Làn sóng Hallyu với những bộ phim, những nhóm nhạc thần tượng đã ngày càng vươn xa khỏi biên giới Hàn Quốc và “phủ sóng” trên khắp các châu lục, từ Á sang Âu và mở rộng sang đến Mĩ, Trung đông và châu Phi. Kéo theo đó, sự phát triển vượt bậc của các ngành thời trang, mỹ phẩm, âm nhạc, giải trí đã đưa Hàn Quốc trở thành một trung tâm mua sắm, nghe nhìn của cả châu lục. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự thành công và do đâu mà văn hóa Hàn Quốc lại được người dân khắp thế giới ưa chuộng đến thế?
Làn sóng Hallyu với những bộ phim, những nhóm nhạc thần tượng đã ngày càng vươn xa khỏi biên giới Hàn Quốc và “phủ sóng” trên khắp các châu lục, từ Á sang Âu và mở rộng sang đến Mĩ, Trung đông và châu Phi. Kéo theo đó, sự phát triển vượt bậc của các ngành thời trang, mỹ phẩm, âm nhạc, giải trí đã đưa Hàn Quốc trở thành một trung tâm mua sắm, nghe nhìn của cả châu lục. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự thành công và do đâu mà văn hóa Hàn Quốc lại được người dân khắp thế giới ưa chuộng đến thế?
Từ chủ trương “xuất khẩu” văn hóa
Có lẽ nguyên nhân thành công ban đầu của làn sóng Hàn phải kể đến sự ủng hộ và quan tâm của Chính phủ Hàn Quốc trong lĩnh vực “xuất khẩu” văn hóa ra nước ngoài.
Với mục tiêu “đưa nền văn hóa của Hàn Quốc đến gần hơn với nhân dân các quốc gia khác”, chính phủ Hàn Quốc đã dọn đường cho các nghệ sỹ của họ tiếp thị văn hóa đến khắp mọi nơi. Sự đẩy mạnh văn hóa của Hàn Quốc ra thế giới là cả một chiến lược mang tầm quốc gia, là sự đoàn kết của cả một dân tộc trong nỗ lực giới thiệu, tuyên truyền và quảng bá hình ảnh văn hóa, phong tục tập quán đất nước mình đến với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Thứ hai, sự bùng nổ ngành công nghệ phim Hàn với nhiều tác phẩm chất lượng cao, các đạo diễn xuất sắc và dàn diễn viên có ngoại hình đẹp, diễn xuất tài tình, cộng với những cảnh quay sử dụng kỹ xảo và hoành tráng không kém gì phim Hollywood … đã góp phần tạo dựng lên một hình ảnh Hàn Quốc lung linh và huyền diệu, có sức cuốn hút đối với mọi tầng lớp khán giả.
Bên cạnh đó, các sản phẩm nghệ thuật, nhất là điện ảnh và truyền hình đã đi sâu khai thác diễn biến tâm lý một cách nhẹ nhàng, phản ánh chân thực những tâm tư đời sống của con người. Ẩn sau những câu chuyện rất đỗi bình thường, giản dị và gần gũi trong cuộc sống với những vấn đề muôn thủa như tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình và các quan hệ xã hội… mỗi bộ phim đều chất chứa và nổi bật tính nhân văn cao đẹp. Đó chính là đặc điểm chung, là sợi dây gắn kết những nền văn hóa lại gần nhau.
Thành công từ hệ thống đào tạo thần tượng nhà nghề
Thứ 3, để làn sóng Hallyu đạt được tầm lan tỏa rộng lớn, mãnh liệt như vậy không thể thiếu yếu tố chủ quan và sự nỗ lực từ chính các ngôi sao – những người có công mang hình ảnh Hàn Quốc đến gần hơn với khán giả quốc tế.
Để trở thành một thành viên trong làn sóng đó, các nghệ sĩ đã phải trải qua một chương trình đào tạo vô cùng khắc nghiệt trong khoảng thời gian tương đối dài (ít nhất 2-3 năm, nhiều cũng phải 7-8 năm để luyện tập vũ đạo và giọng hát).
