Dịch là gì?
- “Dịch thuật là khái niệm gồm cả phiên dịch và biên dịch, là công việc truyền đạt, chuyển đổi từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác”.
- Phiên dịch: Là công tác dùng lời nói để chuyển đổi từ một ngôn ngữ này sang ngôn ngữ nói này sang ngôn ngữ nói khác, các ví dụ gồm dịch đồng thời, dịch tuần tự, dịch đuổi vv., phiên dịch viên là người thực hiện công việc phiên dịch đó.
- Biên dịch: Là công việc chuyển đổi bằng chữ viết từ một ngôn ngữ việc này sang một ngôn ngữ viết khác theo dạng văn bản, văn tự, chữ viết. Biên dịch viên là người thực hiện công việc này, các công việc như: dịch sách, dịch phim, dịch tài liệu, dịch viết v..
Câu hỏi: Để trở thành một phiên dịch tiếng Hàn tốt, cần những yếu tố gì và trau dồi kỹ năng gì?
- Bạn cần phải có cả kiến thức và kỹ năng. Kiến thức là quan trọng nhất, sau đó để trở thành một phiên dịch giỏi thì bạn cần phải có kỹ năng xử lý tình huống. Không phải ai biết tiếng Hàn đều có thể làm phiên dịch giỏi, còn ai có kỹ năng mà không có tiếng Hàn thì tất nhiên không thể làm phiên dịch.
- Ngoài kiến thức trên, bạn cần phải hết sức lưu ý đến văn hóa đặc trưng của Hàn Quốc: vai trò của phiên dịch trong cách nghĩ của người Hàn Quốc là gì? Họ có coi trọng phiên dịch hay không? Họ đối xử với phiên dịch thế nào, trong trường hợp cụ thể thì phiên dịch phải ứng xử như thế nào. Những điều đó cũng quan trọng không kém kiến thức tiếng Hàn hay kỹ năng dịch thuật.
Hiện em đang làm chuyên môn, nhưng em đang học tiếng Hàn và muốn chuyển sang làm phiên dịch, có thể được hay không?
- Hoàn toàn có thể được. Thực sự thì người dịch giỏi nhất chính là người vừa có chuyên môn và có ngôn ngữ. Ở Việt Nam thì người có chuyên môn và có ngôn ngữ tiếng Hàn không nhiều, vì nếu làm được như vậy thì bạn sẽ trở thành một sự khác biệt có giá trị rất lớn so với những người còn lại. Tuy nhiên là nếu chuyển sang ngành khác thì bạn lại phải cần học thêm kiến thức về chuyên ngành khác.
Ở Việt Nam học dịch tiếng Hàn thì học thế nào?
- Ở Việt Nam chưa có các chương trình đào tạo phiên biên dịch tiếng Hàn cụ thể, các trường đại học thì chủ yếu đào tạo tiếng Hàn theo các chuyên ngành Hàn Quốc học hoặc đông phương học. Sau khi học xong thì sinh viên sẽ tự dần trau dồi các kỹ năng dịch thuật và đi làm. Hiện tại nếu bạn học ở Hàn Quốc thì cũng chỉ học ngôn ngữ là chính, chưa có hệ đại học hay cao hơn đào tạo biên phiên dịch chuyên nghiệp nhiều.
- Hiện có một số trung tâm có chương trình đào tạo biên phiên dịch tiếng Hàn, thời gian là 18 tháng, bạn có thể theo học những chương trình ngắn hạn như thế này nếu không có theo học ở bậc đại học.
Xin cho hỏi dịch tiếng Hàn và các ngôn ngữ khác khác nhau như thế nào?
- Tiếng Hàn khác với tiếng Anh, tiếng Hoa và tiếng Việt về cấu trúc câu, đó là động từ luôn nằm cuối cùng, vì thế khi dịch tiếng Hàn thì bạn cần phải nghe xong động từ mới có thể dịch. Đây là điều khó khăn cho phiên dịch, nhất là dịch đồng thời.
