khu nghĩa trang để làm tròn bổn phận của mình với tổ tiên.
4. Charye: Nghi lễ tạ ơn tổ tiên
Vào buổi sáng của ngày Tết Chuseok, các gia đình Hàn Quốc sẽ quây quần tại gian nhà lớn của họ và thực hiện nghi lễ Charye để tạ ơn tổ tiên. Charye thường được tổ chức hai lần trong năm vào ngày mùng 1 Tết Nguyên đán và ngày Chuseok. Tuy nhiên, nếu như ở ngày Tết Nguyên đán, món ăn chính trên mâm cúng tổ tiên là canh bánh gạo Tteokguk. Thì trong Tết Chuseok, các món ăn chính sẽ được làm từ những nông sản mới thu hoạch như bánh Seongpyeon hay rượu Baekju. Ngày nay, nếu muốn, bạn có thể trải nghiệm những nghi lễ như Charye thông qua dịch vụ homestay hoặc tìm đến những ngôi làng văn hóa dân gian Hàn Quốc.
5. Ganggangsullae: vũ điệu cổ truyền
Đây là điệu dân vũ tiêu biểu nhất trong ngày Tết Chuseok vốn được bắt nguồn từ vùng Tây Nam của Hàn Quốc. Khi trăng vừa lên trong đêm Trung thu, những người phụ nữ trong làng sẽ mặc những bộ Hanbok đẹp nhất của mình tập hợp thành vòng tròn ở một bãi đất rộng để cùng nhảy múa trên nền của những điệu dân ca. Ngày nay, điệu múa này vẫn được biểu diễn ở nơi trên đất nước Hàn Quốc và bạn cũng có thể xem điệu múa này tại một số tụ điểm văn hóa ở Thủ đô Seoul.
6. Ssireum: Đấu vật truyền thống
Ssireum là tên gọi của một bộ môn đấu vật truyền thống của người Hàn Quốc. Vào dịp Tết Chuseok, các chàng trai trong những ngôi làng ở nông thôn sẽ tham gia thi đấu để thể hiện sức mạnh trước mọi người. Ssireum sẽ được tổ ngay ở bãi cỏ hoặc trên bãi cát trong làng theo hình thức đấu loại trực tiếp. Người chiến thắng phải là người đánh bại hết các đối thủ và trụ lại được đến cuối cùng. Người này được tôn vinh là Jangsa (tráng sĩ), sẽ nhận nhiều giải thưởng từ phía dân làng. Ngày nay, Sserium cũng được tổ chức ở các sàn đấu cố định để mọi người có thể dễ dàng tìm xem.
7. Juldarigi: kéo co truyền thống
Juldarigi là trò chơi kéo co truyền thống của người Hàn Quốc dành cho mọi lứa tuổi trong dịp Tết Chuseok. Để có thể tổ chức được trò chơi này, trước đó những người đàn ông sẽ hợp sức để kết một sợi dây thật lớn bằng rơm. Đường kính của sợi dây này có khi lên đến hơn nửa mét và dài hàng chục mét để nhiều người có thể tham gia. Ngày xưa, người chơi thường là người dân trong một ngôi làng hay nhiều làng khác nhau và sẽ được chia là hai đội gồm một bên nam và một bên nữ. Nếu bên nữ thắng thì mùa vụ năm sau sẽ được bội thu. Tuy nhiên, ngày nay, Juldarigi đã dần trở thành một sinh hoạt cộng đồng được tổ chức phổ biến nhằm tạo nên sự sôi động vào mỗi dịp Tết Chuseok.
8. Baekseju: đồ uống truyền thống
Và cuối cùng, một việc mà bạn không thể nào bỏ qua ở Hàn Quốc trong dịp Tết Chuseok đó là thử món rượu Baekseju. Loại rượu truyền thống này được chưng cất nên bởi những hạt nếp vừa được thu hoạch trong mùa vụ vừa qua. Đây là thứ không thể thiếu trên bàn cúng tạ ơn tổ tiên trong dịp Chuseok. Sau lễ cúng, mọi người sẽ quây quần cùng nhau thưởng thức Baekju cùng với các món ăn truyền thống và sau đó có thể sẽ nhảy múa, hát ca cùng nhau.
Chúc cả nhà Trung Thu vui vẻ!·