Ngoài khả năng vũ đạo, chất giọng tốt, họ còn phải có ngoại hình đẹp, khả năng ngoại ngữ thông thạo (để vươn ra thị trường nước ngoài), phải biết sáng tạo và nắm bắt tốt các dịch vụ dành cho người hâm mộ, tìm được nhà quản lý có khả năng xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh… Và dĩ nhiên chi phí đầu tư vào quãng thời gian này không phải nhỏ.
Thông qua việc cạnh tranh để tồn tại, tập luyện cao độ để trở thành những ngôi sao thần tượng nên các ngôi sao Hàn đã phát triển được tài năng ở nhiều phương diện. Những ngôi sao thần tượng này không chỉ biết nhảy, hát mà còn biết diễn xuất và khả năng thông thạo ngoại ngữ.
Hầu hết các ban nhạc của Kpop đều gây được ấn tượng tốt với hình ảnh kết hợp hoàn hảo từ ngoại hình đến âm nhạc, vũ điệu, phục trang, trang điểm. Để đạt được sự đồng bộ đó, họ phải có hẳn một chiến lược cụ thể, có hệ thống từ khâu tuyển chọn, đào tạo ca sĩ (chất giọng, vũ đạo, ngoại hình) đến việc sáng tác, chiến lược marketing đến khách hàng một cách bài bản.
Bên cạnh đó, công lao trong việc đưa âm nhạc Kpop đến với công chúng và mở rộng tầm ảnh hưởng của Kpop ra nước ngoài, đặc biệt là các nước châu Á chính là các công ty, các tập đoàn lớn trong ngành giải trí như SM Entertainment, YG Entertainment, Cube Entertaiment, Universal Music, JYP Entertainment (công ty chuyên phát hiện, đào tạo, quản lý sao) và Mnet Media (mạng bán hàng), … cũng rất đáng được ghi nhận.
Những công ty hùng mạnh và có thế lực bậc nhất làng giải trí xứ Hàn đã kể trên chính là những êkíp chuyên nghiệp đã khám phá tài năng, lăng xê và đứng đằng sau thành công của hàng loạt các nghệ sĩ, nhóm nhạc hàng đầu xứ Hàn. Hoạt động dựa trên lợi nhuận là phương châm hàng đầu, nhưng không thể phủ nhận công sức của những công ty này đã đem đến sự phong phú, muôn màu muôn vẻ cho làng Kpop và nền giải trí Hàn Quốc.
Tận dụng triệt để truyền thông và Internet
Cuối cùng, phải kể đến thế mạnh về mặt truyền thông, nhất là tiện ích của YouTube, Twitter, Facebook… Vai trò của công nghệ thông tin trong các kênh thông tin này là rất lớn trong sự phát tán làn sóng Hàn Quốc ra thế giới bởi trước khi các nghệ sĩ bước chân ra thị trường nước ngoài, hình ảnh của họ đã được công chúng làm quen trước thông qua các mạng cộng đồng trên.
Hàn Quốc rất biết sử dụng thế mạnh của truyền thông, coi các phương tiện truyền thông như truyền hình, báo chí, internet… là công cụ hữu ích nhất để lăng-xê và xuất khẩu văn hóa. Các bộ phim truyền hình được phát sóng nhiều trên truyền hình thu hút sự quan tâm chú ý của độc giả; các quảng cáo được thực hiện hấp dẫn,…khiến văn hóa Hàn Quốc trở nên quen thuộc hơn, gần gũi hơn với người dân ở khắp các châu lục.
Ngoài ra, chính công chúng và phương tiện truyền thông nước ngoài – những đối tượng tiếp nhận văn hóa Hàn Quốc cũng vô tình góp phần làm cho làn sóng ấy dâng cao hơn, có sức lan tỏa mạnh hơn và tầm ảnh hưởng ngày càng rộng hơn. Nói như vậy là vì nếu công chúng nước ngoài không tiếp nhận, không cuồng nhiệt với Kpop thì dù có cố gắng đến mấy, họ cũng không thể thành công được như hôm nay.