- Tiếng Hàn ngôn ngữ tôn kính khá nhiều, bạn cần phải hết sức lưu ý khi sử dụng ngôn ngữ tôn kính trong tiếng Hàn
- Tiếng Hàn có cấu trúc định ngữ khá phức tạp và dài dòng, lại rất hay sử dụng vì thế bạn cần phải cố gắng hiểu rõ phần định ngữ tiếng Hàn trước khi dịch, dịch xong phần định ngữ thì bạn sẽ cảm thấy rằng về cơ bản đã dịch xong một câu dài.
Câu tiếng Hàn khá dài, phải dịch như thế nào mới đúng và không quên ý.
- Vấn đề là bạn cần biết ngắt câu ở đâu. Tiêu chí để ngắt câu đó là một câu hoàn thiện, hoặc tối thiểu cần phải có một chủ ngữ và một vị ngữ. Sau khi đã dịch xong câu đó thì hãy chuyển sang câu khác.
- Nếu bạn thấy trong câu dài có các liên từ kết nối như 며, 하고, 그리고 thì đây cũng là những phần mà bạn có thể ngắt.
- Với những câu dài đa số là do cấu trúc định ngữ dài, bạn cần phải khoanh vùng xem cấu trúc định ngữ là phần nào để có thể dịch chính xác nhất.
- Nếu bạn đang làm phiên dịch, thì nên thỏa thuận trước với người nói phạm vi nói, không nên quá dài vì bạn sẽ không kịp ghi chép đầy đủ hoặc ghi nhớ không hết.
Làm sao để dịch câu đúng trật tự tiếng Hàn?
- Bạn nên học kỹ và luyện tập lý thuyết biên phiên dịch tiếng Hàn, nhất là phần trật tự thành tố trong câu, trong đó hết sức lưu ý đến phần cấu trúc câu tiếng Hàn, điều này sẽ giúp cho bạn nắm bắt qui tắc dịch của tiếng Hàn.
- Một nguyên tắc cơ bản mà bạn cần phải nhớ đó là trong câu dịch tiếng Hàn thì động từ luôn nằm ở cuối câu vì thế nếu dịch sang tiếng Việt thì bạn cần phải xác định đến thành phần cuối cùng của câu đó để dịch hoàn thiện.
- Thực ra dịch là kỹ năng, khi nguyên tắc đã quen thuộc thì mọi thứ trở thành phản xạ, vì thế bạn cần phải làm quen với các mẫu văn bản, các bài phát biểu thì sẽ dễ dàng hơn.
- Về cơ bản, tiếng Hàn là một ngôn ngữ có cấu trúc câu khá tự do, mỗi thành tố trong câu được xác định bởi một trợ từ, vì thế thay đổi vị trí cũng khiến cho ý nghĩa của câu không thay đổi, điều này khiến cho trật tự tiếng Hàn cũng không quá quan trọng khi dịch thuật hay giao tiếp: 먹었어? 밥을?
- Có một mẹo khá cơ bản khi dịch tiếng Hàn, đó là xác định câu xong, bạn xác định chủ ngữ, sau đó xác định động từ và sẽ dịch từ chủ ngữ và từ động từ trở lên (nghĩa là thường từ cuối câu trở lên).
Làm sao để dịch câu trôi chảy và hay?
- Trôi chảy có nghĩa là không vấp khi phát âm: bạn cần phải luyện tập nó theo đúng văn phong nói khi dịch, cần phải có sự chuẩn bị trước để không bị vấp từ
- Trôi chảy nghĩa là thành thục và không lắp bắp: để có kỹ năng này bạn cần phải có vốn từ vựng tiếng Hàn và tiếng Việt thật tốt, gặp bất cứ từ nào cũng có thể dịch được, tránh tình trạng không biết và bắt đầu ê a cho qua chuyện.
- Để dịch hay, với tiếng Việt bạn cần phải có khả năng tiếng Việt thật tốt, còn với tiếng Hàn thì bạn cần phải có khả năng sử dụng cấu trúc ngữ pháp đa dạng, từ vựng phong phú, sử dụng định ngữ nhiều, ngữ điệu câu dịch như người Hàn Quốc thì mới gọi là hay. Để làm được điều này bạn cần lấy một phần trình bày nào đó của người Hàn Quốc để học theo cách trình bày của họ là cách hiệu quả nhất:
Tại sao nhìn vào tiếng Hàn thì em có thể dịch được nhưng dịch Việt qua Hàn thì lại không được?
- Lý do là vốn tiếng Việt bạn thì nhiều mà vốn tiếng Hàn bạn quá ít. Bạn là người Việt thì ngôn ngữ của bạn là ngôn ngữ mẹ đẻ, bạn có thể sử dụng thoải mái và nhanh chóng, còn tiếng Hàn là ngoại ngữ. Bạn chưa biết từ vựng, chưa hiểu cấu trúc ngữ pháp và cách đặt câu, chia thời thế thì dịch tiếng Hàn sang tiếng Việt tốt, nhưng từ tiếng Việt sang tiếng Hàn thì hay có lỗi, và các bạn thường có tâm lý sợ sai.
- Bạn cần có thời gian tích lũy khối lượng từ vựng, ngữ pháp ở mức độ nào đó sẽ đủ dịch mà không cần lo lắng lắm.
Nhìn thì dịch được nhưng nghe thì không dịch được tiếng Hàn, làm thế nào.
- Từ ngữ tồn tại dưới hai dạng: Chữ viết và âm thanh. Nếu bạn chỉ học chữ viết thì chỉ có thể dịch chữ viết, nếu học âm thanh thì chỉ có thể dịch âm thanh.Âm thanh khó nhận biết hơn chữ viết vì chữ viết thì chỉ có một, còn âm thanh thì bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố của người phát âm: sức khỏe, luồng hơi, giọng địa phương, dấu, ngữ điệu, cảm xúc vv..
- Tiếng Hàn về cơ bản đều là ngôn ngữ đơn âm tiết, vì thế khi nghe chúng ta có cảm tưởng rất nhanh. Vì thế khi học, bạn nên cố gắng học cả hai dạng âm thanh và chữ viết, thậm chí là nên học dạng âm thanh nhiều hơn sẽ có kết quả tốt hơn. Ban đầu, nếu không nghe được thì có thể sử dụng chữ viết để hỗ trợ, vấn đề là cần phải thành thục, vì vậy cần phải nghe đi nghe lại nhiều lần.
Khi dịch từ tiếng Việt sang tiếng Hàn ta nên dịch sát nghĩa, đúng từng chữ từng chữ hay không?
- Vấn đề là có thể dịch sát nghĩa mà người nghe vẫn hiểu và câu đó có cảm thấy ngượng hay không, nếu không thấy ngượng thì chẳng sao cả. Tuy nhiên, cách diễn đạt câu của người Việt và người Hàn khác nhau, chúng ta không thể dịch 은 것이 좋다: cái gì đó là tốt được, mà phải dịch là nên làm cái gì đó. Điều này cần khả năng phán đoán của người dịch.
- Dịch kiểu nào không quan trọng, quan trọng là truyền đạt đầy đủ ý nghĩa, chính xác để hai bên cùng hiểu.
Làm sao nhanh nắm bắt cách diễn đạt, văn phong của người Hàn để dịch tốt hơn?
- Nếu là văn nói, bạn có thể lấy một bài mẫu trình bày nào đó của người Hàn Quốc, bạn vừa nghe và cố gắng hiểu xem người đó đang sử dụng cấu trúc gì và nghĩa của cấu trúc đó như thế nào. Bạn có thể học thuộc bằng cách đặt câu theo phong cách này để có thể quen dần khi sử dụng.
- Nếu văn viết dịch thuật thì bạn nên theo các mẫu văn bản đã được làm sẵn, điều này sẽ giúp cho các bạn viết văn mà không bị ngượng, hoặc tránh kiểu văn mà người Hàn Quốc đọc xong sẽ cho rằng ngữ pháp thì không sai nhưng người Hàn không ai diễn đạt như vậy cả.
Xin cho biết là học bao nhiêu thì có thể làm phiên dịch tiếng Hàn được.
- Câu trả lời rất khó, vì tùy theo trình độ. Nhưng nếu tính theo khối lượng kiến thức thì toàn bộ kiến thức ngôn ngữ học của trường đại học quốc gia Seoul chỉ gồm 120 bài có khoảng 1800 từ vựng và 900 cấu trúc ngữ pháp.
- Do ở Việt Nam chưa có chuẩn đánh giá cấp độ của phiên dịch, vì thế theo kinh nghiệm thì thường đã học tiếng Hàn 1-2 năm/topik 3 là bắt đầu có thể dịch sơ và trung cấp, 2 năm – 5 năm thường topik 4-5 sẽ là dịch trung cấp và trên 5 năm và có topik 6 thì có thể nói là phiên dịch cao cấp. Tất nhiên chứng chỉ Topik không có thi nói (hoàn toàn khác với dịch) thì đó chí là một thước đo có tính ước phỏng không chính xác.
Em thường thấy dịch xong thì mới thấy sót ý, lý do tại sao?
Thiếu sót ý thường có các lý do như sau
1/ Do tiếng Hàn thì phải nghe hết câu mới có thể dịch hoàn thiện, nhất là khi nghe dịch đồng thời thì lại càng khó, vì thế người dịch thường không có thời gian sắp xếp, kiểm tra lại. Để khắc phục điều này thì bạn cần phải chuẩn bị tài liệu thật kỹ.
2/ Do thiếu tập trung của phiên dịch, có thể do mệt mỏi vì chương trình quá dài, do phiên dịch khá chủ quan. Không nên để các yếu tố xung quanh mình tác động khi dịch như điện thoại, tiếng ồn, người qua lại, tài liệu không liên quan.
3/Do những từ mới, cách diễn tả mà phiên dịch không hiểu sẽ khiến cho bạn bỏ qua những phần này. Cần có quá trình tích lũy và khả năng phán đoán từ vựng để tránh trường hợp bị bỏ sót.
Đang dịch, và gặp từ vựng mới hoàn toàn không biết, em giải quyết thế nào?
Bắt buộc phải đoán bằng các phương pháp khác nhau:
- Nếu là tiếng Hàn thì bước đầu tiên là xem đó là từ gốc Hán hay tiếng Việt, danh từ hay động từ hay tính từ. Nếu là danh từ chỉ khái niệm thì hay là từ gốc Hán, trường hợp này dùng từ gốc Hán để đoán theo nguyên tắc nguyên âm phụ âm. Có thể đoán với những từ xung quanh nó 군중심리, 통증완화, 혈액순환
- Có thể đoán bằng từ cấu thành nên nó:
용도: chỉ cần biết một trong hai chữ 용 (dụng, dùng) và 도( đồ, có ý gì) thì có thể đoán biết từ này có nghĩa là dùng vào việc gì đó, bạn có thể chỉ cần hiểu khái niệm, chưa cần tìm từ tương ứng trong tiếng Việt cũng không sao.
- Nếu là từ tiếng Việt, và là từ Hán Việt thì khá dễ dàng để dịch: kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô, chính trị, văn hóa, xã hội, bị cáo, nguyên cáo vv..
- Đoán theo văn cảnh: các từ liên quan, tài chính thì liên quan đến tiền, photo cần đến giấy.
Em thấy chủ yếu hiện nay chủ yếu nữ làm phiên dịch tiếng Hàn, có lý do tại sao hay không?
Ở Việt Nam, phiên dịch tiếng Hàn phụ nữ chiếm đến 90-95%, lý do là người học tiếng Hàn đa số đều là nữ, nam rất ít. Họ cũng làm tốt công việc của mình vì nghề này cần sự tỉ mỉ, chu đáo.
Nam và nữ mỗi bên có lợi thế riêng của mình. Nữ phải giành nhiều thời gian hơn cho gia đình, tính cơ động thấp hơn nhưng họ lại cẩn thận, tỉ mỉ, khả năng giao tiếp tốt hơn và nhiều khi cầu tiến hơn nam giới.
Việc phiên dịch là nam hay nữ cũng tùy thuộc vào văn hóa tuyển dụng của từng nước và đặc điểm ngành nghề. Hiện trường xây dựng thì khó có thể tuyển nữ. Nhưng một tiệm giải phẫu thẩm mỹ thì thường tuyển nữ.
Khi học phiên dịch tiếng Hàn, em có cần học thêm một ngôn ngữ khác để hỗ trợ?
Rất cần thiết, trong tiếng Hàn sử dụng rất nhiều từ tiếng Anh, nhất là công nghệ thông tin, tín dụng, là bóng đá: 시스템 (hệ thống), 패스 (đường chuyền), 랭킹 ( xếp hạng), thậm chí chỉ cần sử dụng những từ này bạn cũng có thể đủ để giao tiếp.
Em thường bị rối khi dịch tiếng Hàn, làm thế nào?
- Muốn rối thì phải có nguyên tắc để dịch. Về cơ bản dịch tiếng Hàn sẽ là xác định chủ ngữ xong sẽ dịch từ động từ (hay từ cuối câu) lên, hay từ phải sang trái.
- Bạn cần phải định hình phạm vi cần dịch, bạn sẽ dịch chủ ngữ và đến vị ngữ, mỗi câu hoàn thiện tối thiểu cần có 1 vị ngữ và 1 chủ ngữ, trường hợp nhiều vị ngữ thì tùy theo tình hình ngôn ngữ nào. Vị ngữ nhiều thì cần sắp xếp theo trật tự, trình tự sẽ khiến cho bạn không bị rối.
- Có thể sẽ rối do định ngữ, vì định ngữ quá dài và nhiều, vì thế bạn nên xác định thành phần câu rõ ràng trước khi dịch sẽ giúp bạn biết rõ cần phải dịch cái nào trước, cái nào sau.
- Cần hiểu rõ cấu trúc ngữ pháp của tiếng Hàn là SOV, của tiếng Việt là SVO để tiện so sánh đối chiếu tránh bị rối.
Trong 10 năm sắp tới, nghề phiên dịch có bị bão hòa không?
- Tùy ngôn ngữ, việc bão hòa hay không, cung cầu nhiều lên hay ít đi thuộc vào nhiều yếu tố gồm: Mức độ phổ cập của ngôn ngữ đó, tình hình đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, mức độ toàn cầu hóa của một quốc gia, năng lực và hệ thống đào tạo của một nền giáo dục vv..
- Với tình hình đầu tư và quan hệ giữa hai nước, thì có thể nói tiếng Hàn vẫn đang là một ngôn ngữ hot hiện nay và có thể là 5 năm tới. 10 năm trước đây, có dự đoán rằng chỉ 5 năm nữa thì thị trường phiên dịch tiếng Hàn sẽ bão hòa, nhưng nhờ vào xu thế đầu tư tăng dần của công ty Hàn Quốc mà nhu cầu nhân lực tiếng Hàn ngày càng tăng nhiều hơn và vẫn chưa có dấu hiệu bão hòa nào. Quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc là đối tác chiến lược, vì thế sẽ ngày càng mở rộng hơn.
- Tất nhiên, có thể có người làm nghề nào đó cả đời, nhưng cũng không ít người không làm một nghề cả cuộc đời.
Đâu là phương pháp học dịch nhanh nhất:
- Nếu là phiên dịch, hãy nên đi theo những người tiền bối đã vào nghề và nghe họ dịch, sau đó sẽ tích lũy và học cách dịch cho mình. Tất nhiên là bạn cần phải có sự luyện tập đầy đủ trước khi vào nghề
- Nếu là biên dịch, bước đầu lấy một tài liệu nào đó đã được dịch song ngữ, tự dịch và đối chiếu với bản dịch xem đâu là sự khác biệt. Nếu có gì hay thì cố gắng học hỏi ngay. Cùng một nội dung, bạn có thể dịch đi dịch lại nhiều lần sẽ thấy trình độ của mình tăng lên rất nhiều lần.
Những nguyên tắc cho luyện dịch.
Cơ bản, bạn có những nguyên tắc như sau trong quá trình học tập luyện dịch, những gợi ý này mong bạn đọc kỹ trước khi bắt đầu dịch.
- Bạn nên tập trung dịch từ đơn giản đến phức tạp, dễ đến khó: bạn sẽ cảm thấy rất chán nản nếu thấy mình không dịch được, vô dụng, vì thế hãy tự tìm cách hài lòng trước bằng cách dịch những câu đơn giản và dễ dàng nhất.
- Ưu tiên độ thành thục: Để luyện thành thục, bạn sẽ phải đọc đi, đọc lại câu dịch khoảng 5-10 lần. Bạn có thể luyện tập thành thục với những cấu trúc, những từ vựng và cách chuyển đổi để khi gặp những tình huống như thế, bạn có thể xử lý ngay.
- Nên bắt chước ngữ điệu hay cách trình bày của người nước ngoài nói. Chúng ta là người bản địa và chúng ta không thể hiểu hết cách trình bày hay diễn đạt của một ngôn ngữ nước ngoài. Có thể bạn không nghe hết từ, nhưng có thể đoán qua ngữ điệu, ngữ cảm.
- Từ vựng là yếu tố quyết định nhất nên bạn sẽ phải hết sức ưu tiên vấn đề học từ vựng, bạn có thể diễn đạt không đủ ngữ pháp nhưng có từ vựng người khác sẽ vẫn hiểu.
- Nên dịch viết thật thành thạo trước khi dịch nói vì dịch nói cần kết hợp rất nhiều yếu tố khác để người khác hiểu. Và ở trình độ cao hơn, không dùng từ này thì dùng từ khác chứ không nhất thiết bỏ qua hay bí, hay ngập ngừng khi chưa tìm ra từ phù hợp cho lời dịch.
- Khi dịch, bạn nên luyện dịch theo câu hoàn chỉnh và đọc thành tiếng, tuyệt đối không nghĩ rằng dịch câu đó thì cứ thế thôi, khi vào dịch sẽ dịch được. Nhưng thực tế thì khác, luyện tập thường không đủ thì khi vào dịch thực tế cũng rất khó. Rất nhiều trường hợp bạn không thể phát âm được hoặc phát âm khá ngượng, lý do là phát âm không quen, vì thế, bạn cần phải dịch thành tiếng thay vì lẩm bẩm trong miệng, đủ âm lượng, vị trí của cơ quan phát âm đúng chỗ.. như thực tế và nên đưa ngữ điệu.
- Dịch viết trước, dịch nói sau, dịch viết bao giờ cũng dễ hơn, chính xác và trau chuốt hơn, bạn nên dùng kỹ năng, tính cẩn thận của dịch viết để ứng dụng vào dịch nói.
- Dịch Tiếng Hàn – Việt trước, dịch Việt – Tiếng Hàn sau cũng là một cách, vì cách diễn đạt tiếng Việt cho người nghe hiểu là bước đầu tiên, đại đa số người nghe của các bạn là người Việt, sự ưu tiên cho những người nghe cũng là điều cần lưu ý.
- Ban đầu, tập trung dịch thành thạo một câu thay vì nhiều câu, bạn nên giỏi một câu trước, sau đó hãy chuyển sang luyện dịch thật nhiều kiểu thay vì một kiểu
- Qui trình liên tục sai – đúng – sai – đúng – sai. Bạn dịch và phải phát hiện ra mình sai, sửa, lại phát hiện ra sai cái khác, lại sửa tiếp và qui trình này cần thực hiện thật nhiều mới có thể hoàn thiện kỹ năng dịch của một người.
- Tài liệu dịch, tốt nhất bạn nên dùng xem băng đĩa một bộ phim nào đó và luyện nghe từng câu, xong ngắt câu và dịch, sau đó nghe tiếp 2-3 câu và có thể gắng hiểu cùng một lúc. Tất nhiên, đây chỉ là những công đoạn dịch đơn giản. Cao hơn một mức độ nữa các bạn có thể nghe những bài thuyết trình bằng tiếng nước ngoài, nghe 2-3 câu hoặc 5 giây trở xuống , hiểu và cố gắng dịch đúng như những gì đã nghe, nhớ bật volume nghe để dịch và tập trung hết sức.
- Nên cố gắng dịch Việt – Tiếng Hàn và tiếng Hàn – Việt cùng một lần luyên tập để hiểu sự chênh lệch và cách thể hiện với những trường hợp như thế. Dịch không phải là một đáp án cố định như các môn tự nhiên.
- Tập trung tập phản xạ bằng cách tắt ngay câu vừa nghe và dịch lại hoàn thiện, sẽ gây chán cho bạn nhưng không sao, phản xạ cần ngay tức thì nhưng không cần quá nhanh, quá chậm hoặc bộp chộp.
- Với người cần phải dịch ngay, thì ban đầu nên luyện dịch ban đầu nên theo phong cách tiếng nước ngoài kiểu Việt Nam, sau đó hãy dịch sang đúng văn phong của ngôn ngữ nước ngoài. Nhưng nếu có thể, ngay từ ban đầu, bạn dịch theo đúng văn phong từ câu dễ đến khó, ngắn đến dài, đơn giản đến phức tạp thì sẽ hay hơn.
Xin cho hỏi tham khảo sách học dịch
- Luyện dịch 1200 câu tiếng Hàn, nhà xuất bản Tổng hợp
- Kỹ năng nghề dịch, Lê Huy Khoa, nhà sách Alpha
- Luyện dịch trung và cao cấp tiếng Hàn, Lê Huy Khoa, nhà xuất bản Tổng hợp.
- Lớp luyện dịch tại www.kanata.edu.vn
_Trích: Sách GIỎI TIẾNG HÀN NHÀN NHƯ ĂN GIMBAP – Tác giả Lê Huy Khoa_
Liên hệ mua sách:
https://kanata.edu.vn/sach-hay-tieng-han/
https://tiki.vn/gioi-tieng-han-nhan-nhu-an-gimbap-p40052072.html
- Trụ sở chính: 384/19 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 8, Quận 3. 028.3932 0868/ 3932 0869, 0931 145 823
- Cơ sở 1: 72 Trương Công Định, P.14, Quận Tân Bình , 028.3949 1403 / 0931145 823
- Cơ sở 2: Số 18 Nội khu Mỹ Toàn 2, khu phố Mỹ Toàn 2, H4-1, Phường Tân Phong, Quận 7, 028.6685 5980
- Cơ sở 3: 856/5 Quang Trung, F8, Gò Vấp (Ngay cổng sau Trường THPT Nguyễn Công Trứ, hẻm đối diện công ty Mercedes) 028.3895 9102
- Cơ sở 4: 144 Đinh Tiên Hoàng, P.1, Quận Bình Thạnh, 028.6270 3497
- Cơ sở 5: 193 Vĩnh Viễn, Phường 4, Quận 10, 028.6678 1913
Mình đang theo học chuyên ngành biên phiên dịch và mình nghĩ đây là một bài viết rất hữu ích cho mình
Minh rất thích ngành dịch nhưng mình dịch không giỏi, bài viết này đã giúp mình rất nhiều
Những bí quyết này thật sư rất cần thiết, cảm ơn trung tâm nhiều ạ.
Em rất là yếu về phần dịch. Cảm ơn trung tâm đã chia sẻ 1 bài viết thật là bổ ích ạ
cảm ơn bạn đã đăng bài rất có ý nghĩa ……..m sẽ cố gắng học hành chăm chỉ